Ngành Công Thương triển khai Chiến lược Phát triển bền vững và Chương trình nghị sự 2030

Thứ năm, 29/08/2019 20:50
(ĐCSVN) – 5 yếu tố của Chương trình nghị sự 2030 là: Con người, Đối tác, Hòa bình, Thịnh vượng, Hành tinh. Chương trình này hướng đến mục tiêu tổng quát tới năm 2030: Duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng phát biểu tại hội thảo (Ảnh: BCT)

Phát biểu tại hội thảo “Định hướng phát triển bền vững ngành Công Thương”, tổ chức sáng ngày 29/8, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng khẳng định: Công tác tổ chức, xây dựng kế hoạch để triển khai Chiến lược phát triển bền vững và Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững được sự quan tâm, chủ động tích cực của ngành Công Thương. 

Để tích cực tham gia vào Chương trình nghị sự 2030 do Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua tháng 9/2015, ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững  với mục tiêu tổng quát mở rộng hơn. Kế hoạch hành động đưa ra 17 mục tiêu chung về phát triển bền vững  và 115 mục tiêu cụ thể của Việt Nam, trong đó Bộ Công Thương được giao thực hiện 7 mục tiêu chung và 15 mục tiêu cụ thể.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, để thực hiện Chiến lược phát triển bền vững và Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã thành lập Ban chỉ đạo phát triển bền vững và Văn phòng phát triển bền vững của Bộ Công Thương để triển khai các nhiệm vụ được giao; đồng thời ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình nghị sự 2030 tại Quyết định số 4917/QĐ-BCT ngày 29/12/2017 để thực hiện. Trong đó, 15 mục tiêu về phát triển bền vững của Chính phủ giao đã được Bộ Công Thương cụ thể hóa thành các nhiệm vụ cụ thể và phân công cho 20 đơn vị thuộc Bộ thực hiện.

Các nhiệm vụ chủ yếu Bộ Công Thương thực hiện trong giai đoạn 2017 – 2020, bao gồm: Hoàn thiện cơ chế chính sách theo hướng điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo khung pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện Kế hoạch hành động và các mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển bền vững ngành Công Thương; thực hiện hoạt động truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội...; tăng cường năng lực cho các địa phương, cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện, lồng ghép, giám sát, đánh giá các mục tiêu phát triển bền vững và sản xuất tiêu dùng bền vững; nghiên cứu, triển khai thí điểm các giải pháp thực hiện phát triển bền vững, sản xuất tiêu dùng bền vững; giám sát, đánh giá, báo cáo thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững …

Trong giai đoạn 2021 – 2030, sẽ triển khai toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch hành động để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững và sản xuất tiêu dùng bền vững ngành Công Thương đến năm 2030; tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, tập trung nguồn lực nhằm giải quyết những vướng mắc, các lĩnh vực gặp khó khăn trong quá trình thực hiện Kế hoạch hành động; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ. Chú trọng phát triển công nghệ môi trường, công nghệ sạch, công nghệ năng lượng mới; thúc đẩy triển khai ứng dụng, nhân rộng các giải pháp thực hiện phát triển bền vững, sản xuất tiêu dùng bền vững giai đoạn 2017 – 2020; đến năm 2025, thực hiện đánh giá giữa kỳ giai đoạn 2021 - 2030 kết quả thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; đến năm 2030 sẽ tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình kết hợp với đánh giá kết quả thực hiện Báo cáo Việt Nam 2035 và chuẩn bị xây dựng các mục tiêu phát triển bền vững cho thời kỳ tiếp theo…

Bên cạnh đó, nhiều tham luận tại hội thảo cũng đề cập đến vấn đề kinh tế tuần hoàn và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy tái chế/nâng cấp, cộng sinh công nghiệp; chính sách để xanh hóa thiết kế sản phẩm, tăng độ bền sản phẩm, khả năng sửa chữa, tái sử dụng và tái sản xuất…/.

An Nguyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực