Ngành dệt may tập trung triển khai các dự án lớn

Thứ năm, 17/06/2010 22:05

(ĐCSVN) - Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tháng 5 sản xuất ổn định do có các đơn hàng xuất khẩu đến hết quý III, xuất khẩu hàng dệt may tháng 5 ước đạt 0,8 tỷ USD, tăng 16,9% so với tháng 5/2009; tính chung 5 tháng ước đạt 38 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ.

 
Ngành dệt may hướng đến những đơn hàng lớn. Ảnh: INT
Giá trị xuất khẩu dệt may 5 tháng qua tuy mới đạt hơn 1/3 so với mục tiêu 10,5 tỷ USD của cả năm 2010, song giới chuyên gia dự báo, ngành dệt may Việt Nam vẫn có nhiều lạc quan vì mùa xuất khẩu chính với những đơn hàng lớn chủ yếu được triển khai trong những tháng cuối năm.

Đáng chú ý, nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất trong nước như vải dệt từ sợi bông, vải dệt từ sợi nhân tạo tăng nhẹ do ảnh hưởng từ việc Ấn Độ cấm xuất khẩu bông xơ và Pakistan đánh thuế xuất khẩu bông sợi đã khiến nguồn cung bông xơ trên thế giới càng trở nên khan hiếm. Đặc biệt, giá nguyên liệu tăng mạnh và khó dự đoán trong hai tháng nay khiến nhiều công ty bông không mặn mà bán với lô lớn cho các doanh nghiệp nội địa.

Trước những biến động về giá nguyên phụ liệu và gia tăng của chi phí đầu vào, đa số nhà nhập khẩu hàng may mặc đều có sự hợp tác tích cực trong thương lượng, nâng giá nhích lên so với hợp đồng đã ký. Cụ thể tại thời điểm này, giá bán xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp dệt may đã tăng 10 - 15% so với cùng thời điểm năm ngoái. Mặc dù vậy, năng suất lao động cũng như tiến độ giao hàng của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trong ngành vẫn đang bị ảnh hưởng không nhỏ bởi tình hình cắt điện liên tục hiện nay.

Bộ Công Thương nhận định, để duy trì sản xuất, nhiều doanh nghiệp sản xuất sợi khắc phục bằng cách kết hợp tận dụng nguyên liệu lẫn nhau để sản xuất hoặc đặt mua nguyên liệu làm nhiều lần với số lượng nhỏ. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt nên không tạo được sự chủ động cho doanh nghiệp để tiếp nhận các đơn hàng. Cũng vì lý do đó mà lợi nhuận của doanh nghiệp ngành sợi giảm mạnh vì đơn hàng và giá xuất khẩu sợi đã được ký với đối tác từ những tháng trước đó.

Cũng theo Hiệp hội Dệt may, trong khi nguồn phụ liệu cho may mặc và đóng gói trong nước có thể đáp ứng được đến 80- 90% nhu cầu thì vải - nguồn nguyên liệu chính cho dệt may xuất khẩu vẫn phụ thuộc phần lớn vào các nước trong khu vực. Hiện nước ta mới chỉ đáp ứng được từ 30- 50% nhu cầu sản xuất cho một số dòng sản phẩm cơ bản như sơ mi, đồ Jeans… nhưng đối với các dòng sản phẩm thời trang nữ như vest, Jacket…. thì gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu từ bên ngoài. Bên cạnh đó, việc thiếu lao động đang trở thành vấn đề căng thẳng nhất của các doanh nghiệp dệt may đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; cạnh tranh lao động giữa các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ tạo thành một xu hướng cạnh tranh không lành mạnh.

Trước tình hình này, Bộ Công Thương đã đề nghị ngành dệt may chủ động đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động xuất khẩu; khai thác tốt năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường để đáp ứng một cách tốt nhất các sản phẩm thiết yếu của nền kinh tế. Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng và máy móc, nguyên, phụ liệu trong nước đã sản xuất được thay thế cho hàng nhập khẩu.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là khu vực có ngành công nghiệp dệt may phát triển nhất cả nước, tập trung chủ yếu ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương..., thu hút từ 35 – 40% nguồn lao động và 40 – 45% giá trị sản lượng dệt may của cả nước. Việc phát triển quá nhanh của ngành dệt may tại đây khiến nguồn lao động thiếu, gây ô nhiễm môi trường.

Để tháo gỡ khó khăn về lao động cho ngành dệt may, việc di dời nhà máy sản xuất dệt may khỏi TP.HCM đã được ưu tiên, việc liên kết giữa các địa phương trong khu vực được coi là giải pháp hữu hiệu. Theo Bộ Công Thương, từ nay đến năm 2015, các nhà máy, cơ sở dệt nhuộm sẽ được bố trí, di dời về các địa phương vùng vệ tinh của TP.HCM như Long An, Đồng Nai, Tiền Giang... TP.HCM sẽ giữ vai trò là trung tâm dịch vụ thương mại, thiết kế mẫu và dịch vụ công nghệ dệt may, là đầu mối để tiêu thụ nguồn hàng. Tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ hình thành các KCN in nhuộm tại huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) để di dời các cơ sở dệt nhuộm của TP.HCM ra. Từ nay đến 2015, các khu, cụm công nghiệp dệt nhuộm cũng sẽ đầu tư xây dựng tại Long An và Tiền Giang. 2 KCN đang dự kiến được xây dựng ở Ninh Bình và Trà Vinh… nhằm thu hút các dự án đầu tư vào dệt, nhuộm để làm ra vải, mục tiêu tăng sản lượng vải xuất khẩu lên 1 tỷ mét. Ngoài ra, còn các công ty khác như Công ty XNK Vinatex, Cty Sợi Nha Trang… cũng đang có chiến lược mở rộng sản xuất.

Ngoài sự liên kết giữa các địa phương, Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng sẽ là hạt nhân trong việc triển khai xây dựng hai trung tâm nguyên phụ liệu tại TP.HCM và 5 dự án dệt nhuộm trọng điểm tại một số địa phương. Trong đó, dự án dệt nhuộm Việt Thắng tại TP.HCM sẽ được đầu tư nâng cấp đạt công suất 45 triệu m2/năm vào cuối năm 2010. Đến 2011, khi Nhà máy xơ Đình Vũ (Hải Phòng) đi vào hoạt động, ngành dệt may sẽ được đáp ứng 70% nhu cầu về xơ, sợi. Nguồn cung ứng nguyên phụ liệu dệt may đang tăng trưởng với diện tích trồng bông năm 2009 đạt khoảng 9.000 ha và trong năm nay diện tích này sẽ đạt khoảng 15.600 ha./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực