Ngành Thuế chỉ bàn tiến, không bàn lùi

Thứ tư, 08/07/2020 21:53
(ĐCSVN) – Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, từ nay đến cuối năm các cục thuế phải có những giải pháp hết sức cụ thể, không hô hào chung chung; chỉ bàn tiến chứ không bàn lùi, phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước ở mức cao nhất.
 Điểm cầu tại Hà Nội. (Ảnh: M.P)

Ngày 8/7 tại Hà Nội, Tổng cục Thuế tổ chức hội nghị sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp công tác thuế 6 tháng cuối năm 2020. Hội nghị được tổ chức trực tuyến với 63 điểm cầu tại 63 cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Nguồn thu thuế giảm từ tháng 4 

Báo cáo tại hội nghị, ông Phi Vân Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, về tổng thể, tỷ lệ thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) do cơ quan thuế quản lý 6 tháng năm 2020 đạt thấp nhất so với thu của một số năm gần đây (năm 2019 đạt 51,1% dự toán, năm 2018 đạt 49,6%, năm 2017 đạt 48,2%). Tiến độ thu ở mức khá tập trung tại một số khoản có nguồn phát sinh kinh tế của năm 2019, nhưng theo quy định các doanh nghiệp kê khai, nộp thuế trong những tháng đầu năm 2020.

Diễn biến thu qua các tháng giảm dần và giảm mạnh từ tháng 4 trở đi, cụ thể: thu tháng 1/2020 tăng 18,2%, trong đó số thu nội địa trừ đất, cổ tức, xổ số, chênh lệch thu chi Ngân hàng Nhà nước (gọi chung là thu nội địa từ thuế, phí) tăng 7,2%; tháng 2 tăng 13,4% (trong đó số thu từ thuế, phí tăng 12,6%); tháng 3 tăng 11,7% (trong đó số thu từ thuế, phí tăng 2,4%); tháng 4 thu chỉ bằng 78,5% (trong đó số thu từ thuế, phí chỉ bằng 70,2% cùng kỳ năm 2019); tháng 5 thu chỉ bằng 66,1% (trong đó số thu từ thuế, phí chỉ bằng 70,3%); tháng 6 thu chỉ bằng 84,3% (trong đó thu từ thuế, phí chỉ bằng 83,3% cùng kỳ).

Chỉ có 34/63 địa phương có tiến độ thu lũy kế 6 tháng đảm bảo tiến độ thực hiện dự toán (đạt trên 50%) do trong cơ cấu thu ngân sách trên địa bàn của hầu hết các địa phương này có nguồn thu phát sinh của năm 2019 lớn, nhưng theo quy định người nộp thuế nộp thuế trong năm 2020 và thu từ tiền sử dụng đất chiếm tỷ trọng cao.

Còn 29 địa phương còn lại có tiến độ thu chậm, chưa đảm bảo tiến độ thực hiện dự toán năm, hầu hết những địa phương này là những địa phương có nguồn thu thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên chiếm tỷ trọng lớn. Đây là những nguồn thu có kỳ nộp thuế phát sinh theo tháng, tác động của dịch bệnh COVID-19 đến tình hình kinh tế đã ngay lập tức ảnh hưởng rõ nét đến thu NSNN trên địa bàn, nguồn thu từ đất phát sinh thấp nên không bù đắp được tổng thu chung, tiến độ thu đã chậm lại từ tháng 4/2020 đến nay.

Rà soát các nguồn thu còn dư địa

Trước những khó khăn trên, cần có các giải pháp cụ thể. Ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng Cục Thuế cho biết, các cục thuế phải có những giải pháp hết sức cụ thể, không hô hào chung chung, chỉ bàn tiến chứ không bàn lùi, phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước ở mức cao nhất.

Theo đó, ngành Thuế sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp và người dân theo tinh thần Nghị định 41/2020/NĐ-CP và Nghị quyết 42. Cụ thể, đối với Nghị định 41/2020/NĐ-CP, theo tính toán ban đầu sẽ gia hạn 180.000 tỷ đồng, nhưng hiện nay mới gia hạn được 43.000 tỷ đồng, vì vậy, cơ quan Thuế vẫn đang tiếp tục tuyên truyền để doanh nghiệp và người dân thuộc diện được hưởng gia hạn tiếp tục kê khai. 

Ngành Thuế cũng tiếp tục triển khai quyết liệt Nghị quyết 84/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, dự kiến thuế thu nhập doanh nghiệp giảm 11.900 tỷ đồng, lệ phí trước bạ giảm 3.700 tỷ đồng, tiền thuê đất là 1.800-2.000 tỷ đồng, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là 1.650 tỷ đồng, thuế bảo vệ môi trường 450 tỷ đồng. 

Thời gian tới, toàn ngành sẽ rà soát các nguồn thu còn dư địa, còn tiềm năng để khai thác tăng thu, bù đắp một phần số hụt thu NSNN do dịch bệnh COVID -19 gây ra như thu từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tăng cường quản lý đối với các đối tượng được hưởng lợi trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 xảy ra do tăng trưởng sản xuất hoặc thay đổi hành vi tiêu dùng như: hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng, dịch vụ viễn thông, internet...; tăng cường kiểm soát các dự án hết thời gian ưu đãi thuế, các dự án mới phát sinh, các khoản truy thu theo kiến nghị của cơ quan Kiểm toán, Thanh tra...

Bên cạnh đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cũng đặt ra nhiệm vụ, triển khai quyết liệt công tác quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế. Tổ chức thực hiện thành công Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng xuống dưới 5% tổng thu NSNN. Tổ chức rà soát kịp thời đối với người nộp thuế không thuộc diện được gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP để đôn đốc kịp thời người nộp thuế nộp đúng, đủ, kịp thời số thuế phải nộp vào NSNN; Rà soát đối với người nộp thuế thuộc đối tượng được gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất tuy còn nợ thuế để tổ chức đôn đốc thu kịp thời tiền thuế nợ vào NSNN.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho rằng, để đạt mục tiêu đặt ra trong 6 tháng cuối năm, cơ quan Thuế phải nắm chắc đối tượng nộp thuế, nắm chắc nguồn thu, thực hiện thu đúng, thu đủ theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở đó tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền các biện pháp khai thác triệt để các nguồn thu để bù vào phần thiếu hụt (nếu có), đảm bảo thu ngân sách nhà nước trên địa bàn cũng như thu cân đối ngân sách địa phương.

Theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, cùng với đó ngành thuế cần triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19, tạo điều kiện khôi phục và phát triển môi trường kinh doanh.

Ngoài ra, ngành Thuế cũng quan tâm đôn đốc thu hồi nợ đối với các khoản nợ có khả năng thu hồi; xử lý nợ, xây dựng kế hoạch, phương án, biện pháp thu hồi nợ, báo cáo cấp ủy chính quyền địa phương phê duyệt và chỉ đạo thực hiện.../.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực