Ngành thủy sản nỗ lực đạt mục tiêu xuất khẩu 9 tỷ USD trong năm 2018

Thứ tư, 17/01/2018 17:55
(ĐCSVN) - Trong khai thác thủy sản không đặt mục tiêu tăng về sản lượng mà cần kiểm soát tốt về cường lực khai thác, giảm sản lượng nhưng giá trị sản phẩm phải tăng lên. Sản phẩm đảm bảo được truy xuất nguồn gốc và minh bạch hơn để đảm bảo yêu cầu chống đánh bắt bất hợp pháp. Về nuôi trồng, tập trung vào khai thác lợi thế nuôi tôm nước lợ, tập trung vào khâu giống,…

Đó là thông tin được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết khi trao đổi với báo chí về những giải pháp thúc đẩy đà phát triển ngành thủy sản trong năm 2018.


Ngành thủy sản tiếp tục nỗ lực phát huy đà tăng trưởng trong năm 2018 (Ảnh: BT)

Phóng viên (PV): Năm 2017, xuất khẩu thủy sản lần đầu tiên cán mốc trên 8,3 tỷ USD, tăng khoảng 18% so với năm 2016. Xin Thứ trưởng cho biết nguyên nhân để ngành đạt được kết quả trên?

Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Để có được kết quả trên, đầu tiên là chúng ta đã làm tốt sản xuất trong nước, đặc biệt đối với sản phẩm tôm, cá tra và hải sản. Đây là 3 nhóm mặt hàng năm 2017 chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Thứ hai đã kiểm soát tốt dư lượng hóa chất kháng sinh, chất lượng giống, áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến, nuôi tôm và nuôi cá tra công nghệ cao. Đồng thời kiểm soát tốt vật tư đầu, vì vậy đã đáp ứng được yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Trong đó, năm 2017, mặc dù việc xuất khẩu các mặt hàng tôm và cá tra sang các thị trường Mỹ và EU không được như các năm trước nhưng bù lại chúng ta làm tốt khâu mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, các nước ASEAN và các nước Trung Đông.

Như vậy, năm 2017 chúng ta thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có sự nỗ lực của ngư dân, sự năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp, xuất khẩu thủy sản đạt trên 8 tỷ USD cho thấy rõ điều đó.

PV: Thứ trưởng đánh giá như thế nào về những thách thức hiện nay mà ngành thủy sản đang phải đối mặt?

Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Hiện nay, ngành thủy sản đang có nhiều thách thức. Tuy nhiên, có ba nhóm vấn đề chính. Thứ nhất là vấn đề thị trường, bởi chúng ta luôn phải cạnh tranh với các đối thủ có những sản phẩm cùng chủng loại. Do đó, ngành thủy sản cần đổi mới, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để giảm giá thành, tăng cường chất lượng, đảm bảo khả năng cạnh tranh.

Thứ hai là vấn đề về dịch bệnh, chúng ta cần kiểm soát tốt dịch bệnh, kiểm soát tốt các dư lượng hóa chất kháng sinh. Hiện nay đang nổi lên vấn đề dư lượng hóa chất kháng sinh cũng như việc tiêm chích tạp chất vào tôm và một số những gian lận khác. Vì vậy, chúng ta cần ngăn chặn và tập trung giải quyết trong năm 2018.

Thứ ba là vấn đề về môi trường cũng như thiên tai. Bởi thủy sản là lĩnh vực chịu tác động đầu tiên và nặng nề khi có thiên tai xảy ra. Đây là ba vấn đề chúng ta cần giải quyết đồng thời. Dù vậy, cũng cần tin tưởng, chúng ta có đội ngũ nông dân, ngư dân rất năng động, sáng tạo, vượt qua được những khó khăn thử thách trong thời gian vừa qua và có tích lũy nhiều kinh nghiệm. Chúng ta cũng đang tập trung vào việc giải phóng sức sản xuất, tạo môi trường pháp lý thuận lợi bằng việc cách cải cách thủ tục hành chính. Tới đây, Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ NN&PTNT sẽ chủ trì tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp cũng như trong sản xuất để làm sao chúng ta phát triển sản xuất, kinh doanh thủy sản thuận lợi.

PV: Tháng 10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã rút thể vàng đối với thủy sản của chúng ta. Xin Thứ trưởng cho biết, ngành thủy sản đã và đang có những hành động như thế nào để EC gỡ bỏ thẻ vàng?

Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Cùng với Công điện số 732/CĐ-TTg ngày 28/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, Bộ NN&PTNT đã tiếp tục tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) để sớm thoát khỏi thẻ vàng trong vòng 6 tháng, tức trước 23/4/2018. Sau khi tham mưu với Thủ tướng ra Chỉ thị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã lập tức xây dựng kế hoạch hành động, hiện nay đang triển khai quyết liệt các nhóm giải pháp.

Một là nhóm giải pháp hoàn thiện thể chế, trên cơ sở Luật Thủy sản sửa đổi một số quy định trong đó có chế tài làm sao đáp ứng được 9 khuyến nghị của EC. Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao năng lực nhận thức, tập huấn cho ngư dân, chủ tàu, các doanh nghiệp cũng như hệ thống quản lý nhà nước về khai thác thủy sản để nâng cao năng lực nhận thức nguy cơ của thẻ vàng ảnh hưởng đến uy tín danh dự sản phẩm hải sản Việt Nam.

Nhóm giải pháp thứ ba tập trung vào các hành động thực thi trên thực tế. Đó là hành động của ngư dân, chủ tàu, tàu đi khai thác phải đảm bảo các yêu cầu như ghi nhật ký, lắp thiết bị giám sát hành trình, nộp báo cáo cho cơ quan quản lý cảng cá và xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác để chống đánh bắt bất hợp pháp; chứng nhận các lô hàng xuất khẩu theo yêu cầu của EU và các thị trường khác. Ban quản lý cảng cá, các cơ quan quản lý nhà nước cần cử người xuống tận cảng để cùng giám sát với cơ quan quản lý cảng cũng như kết nối thiết bị giám sát trên tàu cá để theo dõi 24/24 giờ đối với các tàu từ 15m trở lên đánh bắt xa bờ, đặc biệt đối với các tàu trên 24m phải lắp thiết bị giám sát tự động để kiểm soát.

Nhóm giải pháp thứ tư là tập trung mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, trong đó có việc đàm phán cấp cao với EC. Chúng ta cùng EC rà soát lại 9 nhóm khuyến nghị của EC để chúng ta hoàn thiện. Sau 23/4/2018, EC sẽ đánh giá những chuyển biến của Việt Nam để rút thẻ vàng cho hải sản Việt Nam.

Ngoài ra, chúng ta sẽ tăng cường hợp tác nghề cá đối với các nước trong khu vực ASEAN cũng như các nước quốc đảo Thái Bình Dương và các diễn đàn khu vực và quốc tế để lấy lại hình ảnh và uy tín thủy sản Việt Nam.

PV: Năm 2018 dự báo có nhiều thách thức của thủy sản Việt Nam. Vậy để đạt con số xuất khẩu đề ra khoảng 9 tỷ USD, ngành thủy sản sẽ triển khai những giải pháp gì thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Trước hết chúng ta phải phát huy thành tích và kinh nghiệm của năm 2017 và những năm trước. Trong đó, đặc biệt tập trung giải pháp phát huy lợi thế của thủy sản. Trong khai thác không đặt mục tiêu tăng về sản lượng mà chúng ta kiểm soát tốt về cường lực khai thác, giảm sản lượng nhưng giá trị sản phẩm khai thác phải tăng lên. Sản phẩm khai thác được truy xuất nguồn gốc và minh bạch hơn để đảm bảo yêu cầu chống đánh bắt bất hợp pháp cũng như các quy định của IUU. Tăng cường bảo quản chế biến sau thu hoạch, kiểm soát tốt cường lực khai thác ven bờ cũng như các nghề làm tổn hại đến nguồn lợi hải sản như nghề lưới kéo hoặc một số nghề khác.

Về nuôi trồng, chúng ta tập trung vào khai thác lợi thế nuôi tôm nước lợ, trong đó đặc biệt tập trung nhóm giải pháp ở 2 lĩnh vực. Đối với nuôi tôm công nghiệp thâm canh công nghệ cao, chúng ta sẽ họp mặt các doanh nghiệp nuôi tôm công nghệ cao để thúc đẩy những tiến bộ kỹ thuật, áp dụng những công nghệ mới nhất nhằm tăng sản lượng nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao và đáp ứng an toàn thực phẩm.

Thứ hai là tập trung vào khâu giống và những hộ nuôi tôm quảng canh, đặc biệt là tôm sú. Đây là một giải pháp đột phá để nâng cao năng suất của nuôi tôm quảng canh. Đây cũng là dư địa mà chúng ta còn rất nhiều. Đối với cá tra, chúng ta tập trung vào khâu giống, cùng với đó là thị trường để chúng ta thúc đẩy việc sản xuất cá tra. Ngoài ra tiếp tục khai thác những lợi thế của các mặt hàng khác.

PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

BT (ghi)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực