Nghệ An tăng cường các biện pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi ​

Thứ hai, 18/03/2019 14:50
(ĐCSVN) - Sau khi xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại xóm 8, Quỳnh Mỹ, Quỳnh Lưu (Nghệ An) vào ngày 14/3, đến 9 giờ sáng ngày 16/3, tại xóm 7, xã Quỳnh Mỹ tiếp tục xuất hiện ổ dịch mới. Trước diễn biến phức tạp, có chiều hướng lây lan ra các địa phương, chiều 16/3, UBND Nghệ An ra công điện yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã tăng cường triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch.

Đắk Lắk bệnh lở mồm long móng xuất hiện trên đàn lợn tại nhiều địa phương

Hải Dương tập trung giảm thiểu thiệt hại cho hộ chăn nuôi mắc dịch tả lợn châu Phi

Chốt kiểm dịch động vật tại xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu

Theo công điện, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã của tỉnh Nghệ An nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi và Quyết định số 5817/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An, về việc Ban hành Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Tất cả các địa phương cấp huyện và xã thành lập ngay Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, đồng thời xây dựng kịch bản ứng phó với dịch tả lợn châu Phi; tổ chức Hội nghị mở rộng để thông báo tình hình dịch bệnh và triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch tả lợn châu Phi...

Các địa phương khẩn trương xuất kinh phí dự phòng để chủ động trong công tác phòng, chống dịch: Kinh phí hoạt động đoàn liên ngành, điểm chốt chặn kiểm soát dịch bệnh, mua vật tư, bảo hộ lao động, bình phun động cơ, hóa chất, vôi bột…, kinh phí hỗ trợ cho lực lượng phòng, chống dịch. Cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, người chăn nuôi, cơ sở giết mổ, kinh doanh lợn và sản phẩm lợn tự mua vôi bột, hóa chất để khử trùng, tiêu diệt triệt để nguồn bệnh, với phương châm phòng từ hộ chăn nuôi, trang trại chăn nuôi là chính; áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm trong giết mổ, kinh doanh; rà soát rà soát các cơ sở giết mổ động vật, đặc biệt là các điểm giết mổ nhỏ lẻ; kiên quyết không cho hoạt động giết mổ nếu không đạt yêu cầu vệ sinh thú y. Tăng cường nhân lực cho việc kiểm soát giết mổ để đảm bảo động vật được đưa vào giết mổ đều khỏe mạnh. Cấm bán thịt lợn rong, bán thịt lợn tại các vỉa hè. Tăng cường giám sát lâm sàng khu vực xung quanh ổ dịch và tại nơi có nguy cơ nhằm phát hiện dịch sớm, xử lý nhanh ổ dịch.

Bên cạnh đó, UBND các huyện, thành phố, thị xã cần tuyên truyền liên tục trên các kênh thông tin của huyện, xã về sự nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi và các biện pháp phòng, chống dịch để người dân tự giác thực hiện tốt 5 không “Không dấu dịch; Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; Không vứt xác lợn ra môi trường; Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt”.

Đồng thời tuyên truyền các giải pháp tỉnh, huyện, xã đã triển khai phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi để người dân không quay lưng lại với sản phẩm của lợn.

Thực hiện công điện của UBND tỉnh Nghệ An, các địa phương nhanh chóng tổ chức hội nghị, triển khai nội dung công điện. Theo đó, địa phương tiến hành các biện pháp phòng chống; các ban, ngành, lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền đến mọi người dân về tình hình dịch bệnh để nâng cao tinh thần cảnh giác, tránh tình trạng chủ quan.

Theo ghi nhận, tại điểm dịch xã Quỳnh Mỹ (Quỳnh Lưu), địa phương nằm giáp ranh với nhiều xã lân cận; đặc biệt có tuyến Quốc lộ 48B đi qua nên biện pháp phòng dịch lây lan rất cấp bách. Ngay sau khi xảy ra dịch bệnh, địa phương tiến hành tiêu hủy hết đàn lợn bị nhiễm bệnh, đồng thời triển khai hai chốt kiểm dịch tại xóm 8, xã Quỳnh Mỹ và đến chiều ngày 16/3 tại địa bàn huyện Quỳnh Lưu đã thành lập 8 chốt kiểm dịch. Tại các chốt kiểm dịch, các lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát 24/24h và tiến hành rải rơm và rắc vôi bột lên mặt đường nhằm khử trùng tiêu độc khử trùng các phương tiện ra vào địa bàn. Ngoài ra, tích cực tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh và khuyến cáo nhân dân các vùng lân cận hạn chế ra vào vùng dịch.

Ông Lê Xuân Thanh - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Mỹ cho biết, địa phương là nơi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi đầu tiên của tỉnh nên công tác kiểm soát, phòng ngừa được xã triển khai quyết liệt tới từng thôn, xóm và tận hộ chăn nuôi. Sau khi UBND huyện Quỳnh Lưu công bố dịch tả lợn tại địa bàn, xã triển khai các giải pháp khác như phun hóa chất khử trùng trên các trục đường, công cộng; tuyên truyền chỉ đạo người dân phun hóa chất, rắc vôi bột trong khu vực chuồng trại, không cho người ngoài vào khu vực chuồng trại chăn nuôi.

Không chỉ ở huyện Quỳnh Lưu và các huyện đồng bằng như Diễn Châu, Nghi Lộc… mà các địa phương huyện miền núi Nghệ An,cấp ủy, chính quyền các cấp cũng đã quyết liệt chủ động đối phó dịch tả lợn châu Phi. Với đặc thù 50% lợn thịt nhập từ xuôi lên nên ngay sau khi có dịch tả lợn châu Phi tại huyện Quỳnh Lưu, các địa phương Tương Dương, Kỳ Sơn đã tăng cường các giải pháp phòng chống dịch. Theo đó, địa phương đã ngừng nhập lợn thịt các địa phương dưới xuôi lên và tiến hành lập chốt kiểm dịch, tổ chứcphung hóa chất khử trùng các phương tiện đi vào địa bàn. Tăng cường kiểm tra các điểm giết mổ gia súc, nếu phát hiện lợn không rõ nguồn gốc kiến quyết không đưa ra thị trường.

Ông Mai Văn Hoàng - Trạm trưởng Thú y huyện Tương Dương cho biết: Theo số liệu vừa thống kê, toàn huyện hiện còn 23.747 con lợn, với 4 điểm giết mổ lợn nhỏ lẻ trên địa bàn thị trấn Hòa Bình và mỗi xã có từ 1 - 2 điểm giết mổ tại gia. Đặc thù của Tương Dương có tới 50% lợn thịt nhập từ xuôi lên để mổ thịt hàng ngày và lợn giống cũng chủ yếu nhập từ xuôi lên (chủ yếu là Yên Thành, Đô Lương) nên nguy cơ lây nhiễm dịch tả lợn châu Phi cao. Vì vậy, phải làm tốt công tác kiểm soát sự vận chuyển lợn vào địa bàn. 

Còn đối với huyện Kỳ Sơn có tuyến đường biên giới dài, trong đó có cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn và 2 lối mở với nước bạn Lào tại 2 xã Nậm Càn và Na Ngoi, ngoài ra còn có 2 tuyến giao thông đường thủy từ Lào sang. Vì vậy, công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi có phần khó khăn, phức tạp hơn.

Ông Nguyễn Xuân Trường - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kỳ Sơn cho biết: Đối với kiểm soát vận chuyển lợn vào địa bàn, huyện phối hợp với các cơ quan chức năng, đặc biệt là bộ đội biên phòng để kiểm soát lợn qua cửa khẩu. Đối với giết mổ lợn, để thuận lợi trong công tác kiểm soát dịch, huyện tập trung vận động hộ dân các xã lân cận đưa lợn về giết mổ tại lò ở thị trấn.

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn Nghệ An, phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã tham mưu với UBND huyện có giải pháp lập chốt kiểm dịch trên tuyến Quốc lộ 7, tại xã Chiêu Lưu khi cần thiết, đồng thời đề nghị huyện hỗ trợ kinh phí mua hóa chất khử trùng để phòng dịch.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và các cấp, các ngành cùng với đề ra các biện pháp phòng chống, tỉnh Nghệ An quyết tâm không để dịch bệnh lây lan, không để bùng phát thêm ổ dịch mới./.

Bài, ảnh: Phùng Ngọc Thăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực