Nhà nước cần đóng vai trò là “bà đỡ” để phát triển công nghiệp hỗ trợ

Thứ tư, 19/12/2018 19:29
(ĐCSVN) - Hiện nay, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm…
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị

Làm sao để đưa ra được những cái nhìn khách quan và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành được coi là “xương sống” cho sự phát triển công nghiệp cũng như nền kinh tế đất nước là vấn đề được đưa ra thảo luận tại Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT Việt Nam sáng nay (19/12), tại Hà Nội. Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định, cần coi CNHT là ngành trọng yếu, cần thay đổi tư duy chính sách từ ưu đãi cho doanh nghiệp sang hỗ trợ, nâng cao năng lực doanh nghiệp. Theo Phó Thủ tướng, CNHT đóng vai trò rất quan trọng, tạo ra giá trị gia tăng cao, tạo nền tảng để thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần giúp nền kinh tế tăng trưởng bền vững, dài hạn, tránh bẫy thu nhập trung bình.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nêu ra một số hạn chế: Ngành CNHT của Việt Nam vẫn chưa phát triển như kỳ vọng. Cơ chế chính sách tuy đã được ưu tiên hoàn thiện, nhưng nhìn chung vẫn chậm so với thực tiễn, chưa tạo thuận lợi tối đa cho phát triển CNHT. Quy mô và năng lực của các doanh nghiệp CNHT tuy đã được cải thiện nhưng còn nhiều hạn chế. Các sản phẩm CNHT trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm.

Nêu ra một số định hướng chính sách để Hội nghị cùng thảo luận, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị cần coi công nghiệp hỗ trợ là ngành trọng yếu, là nền tảng cho ngành công nghiệp Việt Nam phát triển; cần thay đổi tư duy chính sách từ ưu đãi cho doanh nghiệp sang hỗ trợ, nâng cao năng lực doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong nước. “Cùng với đó, cần xác định được các lĩnh vực công nghiệp có tiềm năng, lợi thế, chỉ rõ các doanh nghiệp dẫn đầu trong từng lĩnh vực. Từ đó có chính sách, giải pháp tập trung hỗ trợ phát triển một số doanh nghiệp Việt Nam trở thành hạt nhân, tạo hiệu ứng lan tỏa và dẫn dắt các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm thành công của các nước, đặc biệt là những nước đi trước, những nước có điều kiện tương tự, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp cụ thể mà Nhà nước, các doanh nghiệp, hiệp hội cần triển khai thực hiện để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam thời gian tới.

Cũng theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện nay việc nhập siêu linh kiện, phụ tùng cho các ngành công nghiệp còn rất lớn, khả năng tự cung ứng các sản phẩm CNHT từ các doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ lệ rất thấp, cụ thể như ngành dệt may, da giày mới chỉ đạt 40 – 45%; ngành sản xuất, lắp ráp ô tô mới đạt 7 – 10%; điện tử, viễn thông đạt 15%, điện tử chuyên dụng và các ngành công nghiệp công nghệ chỉ đạt 5%.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, hạn chế nhất hiện nay của CNHT là chính sách và khuôn khổ pháp luật được ban hành chậm, chưa đáp ứng thực tiễn và chưa đồng bộ như các chính sách về thuế, tín dụng, đất đai và môi trường nên chưa tạo ra cơ chế mạnh mẽ thúc đẩy ngành CNHT phát triển. Bên cạnh đó, quy mô cũng như năng lực của doanh nghiệp CNHT ở Việt Nam còn hạn chế, số lượng còn ít. Cả nước mới chỉ có khoảng 2.000 doanh nghiệp nội địa và chỉ có 300 doanh nghiệp tham gia vào tập đoàn đa quốc gia nhưng hiện vẫn đang khó tìm nguồn cung ứng cho chuỗi sản xuất.

“Phần lớn doanh nghiệp CNHT có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, trong khi đông đảo doanh nghiệp nước ngoài đang tham gia sâu vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu nên doanh nghiệp CNHT Việt Nam rất khó cạnh tranh. Năng lực sản xuất của doanh nghiệp CNHT trong nước còn yếu, sản phẩm chủ yếu là linh kiện, phụ tùng đơn giản có hàm lượng công nghệ còn thấp và chưa tuân thủ tiêu chuẩn theo chuỗi sản xuất của tập đoàn đa quốc gia”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Hội nghị thu hút sự tham gia của trên 300 đại biểu biểu

Nguyên nhân theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đó chính là dư địa để can thiệp bằng chính sách vào phát triển CNHT vẫn còn hạn chế do phải tuân thủ các cam kết quốc tế. Cùng với đó, dung lượng thị trường trong nước còn nhỏ, trong khi doanh nghiệp phải chịu sự cạnh tranh gay gắt với các quốc gia. CNHT hiện chưa có các tập đoàn lớn tầm cỡ khu vực và toàn cầu, gần như không có sản phẩm công nghiệp chủ lực để tạo tính lan toả, dẫn dắt nền công nghiệp. Nguyên nhân chủ quan là do trình độ doanh nghiệp nội địa chưa đáp ứng được yêu cầu chuỗi sản xuất, chất lượng các chính sách còn hạn chế, môi trường kinh tế mặc dù đã cải thiện nhưng vẫn chưa hấp dẫn thu hút đầu tư vào sản xuất công nghiệp. Việc khởi tạo các doanh nghiệp công nghiệp chế tạo còn nhiều khó khăn và rủi ro.

Đó là chưa kể nguồn lực đầu tư của nhà nước còn quá ít ỏi, chưa tương xứng với quy mô; chính sách thu hút vốn FDI chưa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp CNHT nên chưa tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết với tập đoàn đa quốc gia.

Để phát triển CNHT thời gian tới, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cần quá trình kiên trì lâu dài. Nhà nước đóng vai trò là bà đỡ, đặc biệt hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ trong việc đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi, chi phí gia nhập thị trường thấp, khuyến khích nguồn vốn tư nhân xã hội.

Các giải pháp tập trung là tiếp tục xây dựng hoàn thiện chính sách, thúc đẩy một số ngành công nghiệp ưu tiên phát triển, có chính sách ràng buộc và khuyến khích các địa phương trong bố trí ngân sách phát triển CNHT; thúc đẩy phát triển thị trường cho các ngành hạ nguồn, chú trọng ngành ô tô, điện tử, dệt may, da giày, ngành công nghiệp vật liệu, thu hút đầu tư. Nâng cao năng lực doanh nghiệp trên cơ sở triển khai hiệu quả chương trình, bố trí vốn đầu tư xây dựng và phát triển 3 trung tâm hỗ trợ; hỗ trợ tín dụng, vốn vay, tháo gỡ vướng mắc thuế, hỗ trợ xử lý môi trường...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh: chinphu.vn)

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hiện tại. Đó là, Việt Nam chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn, đóng vai trò dẫn dắt, nhiều ngành công nghiệp ưu tiên phát triển không đạt mục tiêu đề ra. Từ đó dẫn đến công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp còn thấp. Các ngành công nghiệp chưa phát triển do thiếu chính sách đủ mạnh trong việc tăng cường năng lực doanh nghiệp tư nhân, chưa tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định bình đẳng. Việc lựa chọn các ngành công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên còn dàn trải. Chính sách phát triển công nghiệp thiếu đồng bộ, tính khả thi thấp. Công nghiệp của tư nhân phát triển mạnh mẽ.

Thủ tướng nêu rõ, trên tổng quan doanh nghiệp Việt Nam còn quá ít doanh nghiệp hỗ trợ, năng lực còn thấp. Năm 2016, số lượng doanh nghiệp hỗ trợ chỉ chiếm 4,5% của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, đó là chưa nói đến năng lực kỹ thuật, hàm lượng công nghệ cao. Chúng ta đã có một số cố gắng, nhưng chưa đủ lực tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, nhất là khi trình độ công nghệ Việt Nam còn khoảng cách với các nước trong khu vực. Tư duy “sản xuất kín” vẫn còn phổ cấp trong các ông chủ đầu tư.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ kỹ năng chuyên môn chúng ta vẫn còn hạn chế. Các trường đào tạo chưa gắn với thực tiễn sản xuất, chưa đáp ứng yêu cầu. Sự gắn kết doanh nghiệp trong nước và FDI còn hạn chế. Nhất là một số FDI chưa chú trọng phát triển nhà cung cấp nội địa, còn khép kín trong sản xuất. Nhiều địa phương, bộ ngành chưa dành đất đai cho phát triển công nghiệp hỗ trợ, công tác xúc tiến và chính sách còn yếu.

Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo trong thời gian tới, chúng ta cần đón bắt sự chuyển hướng của các nhà đầu tư, sản xuất, để biến nước ta thành một công xưởng sản xuất của châu Á, thế giới, khu vực ASEAN. Việt Nam có khát vọng phát triển nền tảng công nghiệp phụ trợ không chỉ là ôtô, xe máy, mà có thể là Boeing sẽ sản xuất cánh máy bay ở nước ta. Thủ tướng bày tỏ mong muốn Việt Nam là cứ điểm sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Do đó, các bộ liên quan, địa phương phải suy nghĩ trong định hướng phát triển công nghiệp thông minh. Mục tiêu đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp./.

 

Tin, ảnh: Kim Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực