Nhân rộng mô hình tăng cường an ninh lương thực hộ gia đình tại Hòa Bình và Lai Châu

Thứ sáu, 17/11/2017 20:55
(ĐCSVN) – Ngày 17/11, Dự án Nhân rộng mô hình tăng cường an ninh lương thực hộ gia đình góp phần cải thiện dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em tại Hòa Bình và Lai Châu đã được khởi động. Ước tính có khoảng 5.000 bà mẹ, trẻ em sẽ được hưởng lợi từ dự án này.
Ảnh minh họa: HKI

Đây là dự án được Chương trình phát triển Đại sứ quán Ireland (Irish Aid) tại Hà Nội tài trợ, do tổ chức Helen Keller International (HKI) Việt Nam thực hiện trong 4 năm (2017 – 2021).

Hội thảo khởi động dự án có sự tham gia của hơn 50 đại biểu là đối tác các cấp từ tỉnh đến xã của hai tỉnh dự án. Hai đối tác chiến lược của HKI Việt Nam là Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Ủy ban Dân tộc; đại diện của nhà tài trợ đại sứ quán Ireland và đại diện của HKI khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng có mặt tại hội thảo.

Tiếp theo sự thành công của dự án “Cải thiện an ninh lương thực và dinh dưỡng thông qua tăng cường sản xuất lương thực tại hộ gia đình tại tỉnh Sơn La, Việt Nam (EHFP), Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam đã thông qua một gói hỗ trợ cho HKI mở rộng mô hình này tại hai tỉnh Lai Châu và Hòa Bình.

Dự án sẽ được thực hiện tại 6 xã miền núi của huyện Lạc Sơn, Hòa Bình và huyện Tam Đường, Lai Châu. Can thiệp của dự án tập trung vào 1.000 ngày đầu đời của trẻ và 1.200 hộ gia đình dân tộc thiểu số nghèo có bà mẹ mang thai và trẻ em dưới 24 tháng tuổi sẽ hưởng lợi từ mô hình này. Các hoạt động chính của dự án bao gồm đào tạo về dinh dưỡng, nông nghiệp, vệ sinh cá nhân, hỗ trợ cây con giống cho bà con cũng như các hoạt động truyền thông nhằm thúc đẩy thực hành đúng dinh dưỡng cho bà con. Dự án cũng sẽ phối hợp với một số chương trình quốc gia nhằm cải thiện mội trường và vệ sinh công cộng.

Trong khi Việt Nam đã có được những thành công nhất định trong công tác phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi, suy dinh dưỡng trẻ em vẫn là một vấn đề cần được quan tâm của sức khỏe cộng đồng. Theo điều tra dinh dưỡng năm 2014, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi vẫn còn cao ở cả ba thể: thể thấp còi, nhẹ cân và cấp tính lần lượt là 24,9%, 14,5% và 6,8%. Tỷ lệ này đặc biệt cao tại các nhóm đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi phía bắc và Tây Nguyên.

Lai Châu là một trong hai tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao nhất trong cả nước với 36%, tỷ lệ nhẹ cân trong khoảng 23% và tỷ lệ suy dinh dưỡng cấp tính khoảng 10%. Vùng miền núi phía bắc cũng ghi nhận tỷ lệ phụ nữ thiếu máu do thiếu sắt ở mức cao (43% so với tỷ lệ chung của quốc gia là 29,2%) và đây cũng là một trong hai khu vực có tỷ lệ thiếu vitamin A cao nhất cả nước (19,2% so với tỷ lệ chung của quốc gia là 14,2%). Nguyên nhân chính của tình trạng này là bất ổn về an ninh lương thực và thực hành dinh dưỡng và vệ sinh còn chưa tốt.

Mô hình cải thiện an ninh lương thực và tình trạng dinh dưỡng thông qua tăng cường sản xuất lương thực tại hộ gia đình (EHFP) được được tổ chức Helen Keller International (HKI) triển khai đầu tiên tại Bangladesh năm 1988 và sau đó được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng thành công. Tại Việt Nam, mô hình này được thử nghiệm đầu tiên tại xã Tân Lang và hiện đang nhân rộng tại xã Mường Lang, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La từ năm 2013 – 2017 đã góp phần vào giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, phát triển vườn nhà, tăng nguồn thu nhập cho gia đình và quan trọng là góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương./.

Kiều Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực