Nhân tố tác động đến di chuyển lao động chuyên môn cao quốc tế

Thứ năm, 13/05/2010 19:58

 

 Ảnh minh họa

(ĐCSVN) - Di chuyển lao động quốc tế được thúc đẩy bởi các nhân tố cầu đẩy (push) và cầu kéo (pull). Nhân tố cầu đẩy là các nhân tố từ phía cung (supply), khuyến khích mong muốn được di chuyển và các nhân tố cầu kéo xuất phát từ phía cầu (demand), do thiếu nguồn nhân lực lao động.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế, di chuyển lao động quốc tế chuyên môn cao chính là sự "trao đổi chất xám" (Brain Exchange), hay "tuần hoàn chất xám" (Brain Circulation) và vòng chu chuyển càng tăng càng đóng góp nhiều vào nguồn tri thức thế giới. Từ phía cung, thu nhập cao hơn ở các nước chủ nhà là nhân tố chính quyết định sự di chuyển lao động, trong khi từ phía cầu do thiếu lao động có chuyên môn cao của các nước chủ nhà trong một số lĩnh vực.

Những nhân tố thúc đẩy sự tăng nhanh di chuyển lao động chuyên môn cao gồm: 1) những thay đổi công nghệ, đặc biệt phát minh mới trong công nghệ thông tin viễn thông ICT; 2) toàn cầu hóa thị trường sản xuất và liên kết thông qua thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI; 3) khu vực hóa các doanh nghiệp đa quốc gia MNEs; 4) tiếp cận các lĩnh vực phát minh mới, cơ hội kinh doanh công nghệ cao; 5) chuyển giao công nghệ và quốc tế hóa các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) của các công ty quốc gia. Các nhân tố này có vai trò rất quan trọng trong làn sóng di chuyển lao động chuyên môn cao ở các nước phát triển và đang phát triển.

Bên cạnh đó, các nhân tố như: sự khác nhau trong thị trường lao động, trong chi trả cho lao động có chuyên môn, cơ hội tìm việc làm và triển vọng nghề nghiệp ... vẫn tiếp tục được coi là những nhân tố quyết định sự di chuyển của lao động chuyên môn quốc tế trong nền kinh tế toàn cầu. Di chuyển lao động chuyên môn cao quốc tế đã mang lại cả những tác động tích cực và tác động tiêu cực cho nước nhận lao động và nước gửi lao động.

Những tác động tiêu cực

Thứ nhất, các nước có lao động chuyên môn cao bị mất một nguồn nhân lực, thậm chí tạo ra sự hẫng hụt nguồn lao động có trình độ cao và do đó họ cũng bị tước đoạt mất một trong những nguồn năng lực cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Thứ hai, các nước có nguồn lao động chuyên môn cao di chuyển ra nước ngoài sẽ bị lãng phí một phần đáng kể quỹ công cộng đầu tư trong quá trình hình thành và đào tạo vốn nhân lực lao động chuyên môn cao.

Thứ ba, lao động di chuyển tạo ra tâm lý không yên tâm trong công việc, thiếu sự gắn bó với nhiệm sở. Tuy nhiên di chuyển lao động chuyên môn cao, ở một phương diện khác cũng đem lại những tác động tích cực.

Những tác động tích cực

Thứ nhất, nước sở hữu nguồn nhân lực lao động chuyên môn cao (origin countries) sẽ nhận được một khoản tiền đền bù và nguồn ngoại hối gửi về đáng kể;

Thứ hai, sự di chuyển tự do nguồn lực lao động có chuyên môn cao sẽ thúc đẩy các cá nhân đầu tư nhiều hơn nữa cho hoạt động đào tạo, giáo dục bởi số lượng lớn các cơ hội làm việc ngày càng tăng cùng với việc mở cửa thị trường của các nước. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các quốc gia đều phải mở cửa thị trường, kể cả thị trường lao động thì việc chu chuyển của lao động quốc tế dễ dàng hơn;

Thứ ba, lợi ích của di chuyển lao động có chuyên môn cao là tạo điều kiện cho các cá nhân tiếp nhận được những kiến thức và kỹ năng lao động cao hơn, có cơ hội để cải thiện điều kiện sống và tiềm năng để thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế. Trong một khía cạnh nhất định góp phần giải quyết tình trạng thất nghiệp ở các nước đang phát triển.

Nhân tố tác động đến di chuyển lao động chuyên môn cao theo nhóm ngành nghề

Nhà quản lý, quản trị doanh nghiệp: Sự hợp nhất và kiếm soát quá trình đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)

Kỹ sư, kỹ thuật viên cao cấp: Cơ hội kinh tế ở nước nhận lao động; Chính sách di chuyển lao động; các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D)

Các nhân tố riêng khác

Giáo sư, nhà khoa học: Cơ chế hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D); Di chuyển quốc tế giữa các Viện Hàn lâm khoa học

Các doanh nhân: Các điều kiện và cơ hội thuận lợi phát triển kinh tế; Di cư và những chính sách thuế khóa; Thị trường vốn và lợi ích của đầu cơ vốn

Thạc sĩ, tiến sĩ: Cơ hội nghiên cứu và phát triển sau tiến sĩ; Sự ủng hộ, trợ cấp về tài chính; Chính sách di chuyển lao động

Tóm lại, sự di chuyển lao động chuyên môn cao từ một nước sang một nước khác cũng được xem như "dòng chảy chất xám" (brain drain). Do vậy, lợi ích của di chuyển lao động chuyên môn cao theo nghĩa rộng được coi là trò chơi có tổng bằng 0 "zero-sum game" cho tất cả các bên tham gia.

Tuy nhiên, để hạn chế những tổn thất do “lao động có chuyên môn cao” di chuyển ra nước ngoài, một số nước có lao động chuyên môn cao di chuyển ra nước ngoài, đã đưa ra sáng kiến sử dụng “chất xám” của họ ở nước ngoài bằng cách lập ra mạng lưới tập hợp các nhà nghiên cứu đang làm việc ở nước ngoài để thực hiện các công việc như tư vấn chuyên môn, giám định kỹ thuật, tham gia hội thảo…

Đây là sự chuyển hoá từ "rò rỉ chất xám" thành "lấy lại chất xám". Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore đã đạt được những kết quả thuyết phục với sáng kiến này. Thái Lan cũng đang “bắt chước” để tạo ra những mạng lưới thu hồi chất xám của "lao động chuyên môn cao" của họ ở nước ngoài. Các nước khác cũng sử dụng tính ưu việt của công nghệ thông tin, đặc biệt internet trong việc tận dụng nguồn lực chất xám ở bên ngoài của họ. Thông qua công nghệ thông tin, họ có thể dễ dàng tổ chức một buổi tọa đàm, hội thảo khoa học với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học ở bất cứ đâu trên thế giới, miễn là nơi đó có internet. Nhờ vậy, người ta có thể thực hiện chuyển giao kiến thức, công nghệ mà con người không cần di chuyển tới.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực