Nhiều công ty tham gia chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn

Thứ hai, 07/09/2020 09:48
(ĐCSVN) – Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay Bộ này đã xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn với 1.612 chuỗi, 2.346 sản phẩm và 2.989 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi. Trong các chuỗi này, có sự tham gia của khoảng 100 hợp tác xã, 250 công ty, trong đó có một số tập đoàn lớn.
leftcenterrightdel
Sản xuất rau an toàn tại TP Đà Lạt- Lâm Đồng. (Ảnh: K.V) 

Được biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện đang tiếp tục triển khai các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch hành động về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, thanh tra để kịp thời phát hiện, xử lý và công bố công khai các hành vi sử dụng chất không đúng quy định; trong đó tập trung xử lý các hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến nông sản.

Xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn là hướng đi phù hợp, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, chính vì vậy, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã phối hợp với các địa phương, bộ, ngành chức năng thực hiện nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình sản xuất và tiêu thụ nông lâm thủy sản an toàn.

Trong đó, giải pháp xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn được xem là hướng đi phù hợp đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là việc liên kết kiểm soát tất cả các khâu từ sản xuất ban đầu đến tiêu thụ sản phẩm như trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt đến thu gom, sơ chế, giết mổ, chế biến, đóng gói, vận chuyển và phân phối tiêu thụ sản phẩm. Tất cả các công đoạn trong toàn bộ chuỗi đều được kiểm soát mối nguy an toàn thực phẩm, bảo đảm truy xuất nguồn gốc,…

Theo quy định, để được xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, đối với cơ sở sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, khai thác/nuôi trồng thủy sản), cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển được chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm hoặc chứng nhận GAP hoặc tương đương. Riêng đối với cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ, cơ sở kinh doanh, bán sản phẩm cho người tiêu dùng phải ký cam kết tuân thủ quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, các sản phẩm tại cơ sở kinh doanh, bán cho người tiêu dùng phải được được cơ quan chức năng định kỳ lấy mẫu giám sát theo quy định và kết quả kiểm nghiệm đáp ứng các quy chuẩn, quy định hiện hành về an toàn thực phẩm. Các mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xây dựng và phát triển ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế, tăng sản lượng, giá trị và xây dựng thương hiệu đối với cơ sơ sản xuất, kinh doanh, nó còn giúp cơ quan quản lý kiểm soát thực phẩm trong quá trình sản xuất kinh doanh, truy xuất nguồn gốc và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.

Thông qua logo nhận diện “Sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn”, người tiêu dùng phân biệt được sản phẩm đã kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi với sản phẩm khác. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn, mang lại hiệu quả thì cần có sự quyết tâm, chủ động hơn nữa của các đơn vị sản xuất, kinh doanh; sự hưởng ứng của người tiêu dùng thực phẩm; sự quan tâm, phối hợp của đơn vị liên quan trong xây dựng chuỗi và quản bá sản phẩm. Đây là điều kiện quan trọng để tiếp tục nhân rộng và phát huy hiệu quả những mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng cũng như mang lại hiệu quả kinh tế đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh…/…

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực