Nhiều giải pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội Thủ đô phát triển

Thứ hai, 06/07/2020 19:18
(ĐCSVN) – Nhiều đại biểu cho rằng, để hoàn thành “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch, vừa duy trì và phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến cuối năm 2020 rất cần sự chỉ đạo điều hành quyết liệt cùng với các giải pháp như các chính sách phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp, lựa chọn nhà đầu tư, đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính…

Hà Nội chú trọng khởi tố, xét xử các vụ án trọng điểm, phức tạp

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của HĐND trong việc quyết định các vấn đề quan trọng

Khai mạc kỳ họp thứ mười lăm, HĐND TP Hà Nội khóa XV: Quyết định nhiều nội dung quan trọng

Hà Nội quyết tâm đạt mức tăng trưởng kinh tế cao gấp 1,3 lần cả nước

Đại biểu Trần Thị Vân Hoa, GS.TS, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu tại kỳ họp. (Ảnh: TH) 

Cần giải pháp đồng bộ trong trạng thái “bình thường mới”

Đại biểu Trần Thị Vân Hoa, GS.TS, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh, trước tình hình kinh tế thế giới đang có những diễn biến phức tạp về đại dịch COVID-19, trong nước tiếp tục bị ảnh hưởng của dịch tới tốc độ tăng trưởng kinh tế nhất là trong quý 3/2020, nên để phát huy mọi nguồn lực và quyết tâm thực hiện tốt mục tiêu kép, kiên quyết không để dịch bệnh quay lại xóa đi thành quả Hà Nội đã đạt được.

Muốn thế, đại biểu Vân Hoa đề nghị cần cân nhắc điều chỉnh 2 chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP và tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu. Với các kịch bản tăng trưởng đã được phân tích, khả quan nhất, nếu dịch bệnh trên thế giới được khống chế vào giữa quý 3, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2020 của Hà Nội chỉ đạt 5,9% (cả nước tăng trưởng 5,2%), hiện nay bối cảnh kinh tế - xã hội còn nhiều diễn biến phức tạp nên 6 tháng đầu năm Hà Nội chỉ đạt 3,39%. Để đạt kế hoạch 7,5%, cần có tốc độ tăng trưởng trên 8,5% trong quý 3 và 4. Đây là điều vô cùng khó khăn nên cần điều chỉnh chỉ tiêu này để không tạo ra sức ép cho phát triển.

Về giải pháp tăng trưởng, đại biểu Vân Hoa đề nghị cần quan tâm 2 giải pháp để phát huy yếu tố thành công trong đại dịch vừa qua. Đó là duy trì phát huy các lợi thế của ứng dụng công nghệ thông tin và tăng cường tuyên truyền cung cấp thông tin một cách công khai, minh bạch đến từng người dân, doanh nghiệp để tạo nên quyết tâm của toàn hệ thống chính trị.

Đối với các trường học, bệnh viện, cơ sở y tế, đại biểu Vân Hoa đề nghị cần tiếp tục phát huy thành quả ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chuẩn hóa bài giảng trực tuyến, đầu tư chuẩn hóa hạ tầng kỹ thuật trong dạy và học… Các cơ sở y tế cũng cần đầu tư xây dựng hệ thống khám chữa bệnh từ xa, cập nhật hoàn thiện hệ thống dữ liệu sức khỏe của người dân, chuẩn bị sẵn các phương án để chăm sóc sức khỏe người dân và nhất cung cấp thông tin kịp thời, minh bạch trên hệ thống nền tảng số.

Cũng lưu ý việc thực hiện mục tiêu kép để đạt mục tiêu tăng trưởng gấp 1,3 lần cả nước là rất lớn, đại biểu Dương Đức Tuấn (tổ Hoàn Kiếm) cho rằng, trong điều kiện tình hình dịch bệnh trên thế giới phức tạp như hiện nay rất cần sự chỉ đạo điều hành tập trung, khắc phục các khó khăn, trong đó nhiệm vụ số 1 vẫn là phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Nhiệm vụ số 2 là trong trạng thái “Phát triển bình thường mới” cần phải phục hồi, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội với quyết tâm cao nhất và rất cần phải thiết lập Ban Chỉ đạo Thành phố hợp nhất phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Đề cập đến việc triển khai quy hoạch Thành phố mới, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với quy hoạch tổng thể Quốc gia, quy hoạch vùng mới theo Luật Quy hoạch, đại biểu Tuấn lưu ý cần thiết phải tiếp tục triển khai cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô để phủ kín quy hoạch cấp dưới theo thứ tự, tầng bậc; xác định các đồ án quy hoạch trọng tâm, cấp thiết thực hiện trong năm 2020, phục vụ yêu cầu quản lý của chính quyền các cấp và đầu tư phát triển...

Đồng thời, rà soát, lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô theo chỉ đạo của Thủ tướng và lưu ý việc đề xuất mở rộng ranh giới phát triển khu vực đô thị phù hợp, đảm bảo hiệu quả về đô thị hóa, hiệu quả về kinh tế đô thị và tái cấu trúc mô hình không gian đô thị trung tâm, phát triển cân bằng Nam sông Hồng, đặc biệt là trục trung tâm sông Hồng của đô thị trung tâm, hoàn chỉnh mô hình chùm đô thị gồm đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh, đô thị đối trọng trong quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô.

“Việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô triển khai theo Luật Quy hoạch đô thị, Luật xây dựng sẽ tích hợp vào quy hoạch Thành phố triển khai theo Luật Quy hoạch mới là hết sức quan trọng, phù hợp với pháp luật và định hình phát triển tổng thể không gian Thủ đô”, đại biểu Dương Đức Tuấn phát biểu.

 Đại biểu Phạm Đình Đoàn phát biểu tại kỳ họp. (Ảnh: TH)

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Hoàng (Tổ Phú Xuyên) đề xuất Thành phố nghiên cứu quy hoạch lại tổng thể các ngành phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô phù hợp với hậu COVID-19. Trong đó tập trung phát triển 5 đô thị vệ tinh, cơ sở hạ tầng, trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí, hạ tầng giao thông tại... Vì đây là dư địa động lực cho Thành phố phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thúc đẩy doanh nghiệp

Ở góc độ khác, đại biểu Phạm Đình Đoàn (tổ Hoàng Mai) cho rằng, vừa qua, Quốc hội, Chính phủ cũng như Hà Nội đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ các doanh nghiệp tiếp cận thụ hưởng các chính sách hỗ trợ này còn thấp. Vì vậy, cần tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thúc đẩy để các doanh nghiệp phát triển, nhất là ở cấp sở, ngành, quận, huyện... “Các doanh nghiệp cần nhất là được hỗ trợ về cơ chế. Điều này đặt ra trách nhiệm, công tâm, sáng tạo của các cơ quan và từng công chức là chìa khóa để tạo nên động lực tích cực” – đại biểu Đoàn nói và đề nghị Thành phố nên xem xét các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như tiền thuê đất, xây dựng ký túc xá, đào tạo nguồn nhân lực…

Mặt khác, đại biểu Đoàn cũng đề nghị, Thành phố cần đánh giá lại quỹ đất để lựa chọn nhà đầu tư phù hợp, theo hướng mang lại giá trị cao, phù hợp với môi trường đô thị. Đẩy nhanh việc thành lập các cụm công nghiệp theo quy hoạch, đẩy nhanh xây dựng hạ tầng để sớm có mặt bằng thu hút các doanh nghiệp. “Đón làn sóng đầu tư trong và ngoài nước với chiến lược là đón cả đại bàng lẫn chim sâu” – đại biểu Đoàn đề xuất. Đồng thời mong muốn, Thành phố xây dựng chiến lược phát triển tổng thể, các cơ chế đặc thù phải được cụ thể hóa bằng các kế hoạch, tổ chức lại không gian kinh tế hợp lý, kết nối hiệu quả liên kết hợp tác vùng, tận dụng cơ hội chủ động tìm kiếm các mô hình phát triển mới…

Đề cập đến vấn đề thu hút du lịch nội địa, đại biểu Đỗ Thùy Dương (tổ Cầu Giấy) cho rằng cần đầu tư xây dựng những mô hình du lịch sáng tạo hay du lịch trải nghiệm, biến mảng văn hóa - xã hội thành động lực dẫn dắt nền kinh tế phát triển. Đồng thời, cần thay đổi cách nghĩ về thị trường nội địa, không chỉ cung cấp cho người dân trong nước mà cần cung cấp dịch vụ cho những người nước ngoài tại Việt Nam, thu hút trí tuệ thế giới về Việt Nam.

“Để làm được điều này, cần tăng cường nội lực, khắc phục sự chênh lệch trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến giữa các sở, ban, ngành, tránh hiện trạng "nơi cung cấp nhanh đến ngỡ ngàng, nơi thì chậm trễ cũng đến ngỡ ngàng". Muốn thế, cần khảo sát chất lượng dịch vụ tại từng quận huyện, để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công” – đại biểu Dương đề xuất.

Cũng liên quan đến vấn đền đẩy mạnh cải cách hành chính, đại biểu Nguyễn Xuân Lưu (tổ Thanh Xuân) đề nghị, Thành phố cần tăng cường rà soát và tập trung hỗ trợ về thủ tục hành chính, đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp mới thành lập. Đồng thời, Thành phố cần có cơ chế xử lý nợ tiền thuê đất kéo dài đối với những doanh nghiệp hợp tác sản xuất, liên danh và cơ chế giải phóng mặt bằng đối với công trình giao thông. “Cụ thể theo nguyên tắc thì doanh nghiệp viễn thông, điện lực chi trả kinh phí hạ ngầm dây cáp điện, viễn thông nhưng việc này rất chậm trễ do không có kế hoạch vốn. Vì vậy, ngân sách nên tạm ứng để thúc đẩy tiến độ, sau đó các doanh nghiệp phải chi trả” đại biểu Lưu đề xuất.

Đại biểu Nguyễn Xuân Lưu phát biểu tại kỳ họp . (Ảnh: TH)

Chung mối quan tâm đến vấn đề kích cầu du lịch, đại biểu Nguyễn Minh Chung (tổ Thanh Oai) cho rằng, thời gian tới, du lịch nội địa cần được coi trọng để có những thay đổi mạnh mẽ. Đại biểu gợi ý, trong mùa thu tới có dịp 2/9, 10/10, Đại hội Đảng bộ Thành phố, nên có thể thực hiện tour Hà Nội mùa thu; khai thác thế mạnh từ các sản vật, ẩm thực, làng nghề của Thành phố… để kêu gọi đầu tư.

Về chương trình kích cầu, cần có chương trình trọn gói 3 đêm, 5 đêm… gồm cả tour ăn, uống, ngủ, nghỉ…, nhất là mùa hè này cần khai thác những thế mạnh về văn hóa, món ăn đặc sản của Hà Nội. “Việc quảng bá không chỉ trong Thành phố mà liên kết quảng bá trên toàn quốc, có sự chỉ đạo để phối hợp có quảng bá trên báo, đài của các tỉnh, Thành phố khác; mời các giám đốc Sở Du lịch các tỉnh về Hà Nội, để có chương trình các tỉnh quảng bá cho Hà Nội và Hà Nội quảng bá cho các tỉnh” – đại biểu Chung đề xuất.

Trước mắt trong lúc này, Thành phố đã có Nghị quyết 06 về phát triển du lịch, nhưng đến nay chưa có những ưu đãi cụ thể từ các bộ ban ngành, nên Thành phố cần tập hợp kiến nghị từ các nhà đầu tư về các điểm du lịch, khu vui chơi giải trí… để có chính sách, kiến nghị cụ thể với Chính phủ, Quốc hội, như về vay vốn ưu đãi dành cho nhà đầu tư, các chi phí giảm trừ tác động trực tiếp đến kinh doanh khách sạn…/.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực