Ninh Thuận: Đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Thứ năm, 03/09/2020 09:59
(ĐCSVN) - Thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều cơ chế khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, ưu tiên các doanh nghiệp tư nhân đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp; đưa thành tựu khoa học - công nghệ mới, công nghệ cao gắn với đào tạo nghề cho nông dân trong sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm…

Cùng với đó, Ninh Thuận cũng đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho các sản phẩm đặc thù của tỉnh gắn với các cụm liên kết ngành hàng theo chuỗi giá trị. Ngay từ năm 2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận đã ban hành Nghị quyết về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, qua đây đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành nông nghiệp địa phương. Các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao được nhân rộng, đem lại hiệu quả cao, đồng thời thu hút doanh nghiệp doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này ngày càng nhiều.

Để tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận đã hỗ trợ các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, nông thôn nói chung; đồng thời, tích cực triển khai các chương trình tín dụng đặc thù như cho vay đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ, nông nghiệp sạch; vay mở rộng quy mô sản xuất gắn với tăng hiệu quả sản xuất, tăng năng suất, nâng cao thu nhập, nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích; tạo chuyển biến rõ rệt về mở rông quy mô sản xuất bình quân của hộ và ứng dụng khoa học - công nghệ đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Mô hình trồng bưởi da xanh cho thu nhập cao ở  Ninh Thuận. (Ảnh: Báo Ninh Thuận)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, hiện tỉnh đã thu hút được gần chục dự án đầu tư vào nông nghiệp với diện tích khoảng 200 ha. Đó là các dự án như: Trồng rau màu, cây ăn trái của Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ tăng trưởng xanh; Trang trại sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp sản xuất nông nghiệp hữu cơ của doanh nghiệp Tân Tiến tại huyện Ninh Phước; Công ty Cổ phần Nắng và Gió; Dự án Trang trại Sun and Wind của Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt tại huyện Ninh Sơn đầu tư theo một quy trình khép kín, mang lại hiệu quả kinh tế cao.v.v… Để nâng cao chất lượng và giá thành sản phẩm, tại Ninh Thuận, người nông dân và các doanh nghiệp cũng đã có sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Mối liên kết này bước đầu được hình thành, phát triển, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững.

Ông Hùng Ky, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú cho biết, thời gian qua, Hợp tác xã đã chú trọng tăng cường liên kết với các doanh nghiệp để nhận được sự hỗ trợ về giống, mở rộng diện tích sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế cho 63 thành viên của Hợp tác xã cũng như tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Sản phẩm măng tây xanh của Hợp tác xã đang được Trang trại Tiên Tiến hợp đồng thu mua với giá 50.000 đồng/kg.

Hay như Hợp tác xã Nho Evergreen Ninh Thuận cũng đẩy mạnh liên kết hai chiều giữa Hợp tác xã với nông dân và Hợp tác xã với doanh nghiệp. Cụ thể, Hợp tác xã liên kết canh tác 15 ha nho trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, thực hiện các khâu dịch vụ như cung cấp vật tư nông nghiệp, chuyển giao khoa học - kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Đồng thời, Hợp tác xã liên kết với Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất- thương mại Mộc Thành Quả của TP Hồ Chí Minh nhằm đưa sản phẩm vào các siêu thị.

Hiện Ninh Thuận có hàng chục doanh nghiệp trên địa bàn đầu tư, liên kết với nông dân sản xuất nông nghiệp, mang lại lợi ích cho cả 2 bên. Nhờ chủ động liên kết, nhiều sản phẩm chủ lực của tỉnh Ninh Thuận đã đến với thị trường trong và ngoài nước. Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh tiếp tục hoàn thiện các chính sách kêu gọi đầu tư, chú trọng kêu gọi đối tượng là các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, đóng vai trò “đầu tàu” thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Từ đầu năm đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận cũng đang phải đối mặt với khó khăn do nắng hạn. Tác động của biến đổi khí hậu làm cho một số địa phương phải giảm diện tích canh tác. Ảnh hưởng của dịch COVID-19, các mặt hàng nông sản chủ lực như nho, táo gặp khó trong tiêu thụ. Ứng phó thách thức, Ninh Thuận đã chủ động đề ra giải pháp chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện quyết liệt để duy trì sản xuất, ổn định cuộc sống cho nhân dân.

Theo đó, Ninh Thuận quyết tâm khai thác hiệu quả, tiềm năng, lợi thế nhằm phát triển các loại cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao, mở ra hướng làm giàu mới cho nông dân ở vùng khô hạn. Từ đó, đã hình thành các vùng sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, gắn liên kết với doanh nghiệp trong chuyển giao khoa học và kỹ thuật, đầu tư phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị. Nhờ đó, Ninh Thuận đã triển khai được 19 cánh đồng lớn phát triển loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, mở ra hướng làm giàu mới cho nông dân ở vùng khó khăn. Bên cạnh tiếp tục duy trì mô hình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, kỹ thuật bao trái cây tránh sâu bệnh, thì mô hình giàn nho chữ Y có mái che với ưu điểm vượt trội là nét mới.

Đáng quan tâm trong hoạt động chuyển giao khoa học và công nghệ đó là ngành chức năng, các địa phương chú trọng hỗ trợ nông dân liên kết với doanh nghiệp áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước vào sản xuất các sản phẩm đặc thù của tỉnh. Cùng với đó, mô hình bao lưới trên giàn táo đã nhân rộng trên 139 ha với 501 hộ tham gia. Xu thế ngày có càng nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp bằng hình thức xây dựng trang trại kết hợp lắp đặt điện mặt trời áp mái nhà đang trở nên phổ biến và cho hiệu quả kinh tế khá cao./..

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực