Nơi cây cao su bắt đầu bén rễ đất Tây Bắc

Thứ bảy, 19/06/2010 10:01

(ĐCSVN) – Lâu nay trong quan niệm của mọi người, cây cao su phải được trồng ở những nơi có độ dốc thấp và khí hậu tương đối nóng. Chính vì thế, việc cây cao su phát triển ở khu vực Tây Bắc núi cao, gió mạnh, quanh năm có mây mù, sương muối sẽ khiến mọi người ngạc nhiên.

Phát triển cây cao su là một chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ ở khu vực Tây Bắc, dù cây cao su là một loại cây trồng còn mới mẻ với đồng bào Tây Bắc, nhưng bằng quyết tâm của những người trồng cao su, cây cao su giờ đã đâm chồi xanh biếc tại mảnh đất nơi đây.

Nhà trẻ trong rừng cao su

Từ thành phố Sơn La, trải quả quãng đường khoảng hơn 40 cây số, chúng tôi đến thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, nơi đang triển khai dự án thuỷ điện Sơn La, cũng chính tại đây được mệnh danh nơi đầu tiên cây cao su bén rễ trên đất Tây Bắc.

 
 Vườn cây cao su tổ, nơi bắt đầu trồng thử nghiệm
70 ha cao su đầu tiên. Ảnh: Quý Trọng

Chạy xe trên con đường trải nhựa phẳng lỳ, hai bên đường là rừng cây cao su hai tuổi vừa cao quá đầu người, chúng tôi đến vườn cây cao su tổ, nơi ươm mầm những cây cao su đầu tiên trong 70 ha cao su được trồng, bên cạnh là nhà trẻ Đội cao su Ít Ong đang vang lên tiếng trẻ bi bô nói cười. Quang cảnh thoáng mát, không khác gì một khu du lịch sinh thái.

Khi bắt đầu có dự định trồng cây cao su tại Sơn La vào năm 2007, những người trông cao su lâu năm của Tập đoàn Cao su Việt Nam đã trồng 70 ha cao su trên đất Ít Ong nhằm nghiên cứu môi trường, khí hậu, thổ nhưỡng nhằm thử nghiệm. Khi những cây cao su mới vươn mình lên một chút cũng là lúc thị trấn Ít Ong trải qua đợt rét hại kéo dài 38 ngày đêm. Qua đợt rét, những cây cao su khẳng khiu tiếp tục bền bỉ vươn mình. Lúc đó, các chuyên gia cao su mới thở phào nhẹ nhõm: “Cây cao su có thể trồng ở đất này”.

Theo chiến lược của Tập đoàn cao su, để trồng cao su cần có diện tích đất lớn để làm “đại điền”, chỉ có làm “đại điền” mới có thể xây dựng nhà máy chế biến mủ theo quy hoạch vùng, khu vực.

Để có đất canh tác, Công ty cổ phần cao su Sơn La đã nhiều lần làm việc với Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh Sơn La bàn cách phối hợp với người dân đã được giao đất giao rừng trước đó về mô hình làm ăn chung. Theo đó, những người dân sở tại sẽ góp vốn vào công ty bằng đất đang canh tác của mình, mỗi hộ dân sẽ có tối thiểu một người vào công ty làm công nhân trông cao su hưởng lương theo tháng. Phương thức này đã được nhiều hộ dân đồng tình hưởng ứng, cũng từ đó, diện tích cây cao su bắt đầu nhân lên.

Để cho bà con người dân tộc tham gia công ty yên tâm làm việc, công ty đã xây dựng một nhà trẻ ngay trong khuôn viên trồng cao su. Hằng sáng, bố mẹ các bé đưa các bé đến lớp rồi lên nương làm việc, kết thúc một ngày làm cũng là lúc các bé được đón về. Con em đồng bào dân tộc gửi tại nhà trẻ được công ty hỗ trợ tiền ăn học.

 
 Lớp học của con em đồng bào dân tộc trong Đội cao su Ít Ong. Ảnh; QT

Thấy chúng tôi bước vào, những đôi mắt tròn đen lay láy chăm chú nhìn, miệng các em bé xinh xinh đồng loạt thốt lên: “Chùng con chào chú ạ”. Cô giáo Đỗ Thị Thảo bẽn lẽn cười: “Lớp có 42 cháu đều là con em dân bản đang làm việc tại công ty, cứ 6 giờ 30 sáng các bé được bố mẹ đưa đến trường, cuối giờ chiều bố mẹ tan ca lại đón về. Các cháu ngoan lắm anh ạ”.

Làm công nhân đỡ vất vả hơn nhiều

Đôi trưởng đội cao su Ít Ong Nguyễn Thành Vinh dẫn chúng tôi đi thăm vườn cao su giống mới nhận về, vừa đi Vinh vừa say mê nói chuyện cao su. Công ty cổ phần cao su Sơn La thành lập được hơn 3 năm thì Vinh đã công tác ở đây hơn một năm. Vinh người Đà Nẵng, nước da đen rắn rỏi do có lẽ suốt ngày phơi nắng trên nông trường.

“Trồng cây cao su có nhiều cái lợi, thứ nhất nó có lợi về kinh tế, thứ hai nó phủ xanh đất trống đồi trọc và thứ ba cây cao su là cây “đa mục tiêu”, trước đây vùng này cũng trồng ngô, trồng màu nhưng do cháy rừng, mất mùa nên hiệu quả không cao”. Vinh nói.

Đến nay, cây cao su ở Ít Ong đã phát triển ổn định, tăng trưởng đúng chu kỳ, nếu không có gì thay đổi, sau 5-6 năm nữa, cây cao su ở Ít Ong sẽ cho sản phẩm.


 Đồng bào dân tộc góp đất để cùng trồng cao su. Ảnh: Quý Trọng

Tại vườn cao su giống, chúng tôi gặp chị Lò Thị Mai (người Thái) là công nhân công ty Cao su từ ngày mới thành lập, chị Mai vừa vinh dự đi dự Đại hội công nhân viên chức xuất sắc toàn ngành cao su mới được tổ chức ở Vũng Tàu về. Hỏi chuyện Mai chỉ cười bẽn lẽn.

Gia đình Mai có hơn một ha đất, nhưng do chồng nghiện bán mất một nửa, sau ly hôn một mình chị nuôi ba đứa con và kiếm sống bằng cách chồng màu trên diện tích 5000 mét đất còn lại, lúc nông nhàn Mai đi làm lao động phổ thông như phụ hồ, làm thuê làm mướn hoặc buôn bán vặt. Đến lúc có chủ trương góp vốn bằng đất trồng cây cao su, Mai tham gia và trở thành công nhân công ty.

Với mức lương tháng hiện giờ 1,3 triệu đồng, Mai còn được công ty hỗ trợ cho vay vốn nuôi thêm một con bò, không chỉ riêng mình Mai, các chị em người dân tộc tham gia công ty đều được hỗ trợ vay vốn nuôi bò. Ngoài thời gian làm việc tại nông trường, Mai còn tranh thủ cắt cỏ cho bò, đứa con út đã gửi nhà trẻ nông trường, còn hai đứa một đứa học lớp 4 và lớp 7 đã tự biết lo cho mình, cuộc sống của Mai cũng đỡ vất vả hơn nhiều.

Hai năm làm công nhân công ty, Mai đều là lao động tiên tiến, phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà, với cô cuộc sống như vậy cũng tạm ổn. “Chưa biết sau này mình được chia lợi nhuận bằng vốn góp như thế nào, nhưng hiện giờ làm công nhân cũng được’. Mai cười khoe đôi hàm răng trắng lấp loá.

Cũng như Mai, chị Lò Thị Lan trở thành công nhân công ty với vốn góp 1 ha đất của gia đình, trước kia ha đất ấy trồng sắn, thậm chí cũng có lúc bỏ hoang hoá. Vào công ty, thấy cây cao su phát triển trên đất của mình chị Lan cũng thấy mát lòng.

Từ 70 ha cao su thử nghiệm năm 2008, đến nay diện tích cao su ở Ít Ong đã phát triển lên hơn 460 ha, đặc biệt vườn cây cao su tổ còn vinh dự được nhiều lần đón các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước đến thăm vào trồng cây lưu niệm. Hiện nay, ngành cao su vẫn đang tiếp tục mở rộng diện tích cây cao su ở huyện Mường La. Nói như những người làm cao su chuyên nghiệp: “Cây cao su đã bén rễ ở đất này”./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực