Nông nghiệp hàng hóa, hướng đi hiệu quả của Tuyên Quang

Thứ sáu, 25/05/2018 12:17
(ĐCSVN) - Những năm qua, chủ trương phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho người sản xuất đã được các cấp ủy, chính quyền các cấp ở Tuyên Quang quan tâm, tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Với điều kiện tỉnh miền núi có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp, nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tỉnh Tuyên Quang đã tập trung huy động các nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp như: Hỗ trợ giá giống, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp nông thôn, tiếp nhận và triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của tỉnh theo các chương trình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao, thuê đất sản xuất nông nghiệp...

Đồng thời, các cơ quan như: Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ đã tích cực đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; lựa chọn áp dụng các quy trình khoa học, hiệu quả như: Quy trình trồng các giống mía mới; kỹ thuật cải tạo diện tích chè giống cũ; hệ thống đảm bảo chất lượng sản xuất rau an toàn PGS; quy trình thâm canh lúa cải tiến SRI, bón phân khép kín; kỹ thuật, kinh nghiệm sử dụng chế phẩm sinh học an toàn với môi trường; áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín, an toàn dịch bệnh, nâng cao chất lượng con giống; đưa cơ giới hóa vào các khâu trong sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp…

Nhờ vậy, tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã dần hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh, tập trung được đầu tư quy mô, hiện đại, sản xuất theo chuỗi liên kết, tạo ra các sản phẩm an toàn từ sản xuất tới tiêu thụ, cung ứng ra thị trường. Một số vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn đã có sự chuyển biến tích cực theo xu hướng sản xuất an toàn và gắn với nhu cầu thực tế của thị trường.

Cụ thể, đến đầu năm 2018, tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng được vùng cam với diện tích 7.557,5 ha (trong đó sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 195,7 ha); vùng chè là 8.735,5 ha (trong đó chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là trên 830 ha); vùng mía là 10.831 ha; vùng lạc với diện tích 4.294 ha (trong đó lạc giống là 147 ha)…

Thu hoạch búp chè tươi tại vùng chè hàng hóa ở huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang (Ảnh: PA)

 

Nhằm tạo động lực cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với thị trường, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện có hiệu quả việc tổ chức lại sản xuất, khai thác tốt các hình thức liên kết. Tính đến cuối tháng 4/2018, tỉnh Tuyên Quang đã thu hút đầu tư được 18 dự án phát triển sản xuất, chế biến nông, lâm sản với tổng số vốn cam kết đạt trên 1.500 tỷ đồng. Toàn tỉnh cũng đã phát triển được trên 200 hợp tác xã nông, lâm nghiệp và thủy sản; trong đó, có 54 hợp tác xã đã triển khai ký kết hợp đồng liên kết, hỗ trợ tiêu thụ nông sản với người sản xuất. Hình thức kết hợp này đã bước đầu phát huy hiệu quả bởi người nông dân yên tâm sản xuất, mạnh dạn đầu tư thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng nông sản do có sự bảo đảm từ phía các hợp tác xã.

 

Anh Nguyễn Văn Sáng ở xã Thắng Quân, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) vui vẻ chia sẻ: “Gia đình tôi trồng gần 4 ha chè. Với sự hỗ trợ của doanh nghiệp, năm 2016, tôi đã đầu tư cải tạo hơn 2 ha chè giống cũ. Đến nay, đầu ra đã được doanh nghiệp bảo đảm. Năm ngoái, tính riêng diện tích chè giống cũ sau cải tạo, tôi đã thu về được gần 150 triệu đồng”.

 

Đến tham quan diện tích chuyên canh chè của Công ty Cổ phần chè Mỹ Lâm ở thôn Lập Thành, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, chúng tôi cảm nhận rõ hiệu quả mô hình liên kết sản xuất mới của doanh nghiệp này. Được biết đến như là một “điểm sáng” trong liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với người nông dân, hiện nay Công ty Cổ phần chè Mỹ Lâm đang có trên 200 ha chuyên canh chè liên kết theo phương thức: Công ty thành lập các tổ dịch vụ thực hiện bón phân, phun thuốc, thu hoạch; nông dân tham gia liên kết thực hiện các công việc còn lại và quản lý vườn chè… Mối liên kết này đã giúp quản lý chặt chẽ được chất lượng nguyên liệu và sản phẩm. Đến nay, cơ bản sản phẩm chè thu hoạch từ diện tích liên kết này đều đạt tiêu chuẩn của châu Âu. Qua đó đã góp phần tăng khoảng trên 40% thu nhập cho người trồng chè so với cách làm truyền thống.

 

Nhìn nhận từ bình diện chung trong toàn tỉnh, hiệu quả chủ trương phát triển nông nghiệp hàng hóa còn được khẳng định thông qua kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới của tỉnh Tuyên Quang. Nông nghiệp hàng hóa theo hướng tích cực và bền vững đã giúp các địa phương có thêm điều kiện thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhất là tiêu chí về hợp tác xã, tiêu chí về bình quân thu nhập… Nhờ vậy, đến hết năm 2017, Tuyên Quang đã có 23 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa còn trực tiếp giúp củng cố, duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới tại những xã đã đạt chuẩn.

 

Cùng với đó, thông qua các hình thức hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, hỗ trợ tìm kiếm, xây dựng và mở rộng thị trường cho hàng hóa nông sản, Tuyên Quang đã tạo lập được thương hiệu cho một số sản phẩm có thế mạnh, được tiêu thụ tại một số cửa hàng, siêu thị lớn. Đến nay, toàn tỉnh đã có 31 sản phẩm nông nghiệp được đăng ký nhãn hiệu. Điển hình như sản phẩm Chè Bát tiên Mỹ Bằng, mật ong Tuyên Quang được tôn vinh là “Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2017” và 02 sản phẩm là cá Lăng, chè đặc sản Vĩnh Tân được bình chọn danh hiệu “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam 2017”; bưởi Xuân Vân đứng Top 10 Thương hiệu - Nhãn hiệu nổi tiếng năm 2018…

 

Đồng chí Nguyễn Văn Việt - Tỉnh ủy viên, Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết: Việc xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm có thế mạnh đang là hướng đi đúng nhằm mở rộng thị trường, tạo cơ hội nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp hàng hóa của doanh nghiệp và người dân. Từ nay đến cuối năm 2018, Tuyên Quang đang tiếp tục hướng dẫn xây dựng chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm cam sành Hàm Yên và một số sản phẩm nông sản có tiềm năng của tỉnh.

 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp hàng hóa ở Tuyên Quang còn có một số tồn tại, hạn chế nhất định như: Số hợp tác xã và doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hoặc có hợp đồng liên kết, tiêu thụ sản phẩm với người dân còn chưa nhiều; một số liên kết sản xuất giữa người nông dân với doanh nghiệp và hợp tác xã còn mang tính thời vụ; thiếu chặt chẽ, bền vững; sản phẩm sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn còn ít; chưa thu hút được những doanh nghiệp lớn tham gia trong chuỗi liên kết với nông dân…

 

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng bền vững, thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động và hỗ trợ các hộ đầu tư phát triển nông nghiệp hàng hóa với quy mô lớn, theo hướng sạch và an toàn, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đẩy mạnh dồn điền, đổi thửa, tích tụ, tập trung đất đai để thuận tiện cho việc ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển sản xuất quy mô lớn; tiếp tục đồng hành với bà con xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách của tỉnh về hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế trang trại, chính sách phát triển chăn nuôi nông hộ và chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã nông, lâm nghiệp, thủy sản; thu hút các doanh nghiệp thực hiện các dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Từ đó, giúp các nông sản thế mạnh của tỉnh không ngừng vươn xa cả trong thị trường trong nước và quốc tế trên cơ sở khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế sẵn có; đồng thời nâng cao thu nhập của người dân, thúc đẩy kinh tế-  xã hội của địa phương phát triển bền vững, hiệu quả./.

Phan Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực