Nông nghiệp Long An hướng đến nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững

Thứ ba, 16/01/2018 17:59
(ĐCSVN) – Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, trong năm 2018, ngành nông nghiệp tỉnh này tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đặc biệt là triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp…
Thanh long là cây trồng được Long An xây dựng
thành 1 trong 4 vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao (Ảnh: K.V)

Trong đó, chủ yếu xây dựng 4 vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, bao gồm: lúa, rau, thanh long và bò thịt, nhằm tạo bước đột phá phát triển của tỉnh này đến năm 2020. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An cũng tăng cường liên kết sản xuất, mời gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo hướng liên kết “4 nhà” gắn với xây dựng nông thôn mới; coi trọng chất lượng, gắn sản xuất với công nghiệp chế biến và kết nối chặt chẽ với thị trường tiêu thụ nhằm nâng cao đời sống vật chất cho người dân. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt 1,5%.

Mục tiêu của ngành nông nghiệp tỉnh Long An trong năm 2018 là phấn đấu sản lượng lúa đạt 2,7 triệu tấn, thanh long đạt 248.000 tấn, chanh 136.000 tấn, rau màu các loại 238.000 tấn, tổng đàn lợn 200.000 con, tổng đàn trâu, bò 161.000 con, gia cầm 8,6 triệu con, tổng sản lượng thủy sản các loại 42.000 tấn.

Được biết, Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh Long An được tập trung thực hiện phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có ít nhất 4 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên các sản phẩm chủ lực của tỉnh gồm: 20.000ha sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao trong vùng lúa cao sản xuất khẩu gần 46.000ha ở các huyện Đồng Tháp Mười (Thạnh Hoá, Tân Thạnh, Mộc Hoá, Vĩnh Hưng, Tân Hưng và thị xã Kiến Tường); 2.000ha thanh long tại huyện Châu Thành; 2.000ha rau tại huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa và TP.Tân An; vùng chăn nuôi bò thịt tại huyện Đức Hòa, Đức Huệ; hỗ trợ hình thành từ 1 đến 2 cơ sở ươm tạo công nghệ cao; hỗ trợ doanh nghiệp đạt chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Việc thành lập “Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp” là cần thiết. Đề án khẳng định được hướng đi đúng của chương trình đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ X đề ra.

Mục tiêu cơ bản của tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Long An là xây dựng nền nông, lâm, ngư nghiệp bền vững, toàn diện, trong đó tập trung vào một số nông sản hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, đồng thời, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo tăng trưởng ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân.

Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết, ngành nông nghiệp của tỉnh tiếp tục cùng các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân, nhất là triển khai ứng dụng công nghệ cao, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật, thực hành sản xuất tốt vào sản xuất, tiếp tục tập trung quảng bá ứng dụng nhanh, rộng các loại giống cây trồng chất lượng cao; Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện Chương trình Đầu tư xây dựng và phát triển nông thôn mới; tiếp tục thực hiện đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi gắn với phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu; tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông - lâm - thủy sản nhằm bảo đảm hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu, kế hoạch năm 2018./.  

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực