Nuôi cá lồng gắn với phát triển du lịch sinh thái trên hồ Na Hang

Thứ bảy, 09/05/2020 22:16
(ĐCSVN) - Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ Na Hang (huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt. Đặc biệt, những năm gần đây, các hộ dân đã biết tận dụng lợi thế để triển khai nuôi cá lồng gắn với phát triển du lịch sinh thái hồ Na Hang.

Hồ Na Hang thuộc địa phận huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Đây là quần thể hồ rộng, sở hữu cảnh quan tự nhiên vô cùng phong phú, do đó, có lợi thế quan trọng để địa phương phát triển du lịch sinh thái. Với tiềm năng lòng hồ rộng, sâu, nước trong xanh, khí hậu trong lành đã tạo điều kiện tốt để nơi đây vừa phát triển du lịch sinh thái, vừa phát triển mô hình nuôi cá lồng trên ven hồ. Những năm gần đây, huyện Na Hang đã khuyến khích các hộ dân quanh vùng hồ triển khai mô hình nuôi cá lồng để tận dụng diện tích mặt hồ vùng ven bờ, tăng nguồn thu nhập từ phát triển kinh tế nông nghiệp, tạo điều kiện để người dân vươn lên làm giàu từ kinh tế thủy sản.

Môi trường, điều kiện nguồn nước tự nhiên tại hồ Na Hang thuận cho mô hình
nuôi cá lồng gắn với phát triển du lịch.

Nhận được sự hỗ trợ về mặt bằng, kỹ thuật làm lồng cá, nuôi cá trên mặt hồ, những năm gần đây, nhiều hộ dân đã bắt tay vào nuôi cá lồng ở vùng ven bờ, gần với bến thuyền du lịch của hồ Na Hang. Khi triển khai mô hình, các hộ dân đã tận dụng tối đa những lợi thế ở hồ Na Hang như nguồn nước tự nhiên, không bị ô nhiễm, trong xanh, rất thích hợp với nuôi các loại cá da trơn và cá nước ngọt. Vì nước hồ tự nhiên nên cá ít khi gặp dịch bệnh, đồng thời, nhu cầu thị trường về các loại cá nước ngọt hiện nay ngày càng lên cao, vì thế đã tạo môi trường thuận lợi cho các hộ dân nuôi cá lồng.  

 Anh Vy Ngọc Anh, một chủ nuôi cá lồng ở hồ Na Hang cho biết, khu vực gần bến thuyền du lịch Na Hang hiện có 10 hộ dân nuôi cá lồng, với trên 250 lồng cá lớn nhỏ. Vị trí đặt lồng cá chủ yếu gần khu vực bờ để thuận tiện cho việc chăm sóc, giao thương sản phẩm cá. Vào sâu bên trong hồ từ 10-15km, có đoạn người dân cũng đặt lồng nuôi cá nhưng thưa thớt hơn so với bến thuyền. Các loại cá được nuôi phổ biến ở hồ Na Hang như cá lăng, chép giòn, trắm đen, cá anh vũ các loại cá cảnh. Giá bán các loại cá thấp nhất từ 40.000 đồng/kg (rô phi), cao nhất lên tới 170.000/kg (cá bỗng). Nhờ nắm bắt được các điều kiện thuận lợi về môi trường và thị trường đầu ra, mỗi năm, mỗi hộ nuôi cá lồng có thu nhập từ 200-300 triệu đồng, tùy vào quy mô lớn nhỏ.

Chủ một nhà bè nuôi cá lồng kiểm tra nguồn nước và chất lượng, trọng lượng của cá.

Điểm mới trong mô hình nuôi cá lồng ở lòng hồ Na Hang những năm gần đây là các hộ dân đã vừa nuôi cá lồng cung cấp sản phẩm ra thị trường gần xa, vừa gắn với phát triển du lịch sinh thái. Để sự gắn kết này được hiệu quả, mang lại hiệu quả kinh tế, các hộ dân ở đây đã chủ động kết hợp vừa nuôi cá, vừa làm các dịch vụ du lịch để phục vụ du khách như dịch vụ đưa đón khách trên thuyền vào các điểm thăm quan trong quần thể hồ Na Hang, phục vụ nhu cầu ẩm thực ngay trên thuyền, đưa khách thăm quan khu nuôi cá, chế biến các món ăn từ sản phẩm cá nuôi lồng ngay trên nhà bè để khách thưởng thức.... Nhờ những cách làm này, du khách có điều kiện tiếp cận các dịch vụ du lịch từ người dân ở khu vực nhà bè, sẵn sàng sử dụng dịch vụ và mua các sản phẩm từ người dân.

 Sau khi tham quan các địa điểm du lịch, du khách có thể dừng chân hòa mình với thiên nhiên, non nước tại các bến du lịch, thưởng thức những món ăn đặc sắc của địa phương như cá lăng ướp giềng nướng trên than hồng, cá lăng xào, cá bỗng nướng, thịt muối của người Tày, canh cá nấu chua... Trước khi về, du khách có thể đặt mua tại lồng cá các loại cá tươi như cá lăng đen, lăng trắng, cá bỗng, cá rô, diêu hồng....;  đồng thời, có thể mua sản phẩm cá sấy khô, thịt muối chua để về nhà thưởng thức.

 Chị Phạm Thị Hoài, chủ một nhà bè nuôi cá lồng chia sẻ, gia đình chị nuôi cá ở hồ Na Hang nhiều năm, hiện có gần 40 lồng cá các loại. Hằng ngày, vợ chồng chị nhận đơn hàng, đóng đá lạnh để gửi đi khắp thị trường gần xa. Nếu khách du lịch đến tham quan hồ, có nhu cầu tham quan lồng cá, đặt cơm tại bè và trên thuyền, gia đình chị sẵn sàng nhận và phục vụ tận tình, chu đáo với phương châm “vừa lòng khách đến, vui lòng khách đi”.

 Nhằm đảm bảo hiệu quả từ sự gắn kết giữa nuôi cá lồng và du lịch sinh thái, các hộ dân ở khu vực nuôi cá luôn quan tâm đến chất lượng nguồn cá sạch, thực hiện đúng hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc cá, thức ăn, thời điểm thu hoạch. Đồng thời, các hộ dân ở khu nuôi cá luôn giữ gìn vệ sinh, đảm bảo cho cảnh quan hồ luôn tự nhiên, xanh, sạch, đẹp, góp phần thu hút ngày càng đông đảo khách khi đến thăm quan, du lịch nơi đây./.

Bài, ảnh: Nguyễn Thế Lượng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực