Phát triển dịch vụ môi trường rừng bền vững

Thứ sáu, 24/03/2017 20:34
(ĐCSVN) - Ngày 24/3 tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị Phát triển dịch vụ môi trường rừng bền vững.

Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: BT)

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, sau hơn 8 năm tổ chức huy động Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (2008-2016) gắn với 6 năm triển khai thực hiện Nghị định số 99/2010-NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), các chính sách đã từng bước lan tỏa, tạo ra nguồn tài chính mới, ổn định, bền vững cho bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời, gia tăng đóng góp của ngành lâm nghiệp trong nền kinh tế quốc dân, góp phần cải thiện sinh kế, ổn định đời sống của người dân làm nghề rừng, đặc biệt là đồng bào các dân tộc ít người ở các vùng miền núi.

Đến nay, toàn quốc đã có 42 Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng từ Trung ương đến địa phương, huy động ủy thác nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2011-2016 đạt hơn 6.510 tỷ đồng, bình quân trên 1.200 tỷ đồng/năm. Tiền dịch vụ môi trường rừng đã góp phần quản lý, bảo vệ 5,8 triệu ha rừng, chiếm 42% tổng diện tích rừng toàn quốc, góp phần hỗ trợ cho chủ rừng có kinh phí quản lý, bảo vệ rừng.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, tiềm năng từ dịch vụ môi trường rừng còn rất lớn. Trong thời gian tới, cần tính toán cụ thể để khai thác hiệu quả, không chỉ từ thủy điện, nước sạch, du lịch mà còn từ các loại dịch vụ môi trường rừng khai thác từ cơ sở công nghiệp có sử dụng nước mặt, cơ sở thủy sản có sử dụng nước từ rừng. Đồng thời, huy động các nguồn lực trong nước, quốc tế nhằm bảo vệ, phát triển rừng tốt nhất, nâng cao giá trị và kinh tế rừng.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tính đến 30/12/2016, tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng toàn quốc đạt 6.510,7 tỷ đồng. Hiện đã có hơn 500.000 hộ gia đình, cộng đồng được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng qua hình thức chi trả trực tiếp và chi trả qua nhận khoán. Thu từ dịch vụ môi trường rừng bình quân chung cả nước khoảng 2 triệu đồng/hộ/năm, qua đó góp phần nâng cao thu nhập, giảm khó khăn trong cuộc sống cho đồng bào.

Dù vậy, theo Bộ NN&PTNT, trong quá trình tổ chức hoạt động Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng và thực hiện Chi trả dịch vụ môi trường rừng vẫn còn khá nhiều tồn tại. Trong đó, thu tiền dịch vụ môi trường rừng vẫn còn thấp so với tiềm năng do các DVMTR đã thực hiện với các đối tượng là thủy điện, nước sạch và du lịch. Các đối tượng khác như cơ sở công nghiệp có sử dụng nước mặt, nuôi trồng thủy sản có sử dụng nước từ rừng và dịch vụ hấp thu các bon chưa được thực hiện. Một số đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trả tiền dịch vụ môi trường rừng hoặc trả chậm dẫn đến nợ đọng nhiều. Hàng năm, tiền nợ của các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng trên dưới 50 tỷ đồng gây ảnh hưởng đến kế hoạch thu, chi và kế hoạch quản lý bảo vệ rừng của các tỉnh.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và đưa ra nhiều kiến nghị thiết thực. Trong đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 05/2008/NĐ-CP quy định địa vị pháp lý của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng; đề xuất chính sách tăng mức thu tiền DVMTR tiệm cận với giá trị DVMT do rừng tạo ra để tăng nguồn thu từ DVMTR. Thí điểm và ban hành chính sách thu DVMTR từ các loại hình dịch vụ nuôi trồng thủy sản có sử dụng nước từ rừng và dịch vụ hấp thu các bon rừng.

Bên cạnh đó, kiến nghị Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) với các Điều về các loại dịch vụ môi trường rừng, nguyên tắc chi trả dịch vụ môi trường rừng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng,... Kiến nghị Chính phủ giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 05 trong năm 2018.

Đối với các địa phương, tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị định 147 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99 cho các bên cung ứng, bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng và đối tượng liên quan. Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành đảm bảo thu đúng, thu đủ các loại dịch vụ đã quy định đối tượng thu, mức thu; kiện toàn tổ chức bộ máy Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng. Kịp thời xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh ở địa phương; tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, chế độ và nguồn lực để Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng phát huy hiệu quả./.

 

 

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực