Phát triển điện gió ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ năm, 12/09/2019 22:32
(ĐCSVN) - Dù có nhiều lợi thế, nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên việc phát triển điện gió ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn gặp nhiều khó khăn.

Du khách tham quan khu vực Nhà máy Điện gió Bạc Liêu.

Tiềm năng lớn về điện gió

Năm 2018, số liệu khảo sát năng lượng gió của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) cho thấy khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ( ĐBSCL) có tiềm năng gió dễ khai thác và thuận lợi cho việc đầu tư các dự án điện gió. Tiềm năng này hiện tập trung tại một số tỉnh như Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre… Chỉ tính riêng tại các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau đã có hơn 400km bờ biển với bãi bồi rộng hàng trăm ngàn hécta có thể phát triển điện gió rất thuận lợi. Trên thực tế các địa phương đã triển khai một số dự án điện gió có hiệu quả. Nhiều chuyên gia năng lượng cũng nhận định, việc đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo nói chung, điện gió  nói riêng là vấn đề có ý nghĩa quan trọng vì ĐBSCL là khu vực có tiềm năng phát triển kinh tế năng động, đang phải chịu tác động kép của biến đổi khí hậu. Chính quá trình đô thị hóa cùng với sự gia tăng dân số khiến cho nhu cầu tiêu thụ năng lượng tại khu vực này ngày càng lớn. Trong bối cảnh đó, đầu tư vào năng lượng tái tạo trong đó có điện gió sẽ giúp các địa phương giải quyết bài toán bảo đảm năng lượng gắn với bảo vệ môi trường. 

Kết quả nghiên cứu do Ngân hàng Thế giới công bố đầu năm 2019 chỉ ra rằng, Việt Nam là một trong các nước có tiềm năng gió lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á, với hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam được ước tính là có tốc độ gió trung bình hàng năm lớn hơn 6m/s, ở độ cao 65m, tương đương với tổng công suất 512 GW. Đặc biệt, hơn 8% diện tích Việt Nam được xếp hạng có tiềm năng gió rất tốt (tốc độ gió ở độ cao 65m 7 - 8 m/giây), có thể tạo ra hơn 110 GW. Vùng ven biển phía Nam nước ta có diện tích rộng khoảng 112.000 km2, còn khu vực có độ sâu từ 30m đến 60m, với diện tích rộng khoảng 142.000 km2 là khu vực có tiềm năng phát triển điện gió biển rất tốt. Đặc biệt, khu vực biển có độ sâu 0-30m từ Bình Thuận đến Cà Mau, rộng khoảng 44.000 km2.

(Nguồn: evnhanoi.vn)

Hướng vào khai thác những lợi thế đó, thời gian qua, đã có khá nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực phát triển điện gió. Như nhận định của ông Cao Quốc Hưng - Thứ trưởng Bộ Công Thương, Việt Nam đang chứng kiến một làn sóng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Cụ thể, tính đến đầu năm 2019, đã có khoảng 50 dự án điện gió đăng ký đầu tư ở Việt Nam. Điển hình như tại tỉnh Trà Vinh, vào tháng 8/2017, tỉnh này đã tổ chức trao giấy chứng nhận đầu tư hơn 125 triệu USD Dự án Nhà máy điện gió Duyên Hải (giai đoạn 1) cho 2 nhà đầu tư là Công ty cổ phần Năng lượng Dầu khí châu Á (TP.Hồ Chí Minh) và Tập đoàn UNISON (Hàn Quốc). Dự án Nhà máy điện gió Duyên Hải sẽ xây dựng tại xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, với công suất thiết kế 48,3MW, bao gồm 21 tuabin, mỗi tuabin 2,3MW; sản lượng điện cung cấp hằng năm hơn 135.200MWh. Dự kiến tháng 12/2019, dự án sẽ đi vào vận hành khai thác. Hay tại tỉnh Sóc Trăng, Dự án điện gió của Tập đoàn Phú Cường nằm ở khu vực bãi bồi ven biển của tỉnh cũng đang được triển khai với có tổng quy mô công suất khoảng 800MW, tổng mức đầu tư khoảng 2 tỷ USD.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do nhất là giá điện gió vẫn ở mức thấp trong khi chi phí đầu tư lại khá cao nên đến nay việc phát triển điện gió tại khu vực ĐBSCL nói riêng và cả nước còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, trên cả nước mới chỉ có 4 dự án với tổng công suất 159,2MW đi vào vận hành thương mại. Trong đó, dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu có công suất lớn nhất trong số 4 dự án điện gió đang hoạt động tại Việt Nam.

Tăng cường phát triển điện gió ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Ông Phạm Ngọc Minh, Giám đốc Văn phòng Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp Quốc gia phục vụ phát triển vùng Tây Nam bộ cho rằng, hiện nay việc phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo tại khu vực ĐBSCL (trong đó có điện gió) đang có nhiều thuận lợi khi Chính phủ, các bộ, ngành đã có những chính sách, quyết định, định hướng và phê duyệt quy hoạch cho cả vùng và từng địa phương trong việc phát triển điện gió, điện mặt trời cũng như khuyến khích, kêu gọi các nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu đầu tư vào các địa phương trên lĩnh vực năng lượng tái tạo… Việc đầu tư phát triển điện gió tại khu vực bãi bồi sẽ tận dụng được diện tích mặt biển, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và hạn chế ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Cần có những giải pháp đồng bộ trong phát triển điện gió tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhận thức được tiềm năng, vai trò của năng lượng tái tạo trong việc phát triển kinh tế cũng như bảo vệ môi trường, Quyết định số 2068 ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh: “Phát triển năng lượng tái tạo không chỉ tập trung mở rộng quy mô và tăng tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung cấp năng lượng sơ cấp, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, mà còn giải quyết vấn đề cung cấp năng lượng cho khu vực nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, xây dựng một xã hội sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên, thân thiện môi trường”. Đối với khu vực ĐBSCL, quy hoạch của Bộ Công Thương từ năm 2014 - 2016 đã phê duyệt Sóc Trăng có 3 vùng phát triển điện gió tại các huyện Trần Đề, Cù Lao Dung và thị xã Vĩnh Châu với tổng diện tích vùng ven biển là 37.340ha, thuận lợi lắp đặt cho 13 nhà máy điện gió với tổng công suất khoảng 1.470MW; trong khi tỉnh Bạc Liêu cũng đã được phê duyệt các vùng phát triển điện gió ven biển với tổng diện tích khoảng 37.600ha, công suất trên 2.500MW và lớn nhất là Cà Mau với hơn 90.000 ha để phát triển điện gió ở các địa phương ven biển với tổng công suất dự kiến trên 3.600MW.

Để hiện thực hóa những mục tiêu nói trên, vấn đề quan trọng hiện nay là cần xây dựng và ban hành biểu giá điện gió phù hợp. Thực tế giá điện gió gần như khó cạnh tranh được với giá điện truyền thống hình thành từ năng lượng hóa thạch. Vì vậy, vấn đề mấu chốt là cần xây dựng và ban hành biểu giá điện phù hợp cho điện gió nói riêng và điện được hình thành từ các dạng năng lượng tái tạo nói chung trên cơ sở hài hòa lợi ích của cả 3 bên, đó là: Chủ đầu tư (bên bán điện), EVN (người mua điện) và mục tiêu phát triển nguồn điện xanh - không phát thải khí nhà kính của Chính phủ. Bên cạnh đó, cần xây dựng lộ trình tính đúng, tính đủ, loại bỏ trợ cấp đối với điện hình thành từ các nhiên liệu hóa thạch nhằm đẩy mạnh tính minh bạch và cạnh tranh công bằng trên thị trường mua bán điện.

Cùng với đó, cần có chiến lược, quy hoạch phát triển điện gió trong cả ngắn, trung và dài hạn với các chỉ tiêu cụ thể cho từng giai đoạn phát triển kinh tế. Trong đó, việc sớm ban hành quy hoạch phát triển điện gió của quốc gia và từng địa phương sẽ giúp giảm thiểu thời gian nghiên cứu, triển khai và hoàn thiện hồ sơ dự án cho nhà đầu tư. Đồng thời, nghiên cứu tính khả thi của việc thành lập Quỹ phát triển năng lượng bền vững sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, nguồn thu từ phí môi trường đối với nhiên liệu hóa thạch, các nguồn tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước nhằm hỗ trợ tài chính cho các dự án phát triển điện gió, hỗ trợ cộng đồng phát triển mô hình sử dụng điện gió… Đặc biệt, cần có các chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển điện gió, trong đó, bên cạnh các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai, cơ chế giá, cơ chế mua bán điện…, cần bổ sung các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất các máy móc, thiết bị phát điện… phục vụ dự án điện gió.

Bài, ảnh: Nguyễn Thị Hoàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực