Phát triển doanh nghiệp xã hội vì cộng đồng nhân văn và bền vững

Thứ sáu, 18/08/2017 22:47
(ĐCSVN) – Ngày 18/8, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phục vụ cộng đồng (SCIP) tổ chức Hội thảo “Phát triển doanh nghiệp xã hội – kinh doanh vì cộng đồng nhân văn và phát triển bền vững”.
Hình ảnh tại hội thảo (Ảnh: M.P)

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, doanh nghiệp xã hội hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận mà hoạt động vì mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường và lợi ích cộng đồng. Theo đó, các doanh nghiệp xã hội sẽ tạo công ăn việc làm cho những nhóm người khó hòa nhập, dễ bị tổn thương, cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục, nước sạch, xử lý rác thải, ô nhiễm.

Với việc bảo vệ các giá trị tốt đẹp đối với toàn xã hội cũng như phát triển và làm sâu sắc thêm hệ giá trị giá xã hội, doanh nghiệp xã hội cần sự ủng hộ của cộng đồng, xã hội và các cơ quan liên quan.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Phạm Thị Thu Hằng - Tổng thư ký VCCI đánh giá, cần tạo niềm cảm hứng đối với mỗi doanh nhân, người lao động trong việc tạo ra các mô hình kinh doanh sáng tạo, bền vững. Trong thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã tiên phong khởi tạo các sáng kiến kinh doanh vì cộng đồng. Các mô hình kinh doanh này nhằm mục đích giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường.

Việt Nam hiện đã có hành lang pháp lý đầy đủ cho doanh nghiệp xã hội phát triển, cụ thể là Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) 2014, Thông tư 04/2016/TT-BKHĐT và nghị định 96/2015/NĐ-CP.

Bà Hằng nhận định, điều này đã khẳng định vị trí của doanh nghiệp xã hội trong cộng đồng doanh nghiệp Việt, đồng thời khẳng định sự hỗ trợ, quan tâm của Nhà nước tới loại hình doanh nghiệp này. Tạo điều kiện pháp lý cho doanh nghiệp xã hội, giúp doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi và ưu đãi khi khởi nghiệp và hoạt động.

Tuy nhiên, thống kê từ tháng 6/2017 đến nay, chỉ có khoảng 30 doanh nghiệp đăng ký hoạt động là doanh nghiệp xã hội. Giám đốc CSIP cho rằng, đây là con số khiêm tốn, cần có sự nghiên cứu và phát triển hơn nhiều về chính sách hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp xã hội

Bà Hằng cũng chỉ ra thách thức về sản phẩm thị trường khiến doanh nghiệp xã hội phải có sự sáng tạo đột phá. Đồng thời ứng dụng đổi mới công nghệ và có mô hình kinh doanh phù hợp. Điều này phụ thuộc vào mỗi doanh nghiệp về cách thức tổ chức sản xuất, tiếp cận các nguồn lực.

Do đó, bà Hằng cho biết, trong  thời gian tới, VCCI sẽ tiếp tục đề xuất với Chính phủ tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp xã hội về các chính sách, thủ tục thành lập doanh nghiệp… Cùng với đó, VCCI tiếp tục kiến nghị về các chương trình hỗ trợ, đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp xã hội, đề xuất chương trình hỗ trợ toàn diện, tổng thể hơn./.

M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực