Phát triển năng lượng cần giải pháp đồng bộ để tạo bước đột phá

Thứ sáu, 19/05/2017 22:17

(ĐCSVN) – Phát triển năng lượng là một bộ phận của chính sách công nghiệp quốc gia, nên cần có hệ thống giải pháp đồng bộ tạo bước đột phá trong huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thuộc mọi thành phần kinh tế. Phát triển năng lượng còn góp phần bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước. Từ đó, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và không ngừng cải thiện đời sống nhân dân. Ông Ngô Đông Hải - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo chí xung quanh vấn đề này. 

Ông Ngô Đông Hải trả lời phóng viên báo chí (Ảnh: K.D)

Phóng viên: - Thưa ông, năng lượng là đầu vào quan trọng của các ngành sản xuất, kinh doanh cũng như đóng vai trò thiết yếu trong sinh hoạt và tiêu dùng, là động lực với quá trình phát triển kinh tế- xã hội của các quốc gia trên thế giới. Vậy ông nhìn nhận thế nào về Chiến lược phát triển năng lượng của chúng ta, đặc biệt trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay?

Ông Ngô Đông Hải: Phải nói rằng, quan điểm xuyên suốt của Đảng là phát triển năng lượng phải gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và bảo đảm đi trước một bước với tốc độ cao, bền vững, đồng bộ đi đôi với đa dạng hóa các nguồn năng lượng và công nghệ tiết kiệm năng lượng là nhiệm vụ trọng tâm trong suốt thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025 cũng ghi rõ, mục tiêu tổng quát của Chiến lược là bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ của đất nước; cung cấp đầy đủ năng lượng với chất lượng ngày càng cao cho phát triển kinh tế- xã hội; khai thác và sử dụng hợp lí, có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước; đa dạng hóa phương thức đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng; hình thành và phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh lành mạnh...

Trong điều kiện hiện nay, khi chúng ta bước vào tiến trình hội nhập quốc tế thì việc phát triển kinh tế - xã hội đặt ra nhiều yêu cầu mới để đáp ứng nhu cầu năng lượng và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Vì thế, chúng ta cần đầu tư và gia công để Chiến lược phát triển năng lượng an ninh quốc gia theo kịp với yêu cầu phát triển mới đó.

Phóng viên: Thách thức lớn nhất của ngành năng lượng hiện nay là gì, thưa ông?

Ông Ngô Đông Hải: Thách thức lớn nhất của ngành năng lượng hiện nay là nền kinh tế đang phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới. Trong khi đó, Nhà nước đã quyết định dừng không triển khai các nhà máy điện hạt nhân và các nhà máy thủy điện về cơ bản đã khai thác hết công suất. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn rất nhiều cơ hội. Bởi, dư địa tiết kiệm trong tiêu dùng và sản xuất điện của nước ta còn nhiều. Nếu có một chiến lược và có những chính sách khuyến khích tiết kiệm thì áp lực về việc bảo đảm an ninh năng lượng sẽ giảm đi. Thứ hai, chúng ta có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng mặt trời, năng lượng gió... Đây sẽ là nguồn năng lượng thay thế quan trọng. Thứ ba, trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay, phải tính toán đến tiềm năng sử dụng năng lượng với việc kết nối năng lượng an ninh khu vực, góp phần tạo dựng thị trường năng lượng khu vực bền vững trong đó chúng ta là một đối tác tham gia...

Phóng viên: Như ông đã nói ở trên, nước ta có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo. Vậy, chúng ta cần tận dụng như thế nào?

Ông Ngô Đông Hải: Có thể khẳng định, tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo đã được các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, đặc biệt là Bộ Công Thương chỉ rất rõ. Do vị trí địa lí, nước ta nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, thuộc vùng Duyên hải nên năng lượng mặt trời, năng lượng gió là nguồn năng lượng thiên nhiên vô cùng quý báu mà chúng ta chưa tận dụng, chưa phát huy được. Trong thời gian tới, phải có chiến lược khai thác hợp lí để có thể đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội.

Phóng viên: Thưa ông, phát triển ngành năng lượng cần gắn với thực hiện các cam kết về chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Vậy, với các dự án nhiệt điện than hiện nay, việc bảo đảm môi trường có thực hiện đúng cam kết?

Ông Ngô Đông Hải: Bài toán bảo đảm môi trường trong việc phát triển các dự án nhiệt điện than đang là bài toán đau đầu với các nhà quản lí. Tôi cho rằng, việc bảo đảm môi trường trong triển khai các nhà máy nhiệt điện than thời gian tới phải được đặt lên hàng đầu. Chúng ta đã có những bài học đau xót khi triển khai một số dự án nhiệt điện than trong thời gian qua gây ảnh hưởng đến môi trường, tạo bức xúc trong nhân dân cũng như ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, các cơ quan quản lí cần quan tâm thỏa đáng đến vấn đề này.

Kinh nghiệm thế giới cũng cho thấy, nếu chúng ta quan tâm đúng mức tới công nghệ và có chiến lược ngay từ đầu khi xây dựng dự án thì việc bảo đảm môi trường về cơ bản thích ứng biến đổi khí hậu...

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Kim Dung (ghi)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực