Phát triển năng lượng tái tạo: xu thế và thách thức

Thứ năm, 18/06/2020 21:28
(ĐCSVN) - Ngành năng lượng Việt Nam đã đi đúng hướng trong việc phát triển và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, làm sao để phát triển nguồn năng lượng này là vấn đề được đặt ra.
Diễn đàn năng lượng Việt Nam 2020 (Ảnh: K.D) 

Nhằm chia sẻ với doanh nghiệp, ngày 18/6 tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Diễn đàn năng lượng Việt Nam 2020 với chủ đề “Phát triển năng lượng sạch – xu thế và thách thức”.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đánh giá, hiện ngành năng lượng Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ, cơ bản đáp ứng nhu cầu cho năng lượng sản xuất kinh doanh, đời sống, đóng góp an ninh quốc phòng. Nhu cầu năng lượng sơ cấp trong 10 năm qua, năm 2007-2017, tăng trưởng 14,6%, riêng sản lượng điện thương phẩm tăng trưởng bình quân 9,5%.

Dự báo trong giai đoạn 5 năm tới, nhu cầu điện năng vẫn tăng trưởng 8,5-9,5%. Với nhu cầu điện thương phẩm như trên, dự kiến công suất điện 13.000-14.000 MW. Đến nay, mới có 6.000 MW/năm. Từ nay năm 2030, mỗi năm cần công suất suất 5.000 -7.000 MW/năm.

Đây là nhiệm vụ thách thức đặc biệt trong bối cảnh Quy hoạch điện VII được điều chỉnh. Mặc dù Quy hoạch này được điều chỉnh từ năm 2016 nhưng trước nhu cầu bảo vệ môi trường, đã phải trì hoãn, hoặc không được xây dựng hoặc chậm tiến độ, trong bối cảnh đó, đáp ứng nhu cầu năng lượng, thời gian qua, Chính phủ và Bộ Công Thương có điều chỉnh cần thiết, cụ thể đẩy mạnh nhanh hơn dạng năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, gió. Với sự tham mưu của Bộ Công Thương, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành rất nhiều cơ chế chính sách thúc đẩy mạnh hơn năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, gió- có rất nhiều tiềm năng- Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định.

Ông Hoàng Tiến Dũng – Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, mặc dù có sự phát triển mạnh mẽ, song việc phát triển năng lượng tái tạo quy mô lớn còn hạn chế. Cụ thể, lưới điện truyền tải chưa được phát triển đồng bộ với tốc độ phát triển nguồn năng lượng tái tạo; chưa có đủ nguồn dự phòng, hệ thống tích trữ năng lượng để tích hợp năng lượng tái tạo ở quy mô lớn; chính sách phát triển năng lượng tái tạo không được áp dụng trong thời gian dài; chưa có cơ chế thu hút vốn đầu tư phát triển năng lượng tái tạo thông qua cơ chế đấu thầu. Đặc biệt chưa có nghiên cứu tổng thể phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Theo ông Hoàng Tiến Dũng, nhận thức rõ tầm quan trọng của năng lượng sạch, năng lượng tái tạo đối với nền kinh tế, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách chú trọng phát triển năng lượng năng lượng tái tạo. Đặc biệt, gần đây nhất, Nghị quyết số 55 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Bộ Chính trị ban hành đầu năm 2020 đã có nhiều đột phá trong phát triển năng lượng quốc gia.

Tuy nhiên, ông Hoàng Tiến Dũng cho rằng muốn hiện thực hóa Nghị quyết để phát triển năng lượng tái tạo hiệu quả và thu hút mạnh nhà đầu tư vào lĩnh vực này, phải tập trung vào các nội dung như chính sách, hạ tầng truyền tải và điều độ vận hành hệ thống điện.

Trước các ý kiến tham luận, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng khẳng định, vấn đề phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo ở Việt Nam không nằm ngoài xu thế chung của khu vực và thế giới. Để đáp ứng nhu cầu năng lượng của đất nước, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung thực hiện một cách triệt để, đầy đủ Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị. Cụ thể, triển khai hai quy hoạch lớn là Quy hoạch Phát triển năng lượng Việt Nam và Quy hoạch điện lực quốc gia Việt Nam cho giai đoạn từ nay đến năm 2030, có tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó tập trung chuyển dịch năng lượng của đất nước phù hợp với xu thế của thế giới.

“Nội hàm của chuyển dịch năng lượng bao gồm sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, giảm khí thải carbon, xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, chuyển đổi hệ thống lưới điện truyền tải. Trong đó điều quan trọng là phát triển năng lượng tái tạo.”- Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.

Kim Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực