Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng

Thứ tư, 18/03/2020 16:40
(ĐCSVN) – Gần đây, du lịch nông nghiệp đã đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho nhiều địa phương, doanh nghiệp. Sự tham gia trực tiếp của nông dân đã tạo nên sự phong phú, hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch, đồng thời đem lại thu nhập cao hơn cho nông dân.

Gắn phát triển nông nghiệp với du lịch cộng đồng

leftcenterrightdel
Phát triển nông nghiệp gắn du lịch cộng đồng đang mang lại hiệu quả cao. (Ảnh: HNV)

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo nên diện mạo mới, đặc biệt là hạ tầng, tạo một môi trường thuận lợi cho việc phát triển du lịch nông nghiệp tại các làng nghề nông lâm ngư nghiệp truyền thống ở nước ta. Ngược lại, du lịch nông nghiệp sẽ là động lực thúc đẩy cho việc thực hiện phong trào nông thôn mới với tốc độ vừa nhanh vừa bền vững do không những tham gia tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở rộng đầu ra của sản phẩm mà còn bảo tồn được các giá trị văn hóa gốc của nông thôn hoặc giá trị về thương hiệu hàng hóa đặc thù.

Hiện nay, một số tour du lịch cộng đồng gắn với vùng trung du, vùng núi phía Bắc đã trở thành “thương hiệu” của vùng như tour trải nghiệm, thăm quan nông trường Mộc Châu; tour du lịch ngắm ruộng bậc thang, thăm quan bản làng tại Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai, Lai Châu…

Tại miền Trung, du khách trong nước và quốc tế cũng rất thích những sản phẩm du lịch trải nghiệm các hoạt động nghề nông ở Hội An (Quảng Nam): làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà, làng rau An Mỹ, làng chài Cù Lao Chàm, làng bắp Cẩm Nam…

Không chỉ đem đến cho du khách cơ hội thư giãn, giải trí, hoạt động rèn luyện thể lực và tinh thần, gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nhà nông, việc phát triển du lịch cũng tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang dịch vụ, thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam.

Có thể thấy, nông nghiệp tự nhiên, nông sản an toàn và hiệu quả kinh tế đang được người tiêu dùng ưu tiên hàng đầu. Trong đó, sản xuất nông nghiệp sạch kết hợp với du lịch đang là hướng đi bền vững được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân áp dụng nhằm gia tăng lợi ích kinh tế.

Một số mô hình phát triển nông nghiệp gắn du lịch cộng đồng hiệu quả

Theo các chuyên gia, phát triển du lịch cộng đồng là hướng đi phù hợp với xu thế của thời đại, đáp ứng nhu cầu khám phá của đông đảo du khách muốn tìm hiểu về văn hóa đặc sắc của vùng miền. Xuất hiện nhiều mô hình phát triển hiệu quả ở nhiều địa phương, đơn cử như: Bình Thuận hiện có tiềm năng rất lớn để phát triển loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp. Chẳng hạn như: vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 2.000 ha tại huyện Bắc Bình; du lịch sinh thái kết hợp phát triển nông nghiệp trên các đảo, xung quanh hồ thủy điện, thủy lợi tại các huyện vùng cao như Tuy Phong, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc...Hiện nay, Bình Thuận đang tập trung phát triển sản phẩm du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp, coi đây là một hướng đi mới và bền vững cho ngành du lịch, phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Cùng với sự đa dạng về địa hình, thổ nhưỡng, tài nguyên, Bình Thuận hiện có 270.000 ha đất sản xuất nông nghiệp với các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như lúa, bắp, nho, cây trôm, đặc biệt là cây thanh long. Đây là lợi thế rất lớn để Bình Thuận khai thác và phát triển loại hình du lịch gắn với nông nghiệp bền vững.

Tận dụng lợi thế vốn có, từ cuối năm 2019, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Bình Thuận đã đưa vào hoạt động mô hình tour du lịch cộng đồng “Trải nghiệm hoạt động sản xuất thanh long” cùng người dân tại huyện Hàm Thuận Nam - nơi “thủ phủ thanh long” của Bình Thuận. Dù mới hình thành trong thời gian ngắn nhưng loại hình này bước đầu đã mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho khách du lịch trong nước và quốc tế. Theo đó, việc tham quan vườn thanh long là sản phẩm mới nằm trong chuỗi phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp của ngành du lịch tỉnh Bình Thuận. Thông qua đó, đơn vị cũng mong muốn mở rộng và phát triển nhiều sản phẩm du lịch sâu rộng hơn; đồng thời, tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Không chỉ có du lịch trải nghiệm vườn thanh long, hiện nay, tại Bình Thuận, một số tour, tuyến, điểm du lịch gắn với nông nghiệp cũng được triển khai như: Tour khám phá thác 9 tầng kết hợp tham quan vườn cây ăn trái ở thôn Đa Tro, xã Đa Mi (huyện Hàm Thuận Bắc); phát triển tham quan nhà vườn tại xã Đa Kai (huyện Đức Linh), tham quan vườn nho ở huyện Tuy Phong… Tuy nhiên, nhìn chung các sản phẩm này còn mang tính tự phát và thiếu đầu tư hạ tầng, dịch vụ...

Hay như Đắk Lắk, tỉnh này cũng xác định tập trung phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Được đánh giá là tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh từ điều kiện tự nhiên đến văn hóa bản địa đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nhưng trên thực tế việc phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nơi đây còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng. Bởi thế, tỉnh đang triển khai chiến lược phát triển hợp lý du lịch cộng đồng, định hướng phát triển theo tiêu chuẩn chung của cộng đồng ASEAN, phát triển bền vững bằng cách trao quyền cho người dân. Tại Đắk Lắk, một số mô hình phát triển nông nghiệp đã thu hút được khách du lịch như làng nai Cư Êbur, làng thỏ Ea Tu, cà phê chồn Kiên Cường…

Còn phải kể đến Sơn La là một tỉnh miền núi phía Tây Bắc có khí hậu đa dạng, là điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất nhiều loại sản phẩm nông nghiệp đặc sản có giá trị kinh tế cao. Với nguồn tài nguyên du lịch sinh thái phong phú, đồng lúa, rau màu, rượu, mật ong, cây ăn quả ôn đới dài ngày như (cà phê, chè..) có ưu thế ở Mộc Châu, Vân Hồ, Yên Châu là những địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản tập trung ở Quỳnh Nhai, Mường La… Ngoài ra, Sơn La cũng có nguồn tài nguyên về du lịch độc đáo như: Lòng hồ thủy điện Sơn La, Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, Nhà máy thủy điện Sơn La… Đây là những lợi thế để Sơn La phát triển du lịch gắn với nông nghiệp theo hướng hàng hóa quy mô lớn. Từ những mô hình du lịch hộ gia đình cho đến mô hình trang trại, trồng cây ăn quả… tại 1 số địa phương trên địa bàn tỉnh đã cho thấy du lịch gắn với nông nghiệp đã đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội cho cá nhân gia đình và địa phương. Chính sự tham gia trực tiếp của người dân trong các hoạt động du lịch nông nghiệp đã tạo ra nên sự phong phú hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, đồng thời mang lại một nguồn thu nhập cho bà con nông dân bên cạnh hoạt động nông nghiệp thuần túy, đây được coi là một phương thức xóa đói giảm nghèo đặc biệt tại những cộng đồng khó khăn, tạo thêm nguồn sinh kế ổn định cải thiện đời sống nhân dân, giúp người dân gắn bó với quê hương hơn.

Rồi du lịch cộng đồng- nông nghiệp mới hình thành và phát triển tại Đồng Tháp những năm gần đây nhưng bước đầu góp phần đa dạng hóa, làm phong phú sản phẩm, tăng thêm sự lựa chọn cho du khách khi tìm hiểu, trải nghiệm kinh tế - xã hội, khám phá vẻ đẹp của quê hương, con người, văn hóa Đồng Tháp. Tỉnh cũng đã không ngừng tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị văn hóa địa phương, từ đó truyền tải đến du khách những giá trị này bằng tình yêu, sự tôn trọng và niềm tin. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng làm du lịch cho cộng đồng, các kỹ năng giao tiếp, ứng xử, kỹ năng quản lý điểm đến. Ngoài ra, các doanh nghiệp lữ hành của tỉnh cũng chủ động xây chương trình du lịch, xây dựng sản phẩm, kết nối tour tuyến. Sản xuất nông nghiệp của địa phương được đầu tư phát triển theo mô hình nông nghiệp sạch, ưu tiên phát triển các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp công nghệ cao. Gắn du lịch nông nghiệp với phát triển du lịch cộng đồng và khai thác các giá trị văn hoá bản địa, làng nghề truyền thống, quà lưu niệm, đặc sản địa phương…                                                                               

Đáng chú ý, phát triển nông nghiệp, làng nghề gắn với du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng thời gian qua đã được Hà Nội quan tâm thực hiện và đạt được nhiều kết quả tốt. Đây là một trong những hướng đi mới của nông nghiệp thành phố nhằm nâng cao giá trị sản xuất cũng như thu nhập của người dân vùng nông thôn. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, việc phát triển nông nghiệp, làng nghề gắn với du lịch nhằm phục vụ nhu cầu khám phá của du khách và hứa hẹn giúp nâng cao giá trị sản xuất trên địa bàn thành phố. Hiện nay, sản phẩm du lịch nông nghiệp, làng nghề ở Hà Nội chủ yếu khai thác mô hình trang trại đồng quê phục vụ du lịch học đường, du lịch cuối tuần. Điển hình như tua tham quan mùa lúa chín tại Đường Lâm; du lịch nông nghiệp kết hợp tham quan làng cổ Đường Lâm; du lịch nông trại; du lịch trải nghiệm rau hữu cơ, làng chè, rau rừng tự nhiên và đa dạng sinh học… Nhiều du khách mong muốn được tham quan trải nghiệm ở các khu trang trại, vườn trại, du lịch sinh thái... gắn với tìm hiểu giá trị văn hóa của từng địa phương giúp kéo dài chuỗi giá trị gia tăng, tạo thêm việc làm đem lại thu ổn định cho người dân vùng nông thôn. Cùng với đó, tại Hà Nội hiện có hơn 10 làng nghề truyền thống được công nhận nằm trong dự án phát triển làng nghề gắn với du lịch. Mặt khác,  Hà Nội đã công nhận khoảng 15 điểm, khu du lịch cấp thành phố, trong đó có điểm du lịch làng gốm Bát Tràng, làng sinh vật cảnh Hồng Vân, khảm trai Chuyên Mỹ, may Vân Từ. Du khách đến với làng nghề sẽ được tham quan cảnh quan đặc trưng vùng đồng bằng Bắc Bộ; được trực tiếp làm thử một vài công đoạn sản xuất sản phẩm làng nghề lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, nón làng Chuông, sơn mài Hạ Thái, thêu Quất Động...

Cần có mô hình quản lý phù hợp

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, để xây dựng du lịch cộng đồng hiệu quả phải có mô hình quản lý phù hợp, dựa trên quy mô, đặc tính văn hóa, đặc trưng của tỉnh; đặc biệt phải mang lại lợi ích cho người địa phương, để người địa phương tham gia vào công tác quản lý du lịch cộng đồng; trao quyền rộng hơn cho cộng đồng tham gia vào công tác xây dựng đề án và quy hoạch du lịch cộng đồng. Chính quyền và các cơ quan chức năng cần thông báo trung thực cho cộng đồng địa phương về mục đích phát triển du lịch cộng đồng tại khu vực, từ đó dành cho cộng đồng địa phương quyền quyết định chấp thuận hay từ chối dự án du lịch cộng đồng.

Thêm nữa, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới cần đi đôi với bảo vệ môi trường nhằm hướng đến sự phát triển bền vững. Trên cơ sở đó, cần cụ thể hóa việc thực hiện một số chính sách hiện hành về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức xã hội về vai trò của môi trường đối với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới; xây dựng hình ảnh du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp để tạo sức hút đối với du khách trong nước, quốc tế và góp phần xây dựng nông thôn mới.

Để kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới cần sớm ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực du lịch, trong đó chú trọng vào các hoạt động du lịch nông nghiệp, khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch văn hóa, lịch sử và điều kiện tự nhiên; xác định hướng đi chủ đạo là phát triển du lịch nông nghiệp trên nền tảng nông nghiệp sạch, hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách...

Không thể phủ nhận những hiệu quả tích cực khi gắn phát triển nông nghiệp với du lịch sinh thái. Tuy nhiên, để đẩy mạnh mô hình sản xuất và nâng cao hiệu quả hơn nữa thì việc gìn giữ và khôi phục những giá trị văn hóa cổ truyền qua đó cung cấp thêm những trải nghiệm độc đáo cho các du khách thì cần phải có sự liên kết, phối hợp trao đổi giữa đơn vị lữ hành, nhà đầu tư, nhà nước nhằm mục đích nhân rộng những mô hình hiệu quả thông qua việc đẩy mạnh thực hiện các chương trình hỗ trợ, phát triển nông nghiệp đô thị gắn với du lịch sinh thái cho người dân các địa phương theo thế mạnh của từng vùng.

Du lịch cộng đồng – nông nghiệp là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho cư dân bản địa, nó không chỉ giúp người dân bảo vệ môi trường mà còn  bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo của địa phương. Đây cũng là hướng đi phù hợp với xu thế phát triển hiện đại. Bởi vậy, việc phát triển để đảm bảo hiệu quả và bền vững rất cần sự đồng bộ các giải pháp và sự vào cuộc của cả hệ thống cơ quan liên quan từ Trung ương đến cơ sở./.

Lê Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực