Phát triển thị trường để góp phần xóa đói giảm nghèo ở Tây Bắc

Thứ hai, 27/03/2017 11:17
(ĐCSVN) - Trong nhiều năm qua, công tác xóa đói, giảm nghèo vùng Tây Bắc đã thu được những kết quả khá tích cực. Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn về giao thông, làm hạn chế về phát triển thị trường, gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do vậy, Tây Bắc vẫn là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất trong cả nước.


Ảnh minh họa (Nguồn: taybacsensetravel.com)

Theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội năm 2016, giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng Tây Bắc đã giảm từ 34,41% vào thời điểm cuối năm 2010 (842.017 hộ nghèo) xuống còn 18,26% vào cuối năm 2014 (484.181 hộ nghèo), và còn khoảng 15% vào cuối năm 2015 (bình quân giảm gần 4%/năm). Tỷ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo thuộc vùng theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ trong vùng Tây Bắc đã giảm xuống còn 31,94% vào cuối năm 2014, và còn khoảng 26% cuối năm 2015, đạt mục tiêu theo kế hoạch đã được đề ra và đạt vượt so với mục tiêu giảm bình quân 4%/năm theo mục tiêu của Nghị quyết số 30a. Tỷ lệ hộ nghèo của các xã được hỗ trợ đầu tư theo Chương trình 135 cũng đã giảm từ 3-5% mỗi năm, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, trong đó 21 xã đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu theo Chương trình 135.

Tuy vậy, với hơn 11,6 triệu người sinh sống trên địa bàn, trong đó 63% là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng Tây Bắc là địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao nhất cả nước. Theo kết quả Tổng điều tra hộ nghèo và hộ cận nghèo cả nước, năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của Tây Bắc là 34,58%, cao gấp 2,44 lần tỷ lệ chung của cả nước. Đến năm 2015, tỷ lệ này theo chuẩn mới là 29,14%, cao gấp 2,95 lần tỷ lệ chung của cả nước. Trong đó, một số tỉnh trong vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước và trên 40-50% như Điện Biên: năm 2010 là 50,01%, năm 2015 theo chuẩn mới là 48,14%; Lai Châu: năm 2010 là 46,78%, năm 2015 theo chuẩn mới là 40,40%; Hà Giang: năm 2010 là 41,80%, năm 2015 theo chuẩn mới là 43,65%; Cao Bằng: năm 2010 là 38,06%, năm 2015 theo chuẩn mới là 42,53%.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có hạn chế về thương mại và thị trường. Điều này đã dẫn tới chưa có nhiều mô hình liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm giữa nhà khoa học - nhà nông và doanh nghiệp nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát triển sản xuất hàng hóa, tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân trong vùng.

Những năm gần đây, trên bình diện cả nước nói chung và nông thôn miền núi, vùng cao, biên giới phía Bắc nói riêng, thương mại, thị trường đã có bước phát triển, gắn kết với thị trường cả nước. Với những thành tựu đạt được trong phát triển sản xuất nông nghiệp và xu hướng gia tăng việc làm ở khu vực nông thôn, thu nhập của dân cư đã từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, nếu nhìn toàn cảnh thực trạng thị trường ở các khu vực thì có thể thấy thị trường nông thôn, miền núi, vùng cao, biên giới phía Bắc nước ta vẫn là một thị trường nghèo với sức mua bình quân đầu người khá thấp.

Do địa hình bị chia cắt, giao thông khó khăn, thị trường đang có khuynh hướng bị khu vực hóa ở một số vùng, có nơi thậm chí chưa có những tiền đề cần thiết để phát triển kinh tế hàng hoá. Nhìn chung thu nhập chưa đạt đến mức đủ lớn để làm thay đổi về chất của thị trường nông thôn, miền núi, vùng cao, biên giới phía Bắc hiện nay. Theo số liệu của Bộ Công Thương, mức thu nhập bình quân đầu người miền núi phía Bắc khoảng 1,285 triệu đồng/người/tháng. Do thu nhập còn thấp, nên chi tiêu cho đời sống chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập, bình quân 80,2%. Trong đó, chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu của đời sống như ăn, uống là chủ yếu, chiếm tới 52,5% tổng chi tiêu; chi cho các nhu cầu đời sống khác chiếm khoảng 41,2%, phần chi khác chỉ chiếm 6,3%.

Là khu vực rộng lớn, nông thôn miền núi, vùng cao, biên giới phía Bắc Việt Nam là một địa bàn chiến lược, có ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước. Trong bối cảnh ấy, thị trường nông thôn, miền núi, vùng cao, biên giới phía Bắc có vị trí trung tâm và là thị trường chiến lược trong hệ thống thị trường nội địa thống nhất ở một quốc gia mà đa phần dân chúng là nông dân. Như vậy việc tổ chức tốt lưu thông hàng hóa, nhất là mở rộng thị trường xuất khẩu để đưa sản xuất hàng hoá lên qui mô lớn, tiếp cận với thị trường thế giới là việc làm cấp bách.

Để phát triển thị trường nông thôn, miền núi, vùng cao, biên giới phía Bắc, cần tổ chức lại không gian thị trường. Theo đó, lấy đơn vị làng, bản làm không gian cơ sở để phát triển mạng lưới trên địa bàn nông thôn. Trong không gian đó sẽ chủ yếu tập trung phát triển các cơ sở bán lẻ những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cho nhu cầu ăn uống và đồ dùng cá nhân. Lấy các trục giao thông liên thôn, liên xã có điều kiện và tiềm năng phát triển thương mại, nhất là đối với các thôn, xã ở xa khu vực thị trấn huyện lỵ để hình thành các trục thương mại đáp ứng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa nông sản và nhu cầu mua hàng hóa tiêu dùng của dân cư nông thôn.

Hoàn thiện và bổ sung chính sách đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng thương mại. Các doanh nghiệp đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại cần được hưởng các chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Nhà nước cần tạo nguồn vốn ổn định và có kế hoạch thực hiện thường xuyên theo chính sách hỗ trợ vốn đầu tư chợ. Áp dụng chính sách giảm thuế thu nhập cho các doanh nghiệp mở rộng cơ sở kinh doanh trực thuộc hoặc sử dụng các hợp tác xã, hộ kinh doanh (ở mức độ nhất định) trên địa bàn làm đại lý mua hàng nông sản và bán vật tư, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thời gian, mức giảm thuế nhiều hay ít tuỳ thuộc vào số cơ sở kinh doanh tăng thêm, số hợp tác xã và hộ kinh doanh tham gia vào hệ thống phân phối của doanh nghiệp với tư cách đại lý.

Phát triển các ngành nghề truyền thống theo hướng không chỉ là tìm giải pháp tăng nhanh tốc độ phát triển của các ngành ngoài nông nghiệp hiện có, mà quan trọng hơn là bằng nhiều giải pháp để mở rộng các ngành nghề chưa phải truyền thống cả về chủng loại cũng như qui mô của nó. Song song với sự phát triển ngành nghề, cần tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh công nghiệp và dịch vụ được tự do di chuyển đến các thị trấn, thị tứ, nơi gần đường giao thông để xây dựng cơ sở kinh doanh. Việc làm này vừa đáp ứng nhu cầu trước mắt, vừa tạo ra những điều kiện để sớm hình thành các tụ điểm công - thương nghiệp - dịch vụ ở nông thôn.

Hình thành và phát triển nhanh các cụm liên kết sản xuất nông, lâm, nghiệp kỹ thuật cao nhằm tạo ra các sản phẩm có thương hiệu. Cần xác định lợi thế tương đối của vùng, đặc thù, khả năng cạnh tranh để tổ chức tập hợp nông dân trong vùng để xây dựng thành cụm liên kết sản xuất nông nghiệp kỹ thuật cao có khả năng tạo ra những sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân nông nghiệp nông thôn. Mặc dù sản xuất ở qui mô nhỏ gắn với kinh tế hộ gia đình, nhưng lưu thông phải từng bước trở thành lưu thông lớn mới mở rộng quy mô sản xuất và thực hiện chuyên môn hoá. Vì thế, cần có các chủ thể trung gian cần thiết hỗ trợ cho chủ thể trung tâm của thị trường nông thôn là hộ gia đình.

Các hợp tác xã cùng với thương nhân, các hộ nông nhàn hình thành một mạng lưới kinh doanh đa dạng, vừa cạnh tranh, vừa hợp tác với nhau, trong đó các doanh nghiệp đóng vai trò là chủ thể chính của kênh mua buôn, bán buôn các tư liệu sản xuất quan trọng và các nông phẩm chủ yếu phục vụ tiêu dùng tập trung, sản xuất công nghiệp và xuất khẩu. Như vậy, việc xây dựng và phát triển các cụm kinh tế - thương mại - dịch vụ gồm nhiều chủ thể kinh doanh với các hình thức sở hữu đa dạng được xem là khâu hết sức quan trọng trong việc tổ chức lại thị trường nông thôn miền núi, vùng cao, biên giới phía Bắc. Nhanh chóng hình thành một lớp doanh nhân kiểu mới - doanh nhân nông, lâm nghiệp, loại hình doanh nghiệp mới cả về quy mô lẫn chất lượng. Thương mại và thị trường nông thôn, miền núi, vùng cao, biên giới phía Bắc phát triển sẽ góp phần tạo nên diện mạo mới cho nông thôn./.

 

Đặng Hiếu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực