Phát triển vượt bậc từ cải cách hành chính

Thứ hai, 18/02/2019 10:04
(ĐCSVN) - Thái Nguyên đặt mục tiêu xây dựng địa phương thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, đi đầu trong vùng trung du và miền núi phía Bắc, tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững với những sản phẩm chủ lực chất lượng cao.

Thái Nguyên trước cơ chế thu hút đầu tư


Lễ động thổ đường Bắc Sơn kéo dài tại Thái Nguyên vào tháng 7/2018. Tuyến đường này giúp
tăng trưởng du lịch của tỉnh. (Ảnh: UBND tỉnh Thái Nguyên cung cấp).

Tỉnh Thái Nguyên giai đoạn từ năm 1993 - 2011, mỗi năm chỉ thu hút chỉ đạt từ 1 đến 2 dự án đầu tư mỗi năm. Cả giai đoạn này, toàn tỉnh chỉ có 23 dự án với tổng vốn đầu tư gần 107 triệu USD. Trước thực trạng này, lãnh đạo Đảng bộ, Tỉnh uỷ tỉnh Thái Nguyên đã họp bàn, quyết định đưa ra định hướng phát triển để Thái Nguyên không bị tụt lại phía sau so với cả nước.

Tại các cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã phân tích, nhận định: Tỉnh thái Nguyên có địa bàn có nhiều tiềm năng về vị trí địa lý, mạng lưới giao thông hợp lý, thuận lợi, có nhiều cơ sở giáo dục - đào tạo nhân lực chất lượng cao, có tiềm năng du lịch, đất đai tương đối bằng phẳng, tài nguyên khoáng sản phong phú. Vì vậy, tập thể lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã đồng thuận giải pháp phát triển trước tiên là cần đẩy mạnh chính sách thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Giải pháp đột phá thu hút vốn cho tỉnh Thái Nguyên

Nhằm thu hút các nhà đầu tư, tỉnh Thái Nguyên xác định nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, mang lại sự tin tưởng, an tâm cho các nhà đầu tư và hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp. Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đề cao hàng đầu vai trò chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền gắn với trách nhiệm của mỗi cá nhân; từng bước yêu cầu các cấp, ngành, địa phương đánh giá đúng thực trạng cải cách hành chính. Cụ thể: Tiến hành công khai, minh bạch 100% các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyểt, giúp các tổ chức cá nhân hiểu rõ, tiện liên hệ làm việc. Niêm yết công khai các qui định, thủ tục hành chính, giấy tờ, hồ sơ, mức phí và thời gian giải quyết các đầu việc tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính của UBND thành phố và cổng thông tin điện tử phục vụ việc tra cứu của mọi đối tượng.

Đột phá trong cải cách hành chính, đẩy mạnh cơ chế một cửa liên thông

Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên chủ động đối thoại với doanh nghiệp và công  nhân
về những vấn đề còn vướng mắc (Ảnh: UBND tỉnh Thái Nguyên cung cấp).

Thái Nguyên cũng triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông thông suốt các cấp. Qui trình giải quyết tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính của thành phố được thực hiện qua hệ thống tự động, trang bị phần mềm nối mạng nội bộ. Chất lượng công tác tại bộ phận ngày càng hoàn thiện và nâng cao; mạnh dạn đầu tư, triển khai và nâng cấp hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc đến cán bộ, công chức, viên chức 100% cơ quan. Từ Ủy ban Nhân dân Thành phố Thái Nguyên đến 32 xã, phường được kết nối liên hệ thống một cửa, một cửa liên thông tới UBND thành phố và dịch vụ công của tỉnh.

Tỉnh Thái Nguyên thực hiện việc công bố kết quả khảo sát mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên mọi địa bàn xã, phường trong tỉnh. Được biết, việc kiểm tra được thực hiện nghiêm túc và đồng nhất; kịp thời chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương cho cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước; nâng cao hiệu quả cải cách hành chính chung của toàn tỉnh. Thái Nguyên đã kết hợp với bưu điện, triển khai 34 thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, mang lại sự tiện lợi và giảm tối đa thời gian, chi phí đi lại cho doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân. Nhằm tạo sự đồng bộ, tỉnh đã đầu tư xây dựng mạng truyền số liệu chuyên dùng cho cơ quan Đảng, Nhà nước để kết nối giữa các cấp, ngành; xây dựng hệ thống thư điện tử cho 100% cơ quan, đơn vị nhà nước; ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào hoạt động tác nghiệp, quản lý, điều hành.

Bên cạnh đó, tỉnh thường xuyên đánh giá tiến độ, kiểm tra, giám sát thực hiện kế hoạch cải cách hành chính, đặc biệt đối với việc giải quyết thủ tục hành chính của các tổ chức, cá nhân. Triển khai, áp dụng chỉ số đánh giá cải cách hành chính đối với các đơn vị, địa phương công khai, khách quan để kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh, khắc phục. Đẩy mạnh kiểm tra, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, cắt giảm và nâng cao các thủ tục hành chính trong toàn bộ các lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là những thủ tục liên quan tới người dân và doanh nghiệp. Xây dựng cơ chế khuyến khích tập thể, cá nhân có sáng kiến, hiến kế cải cách hành chính. Liên tục đẩy mạnh tuyên truyền về cải cách hành chính trên các phương tiện truyền thông theo từng thời điểm để lãnh đạo, công chức, viên chức và nhân dân nhận thức rõ hơn về vai trò, mục tiêu, ý nghĩa, sự cần thiết của việc cải cách hành chính. Tích cực triển khai, áp dụng chính quyền điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước; kịp thời hướng dẫn, tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến cấp độ 3,4 ở các lĩnh vực: tư pháp, nội vụ, lao động thương binh xã hội, giáo dục đào tạo, công thương, quản lý đô thị.

Song song với các biện pháp trên, Thái Nguyên còn thường xuyên đổi mới, sắp xếp bộ máy chính quyền tinh gọn, hoạt động hiệu quả; đồng thời, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực của lãnh đạo, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới. Định kỳ tổ chức các cuộc họp Ban chỉ đạo cải cách hành chính, tăng cường giải pháp và cải thiện chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh. Công bố kết quả khảo sát mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên mọi địa bàn xã, phường trong tỉnh. 

Những thành tựu đáng ghi nhận

Trung tâm thành phố Thái Nguyên (Ảnh UBND thành phố Thái Nguyên cung cấp)

Năm 2017, Bộ Nội vụ đã công bố chỉ số cải cách hành chính của Thái Nguyên đứng thứ 30/63 tỉnh, thành phố, tăng 24 bậc so với năm 2016 với nhiều nội dung, tiêu chí được cải thiện đáng kể và được lọt vào top 10 như: Công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính, xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản qui phạm pháp luật, hiện đại hoá hành chính,... Đặc biệt, tỉnh được xếp thứ 3 về chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính. Trong đó, nhiều tiêu chí được đánh giá cao: thủ tục hành chính được niêm yết công khai, minh bạch; kết quả giải quyết hồ sơ đúng quy định; công chức thực hiện đúng quy định trong giải quyết công việc,...

Cải cách thủ tục hành chính ở Thái Nguyên cho đến nay luôn được đánh giá là khâu đột phá, mang lại những hiệu quả lớn trong việc thu hút các nhà đầu tư, đạt bước tiến dài trong quá trình phát triển kinh tế. Thời điểm hiện tại, Thái Nguyên đang đứng thứ 7 trên bảng xếp hạng CPI cả nước (năm 2011 đứng thứ 57/63), thuộc top 10 bảng xếp hạng các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất và đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng các tỉnh miền núi phía Bắc. Phát huy những kết quả đã đạt được, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên luôn xác định cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm mỗi năm. 

Kết thúc năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thái Nguyên đạt 10,44%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 679.000 tỷ đồng. Giá trị xuất khẩu đạt trên 25 tỷ USD - đứng đầu vùng trung du miền núi phía Bắc và trong top đầu của cả nước. Thu ngân sách đạt trên 15.000 tỷ đồng. Tổng sản phẩm trong tỉnh bình quân đầu người đạt 77,7 triệu đồng/người/năm...

Để đạt được thành tích này, trong thời gian qua, Thái Nguyên đã triển khai đồng bộ và quyết liệt nhiều biện pháp, trong đó không thể không nói tới nỗ lực cải cách thủ tục hành chính nhằm trải thảm đỏ thu hút các nhà đầu tư và đem lại hiệu quả kinh doanh cho các doanh nghiệp trên địa bàn.

Thực tế rõ ràng tại tỉnh Thái Nguyên đã chứng minh, cùng với các chính sách về cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư,... thì cải cách hành chính là một động lực, yếu tố quan trọng để thu hút các nhà đầu tư đến với Thái Nguyên, góp phần quan trọng đưa địa phương đạt mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, đi đầu trong vùng trung du và miền núi phía Bắc; là trung tâm của vùng về công nghiệp, dịch vụ, nhất là dịch vụ giáo dục - đào tạo, du lịch; tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững với những sản phẩm chủ lực chất lượng cao./.

Hồng Nhung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực