Phối hợp chặt chẽ, linh hoạt chính sách tài khóa và tiền tệ

Thứ tư, 08/05/2019 15:38
(ĐCSVN) - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh: Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô...

Sáng 8/5, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước tổ chức “Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng 2019” với chủ đề “Để ngân hàng Việt vươn xa”.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngay từ đầu năm, các ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN) đã chủ động giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ với mức giảm phổ biến khoảng 0,5%/năm. Tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước. Đặc biệt, thời gian qua, NHNN đã chủ động triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng sản xuất và tiêu dùng, triển khai nhiều giải pháp căn cơ, quyết liệt góp phần đẩy lùi tín dụng đen.

Hình ảnh tại Diễn đàn (Ảnh: M.P).

Với các giải pháp, nỗ lực của ngành ngân hàng, thời gian qua, vốn tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) cơ bản đã đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống cho người dân, doanh nghiệp, là kênh dẫn vốn chủ yếu cho nền kinh tế.

Trong 3 tháng đầu năm 2019, dư nợ tín dụng nền kinh tế tiếp tục tăng khoảng 3,19% so với cuối năm 2018. Nguồn vốn tín dụng được đẩy mạnh tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Bên cạnh đó, công tác tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục có những kết quả tích cực. Các chủ trương, chính sách thanh toán của Chính phủ và NHNN về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đã được hệ thống ngân hàng triển khai mạnh mẽ. Hành lang pháp lý về lĩnh vực thanh toán tiếp tục hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và sử dụng an toàn, hiệu quả các loại hình phương tiện và dịch vụ thanh toán mới. Các chương trình giáo dục tài chính như “Tiền khéo, tiền khôn” được triển khai tích cực, hiệu quả, qua đó nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp….

Đánh giá bức tranh tổng quan về điều hành chính sách tiền tệ, ông Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định: Điểm sáng của ngành ngân hàng trong năm 2018 chính là ổn định vĩ mô lạm phát tăng trưởng; lãi suất tỉ giá ổn định trong bối cảnh cuối 2017 đầu năm 2018, tỉ giá chịu áp lực lớn từ tình hình quốc tế lẫn một phần trong nước.

Ông Thành cho rằng, NHNN là điều hành chính sách tiền tệ thông minh; phối hợp với Bộ Tài chính phát hành trái phiếu chính phủ nhuần nhuyễn hơn. Điểm đặc biệt 2018 là NHNN đã khéo léo trong việc đáp ứng thanh khoản và ổn định lãi suất liên ngân hàng để bảo vệ tỉ giá nhưng không gây biến động tới lãi suất trên thị trường.

Tuy nhiên, theo ông Thành, trước mắt NHNN vẫn còn thách thức. “Ba điều NHNN cần làm là tăng sự chủ động; ổn định kỳ vọng; kết hợp với sự khéo léo trong sử dụng các công cụ tiền tệ trơn tru, linh hoạt, khéo léo để ứng xử” - ông Thành chia sẻ.

Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương Võ Trí Thành cũng nhận định, năm nay áp lực tỉ giá vẫn lớn, có vẻ có xu hướng tăng khi cuộc chiến tiền tệ chưa tới hồi kết. Kinh tế thế giới có thể giảm tốc nhưng giá dầu vẫn tăng, đây là nghịch lý. Bên cạnh đó, có những yếu tố tích cực như: dự trữ ngoại tệ tăng; cán cân thanh toán quốc tế dương do dòng vốn vào Việt Nam khá tích cực... Nhìn tổng thể, lạm phát khoảng 4%; cách ứng xử của NHNN linh hoạt trong sử dụng công cụ và cách điều hành tỉ giá trung tâm...

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cũng bày tỏ sự lạc quan, đồng thời lưu ý, kiểm soát lạm phát đang rất khó khăn nên cần coi đây là vấn đề trọng tâm. Cần tranh thủ thu hút đầu tư nước ngoài, tăng trưởng xuất khẩu để ổn định kinh tế vĩ mô...

Ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cũng khẳng định: Thanh khoản của ngân hàng không căng thẳng vì chính sách tài khóa phối hợp nhịp nhàng cùng chính sách tiền tệ. Dư địa chính sách tài khoá giảm đi do trần nợ công, vai trò chính sách tiền tệ ngày càng lớn. Thời gian qua, số dư kho bạc nhà nước đặt ra một số vấn đề cho NHNN, yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ giữa kho bạc và NHNN. Thời gian tới, NHNN sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, đặc biệt là kho bạc.

Ngoài Phiên thảo luận về "Bức tranh tổng quan về điều hành chính sách tiền tệ" tại “Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng 2019” còn diễn ra 2 phiên thảo luận: “Củng cố nội lực” xoay quanh nội dung: Hệ thống ngân hàng cần làm gì để củng cố về tài chính, con người, chuẩn bị cho sự phát triển trong tương lai và  “Hướng tới tương lai” với nội dung về Chiến lược phát triển ngành ngân hàng 5 năm tới…./.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực