Phù Yên sản xuất gạo theo hướng hữu cơ liên kết chuỗi giá trị

Chủ nhật, 22/03/2020 09:07
(ĐCSVN) - Từ bao đời nay, những người nông dân vùng Tây Bắc đã thuộc lòng câu “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Uyên, tứ Tấc”. Không chỉ bởi đây là những vựa lúa lớn của vùng Tây Bắc, mà còn bởi gạo ở những nơi này cho hạt cơm dẻo ngon nức tiếng. Lúa gạo trên cánh đồng Mường Tấc của huyện Phù Yên (tỉnh Sơn La) là một trong số đó.

Hình thành vùng sản xuất lúa gạo hữu cơ ổn định, an toàn

 Mường Tấc là cánh đồng sản xuất lúa nước lớn nhất tỉnh Sơn La, đứng thứ tư vùng Tây Bắc. Cánh đồng Mường Tấc nằm ở huyện Phù Yên với diện tích thâm canh lúa nước 2 vụ trên 4.650 ha/năm. Trong đó, địa bàn xã Quang Huy và Huy Tân có diện tích cấy lúa nước tương đối lớn, liền vùng, liền khoảnh, hệ thống thủy lợi đảm bảo đủ nước tưới tiêu, người nông dân giàu kinh nghiệm trong canh tác lúa nước.

leftcenterrightdel
Cán bộ kỹ thuật nông nghiệp khảo sát, kiểm tra vùng Dự án.

Những năm gần đây, sản xuất lúa gạo của huyện Phù Yên nói chung và trên địa bàn 2 xã nói riêng, có bước phát triển mạnh mẽ và đạt được những thành tựu đáng kể về năng suất, sản lượng, chủng loại, quy mô sản xuất..., đảm bảo tiêu dùng trong và ngoài huyện.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đang đứng trước một số thách thức về ô nhiễm môi trường; đất đai bạc màu; suy giảm đa dạng sinh học; bùng phát sâu bệnh hại do phá hủy hệ sinh thái xuất phát từ việc sử dụng quá nhiều thuốc Bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học... Do vậy, huyện Phù Yên đã triển khai "Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm gạo theo hướng hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm" trong thời gian 02 năm 2019-2020.

Theo đó, Dự án được thực hiện tại 02 xã (Quang Huy, Huy Tân) với quy mô 210 ha; năm 2019 thực hiện 130 ha (Quang Huy, 105 ha, Huy Tân, 25 ha) với sự tham gia của gần 1.100 hộ; năm 2020 thực hiện 80 ha tại xã Quang Huy với 245 hộ tham gia. Các hộ tham gia Dự án được đầu tư giống, phân bón hữu cơ; được tập huấn kỹ thuật trước khi giao giống, phân bón; được tư vấn kỹ thuật trực tiếp từ khi gieo mạ đến khi thu hoạch; được ký kết bao tiêu sản phẩm…

Để xây dựng thành công dự án, hình thành nên vùng sản xuất lúa gạo hữu cơ ổn định, an toàn, gắn với chuỗi giá trị sản phẩm theo quy trình sản xuất lúa gạo theo hướng hữu cơ, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Dự án đưa vào cấy các dòng lúa thuần chất lượng cao có đặc tính chống sâu bệnh và đã được công nhận chính thức như Đài Thơm 8, BC15... Đồng thời, định lượng chi tiết việc sử dụng dòng phân bón hữu cơ vi sinh cho từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của giống lúa. Về thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng các dòng thuốc sinh học, thảo mộc để phòng trừ sâu, bệnh hại lúa.

 Gia tăng giá trị cho lúa gạo, tái tạo môi trường sinh thái

 Bà Cầm Thị Ngân, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Quang Huy cho biết: các hộ được chọn tham gia thực hiện dự án phải đảm bảo diện tích tối thiểu 500 m2 trở lên, liền vùng, liền thửa; có khả năng lao động, đầu tư, đối ứng giống, vật tư, phân bón. Khi tiến hành gieo trồng, chăm sóc phải theo đúng quy trình kỹ thuật được tập huấn dưới sự kiểm tra giám sát chặt chẽ của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện; cán bộ kỹ thuật tư vấn trực tiếp tại hiện trường theo phương pháp "cầm tay, chỉ việc" cho các hộ tham gia Dự án kể từ khi gieo mạ đến khi thu hoạch.

Đặc biệt, trong sản xuất lúa hữu cơ, không sử dụng thuốc trừ cỏ nên việc làm kỹ đất trước khi gieo cấy là khâu rất quan trọng nhằm hạn chế cỏ dại, do đó, cán bộ kỹ thuật luôn bám sát đồng ruộng, theo dõi, phát hiện sâu, bệnh hại trên lúa và khuyến cáo bà con sử dụng các dòng thuốc sinh học, thảo mộc; cũng như trực tiếp giám sát, cung ứng đúng thuốc đúng bệnh theo nguyên tắc "4 đúng" trong bảo vệ thực vật. 

leftcenterrightdel

Hiệu quả kinh tế của Dự án phát huy hiệu quả rõ rệt, góp phần gia tăng giá trị

cho sản phẩm và thu nhập cho bà con .

Là một trong 10 hộ đầu tiên xung phong thí điểm sản xuất lúa hữu cơ, dưới góc nhìn của một nông dân giàu kinh nghiệm, ông Hà Văn Ắng, Trưởng bản Búc, xã Quang Huy chia sẻ: ”Chỉ sau 01 vụ thí điểm thấy sản lượng và công chăm bón cũng tương đương như trước, nhưng chất lượng gạo ngon hơn, bán được giá hơn và đặc biệt ruộng đất thì mềm hẳn không còn cứng như trước (do dùng nhiều phân hóa học –NV) và rong rêu, ốc ếch, tôm cá rủ nhau tìm về; thấy được lợi ích cho gia đình và môi trường, nên cả bản có 67 hộ làm nông nghiệp thì có đến 65 hộ hăng hái tham gia sản xuất lúa hữu cơ”.

 Được biết, với phương thức cấy thưa, chăng dây thẳng hàng theo phương pháp SRI (ô vuông, mắt sàng) nên cây lúa khỏe mạnh, sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh và thuận tiện cho bà con làm cỏ, sục bùn, chăm bón bằng tay; đồng thời giảm được khá nhiều chi phí mua lúa giống.

 Theo đánh giá của ngành nông nghiệp Sơn La, hiệu quả kinh tế của mỗi ha tham gia Dự án sau khi trừ đi chi phí đã phát huy hiệu quả rõ rệt, mỗi ha cho thu nhập khoảng 30,5 triệu đồng/năm (tăng 20%), góp phần làm gia tăng giá trị cho sản phẩm, tăng việc làm và thu nhập cho bà con; đồng thời phục hồi các loài côn trùng và vi sinh vật có lợi cho đất, đưa nông nghiệp phát triển bền vững./.

Phạm Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực