Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn liền với chuỗi giá trị

Thứ ba, 06/12/2016 23:57
(ĐCSVN) – Ngày 6/12 tại Hà Nội, Tổng cục Lâm nghiệp (TCLN) phối hợp với Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) và Liên minh đất rừng (FORLAND) tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004 sửa đổi.

Quang cảnh Hội thảo - Ảnh: HNV

Thực tế cho thấy luật Bảo vệ và phát triển rừng ban hành năm 2004 đã có tác động tích cực đến việc bảo vệ và phát triển rừng  cũng như đời sống của người dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng đã bộc lộ một số điểm cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với những diễn biến thực tế hiện nay. Thời gian qua, TCLN đã được Chính phủ ủy quyền xây dựng dự thảo Luật (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua vào cuối năm 2017 để thay thế Luật cũ đang hiện hành. Hiện, dự thảo (lần 2) của luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) đã được TCLN xây dựng xong, chuẩn bị trình Bộ Tư pháp và Chính phủ cho ý kiến vào cuối năm 2016 trước khi trình Quốc hội xem xét.

Xuất phát từ thực tế đó, Liên minh đất rừng FORLAND đã tiến hành nhiều nghiên cứu, tham vấn cộng đồng về tình hình thực thi luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004 liên quan đến hộ gia đình và cộng đồng.  Mục tiêu của các nghiên cứu, tham vấn này là nhằm thu thập các bằng chứng từ cộng đồng để xây dựng các khuyến nghị chính sách gửi đến TCLN và các nhà hoạch định chính sách nhằm điều chỉnh, bổ sung cho dự thảo Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi). Ngoài ra, bên cạnh FORLAND thì cũng có rất nhiều tổ chức, chuyên gia như RECOFTC, PanNature… đã và đang xây dựng các khuyến nghị chính sách cho dự thảo Luật.

Đây là Hội thảo thứ ba sau hai Hội thảo tổ chức tại Quảng Nam và Kon Tum trong năm 2016 - Ảnh: HNV

Theo TS Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, trong bối cảnh hiện nay, cần nhìn nhận việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong một chuỗi giá trị của ngành lâm nghiệp, việc bảo vệ và phát triển rừng chỉ là một trong các khâu của cả chuỗi gồm: trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm từ rừng và lâm sản ngoài gỗ, bảo tồn đa dạng sinh học, giá trị môi trường của rừng… Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật  bảo vệ và phát  triển rừng 2004 cần tập trung để đảm bảo sự phát triển bền vững và tăng trưởng xanh.

Đa số các ý kiến phát biểu tại Hội thảo như GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; TS Trương Quang Hoàng, Đại học Nông lâm Huế; ông Phan Đình Nhã, Trung tâm tư vấn quản lý bền vững tài nguyên và phát triển văn hóa cộng đồng Đông Nam Á; ông Lương Quang Hùng, Trung tâm vì con người và rừng (RECOFTC Việt Nam), GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, Viện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng; TS Hứa Đức Nhị, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn… đều đồng tình cao với việc đề xuất cần thiết phải đổi tên Luật thành Luật Lâm nghiệp vừa ngắn gọn, vừa có phạm vi bao quát các nội dung liên quan tới ngành lâm nghiệp nói chung, trong đó có nội dung bảo vệ và phát triển rừng.

Các đại biểu cũng nhất trí luật Bảo vệ và phát triển rừng là một luật rất quan trọng trong đời sống xã hội, liên quan tới phát triển kinh tế lâm nghiệp, yêu cầu bảo vệ môi trường ở tầm quốc gia và quốc tế cũng như thực thi xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Đây cũng là luật ảnh hướng tới sử dụng đất rừng có hiệu quả và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

“Tôi cho rằng, việc sửa đổi Luật cần xác định quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với lợi ích của chủ rừng, của cộng đồng và của chính nhà nước. Đặc biệt, rừng thuộc sở hữu tư nhân cần phải được phân biệt thật sự rõ ràng. Hơn nữa, cũng cần làm rõ nội hàm của “ quyền sử dụng rừng” và chuyển sang khái niệm “quyền hưởng dụng rừng” cũng như các quy định cụ thể về quản trị rừng, về nâng cấp các công cụ quản lý gồm: pháp lật, quy hoạch tài chính và hành chính liên quan tới rừng nói riêng và lâm nghiệp nói chung” – GS.TSKH Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

Theo ông Cao Chí Công, Hội chủ rừng Việt Nam, việc sửa đổi, bổ sung cần làm thế nào để người sống ở rừng thực sự được hưởng lợi từ rừng và gắn bó với rừng. “Sau 12 năm thực hiện, luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004 hiện nay đã trở thành “cái áo quá chật” với thực tế phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Do đó, đề nghị xem xét chi tiết kết cấu, bố cục cũng như nhìn nhận trong mối quan hệ với các luật khácnhư luật Đất đai, luật Bảo vệ môi trường, luật Đầu tư cùng các luật có liên quan để luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004 sửa đổi thực sự đáp ứng được đòi hỏi của tình hình mới"– ông Công nói.

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực