Sâm Ngọc Linh cải thiện đời sống người dân vùng cao

Thứ ba, 11/04/2017 17:13
Sau khi được Chính phủ thống nhất thông qua Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) đến năm 2030, công tác bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) ngày càng phát triển mạnh.

Sâm Ngọc Linh cải thiện đời sống người dân vùng cao. Ảnh: TTXVN

Các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương đã vào cuộc một cách quyết liệt, đem lại nhiều kết quả quan trọng, góp phần thay đổi nhận thức người dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Nam Trà My là huyện miền núi, nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Quảng Nam, cách tỉnh lỵ khoảng 100 km, có tổng diện tích tự nhiên là 82.253 ha, dân số 28.260 khẩu/6.692 hộ và là nơi sinh sống của đồng bào Cadong, Xêđăng, Bh’nông, Kinh cùng các dân tộc anh em khác. Đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện chung sống xen kẽ với nhau, có truyền thống bám đất giữ rừng, cần cù lao động, đoàn kết, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau.

Ở độ cao trung bình khoảng 1.000m đến 1.500m so với mực nước biển, lượng mưa trải đều trong các tháng và tập trung nhiều nhất từ tháng 10 đến tháng 12 trong năm, cường độ chiếu sáng khá dồi dào, độ ẩm không khí cao, đất đai màu mỡ và đặc biệt tầng đất mặt của rừng ít bị bào mòn nên rất thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, nhất là đối với cây dược liệu. Hiện tại, cây dược liệu ở huyện Nam Trà My rất phong phú và đa dạng như: quế Trà My, đẳng sâm (sâm nam), sâm quy, giảo cổ lam, lan kim tuyến (lan gấm), sơn tra, sa nhân…, nhất là cây sâm Ngọc Linh được người dân các xã trên địa bàn huyện Nam Trà My trồng, góp phần quan trọng vào việc xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững.

Xác định được tầm quan trọng của việc phát triển cây sâm Ngọc Linh và để bảo tồn nguồn giống cây sâm Ngọc Linh phục vụ cho việc phát triển vùng sâm nguyên liệu, góp phần hạn chế việc phá rừng làm suy giảm môi trường thiên nhiên, năm 2012, HĐND huyện Nam Trà My đã thông qua Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐND ngày 27/12/2012 về Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh giai đoạn 2013-2020. Trên cơ sở đó, từ các nguồn vốn khác nhau như Nghị quyết 30a, Chương trình 135 giai đoạn 2, Chương trình xây dựng nông thôn mới... đã tập trung đầu tư phát triển cây sâm Ngọc Linh ở 3 xã Trà Nam, Trà Linh và Trà Cang.

Lãnh đạo huyện Nam Trà My đã triển khai công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đổi mới phương thức sản xuất, thời vụ trồng cây sâm con từ tháng 10 đến tháng 11 (lúc cây ngủ đông) sang trồng vào tháng 7 và tháng 8 hàng năm, làm tăng tỷ lệ sống của cây con lên trên 30%. Cùng với đó, huy động nguồn vốn của Nhà nước hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ khó khăn người dân tộc thiểu số đầu tư trồng, phát triển cây sâm Ngọc Linh tại các xã như Trà Nam, Trà Linh và Trà Cang…

Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, cây sâm Ngọc Linh hiện được phát triển tại 7/10 xã của tỉnh Quảng Nam, bước đầu đã cho kết quả rất khả quan, tỷ lệ cây sống đạt trên 70%. Huyện đã triển khai xây dựng phương án cung ứng môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh cho nhân dân trên địa bàn; trong đó, có 39 nhóm và trên 900 hộ đăng ký, với tổng diện tích hơn 1.133 ha. Các tổ chức tín dụng cũng tập trung nguồn vốn cho vay đối với những hộ gia đình trồng sâm Ngọc Linh. Hiện đã có hơn 50 tỷ đồng được giải ngân cho gần 600 hộ vay vốn...

Theo đánh giá của chính quyền cơ sở, nhận thức của người dân vùng núi cao Nam Trà My đã được thay đổi rõ rệt. Họ đã biết giữ rừng để trồng sâm Ngọc Linh. Các hộ dân đã biết tận dụng diện tích đất dưới tán rừng. Đồng thời, biết cách sử dụng nguồn vốn vay để đầu tư trồng sâm; đã có hộ vay vốn đến hàng trăm triệu đồng để đầu tư. Nếu như trước đây số hộ trồng sâm tại 3 xã Trà Nam, Trà Linh và Trà Cang chỉ khoảng 110 hộ, thì đến nay đã có 645 hộ.

Hiện nay, phong trào trồng sâm Ngọc Linh trong nhân dân trên địa bàn huyện Nam Trà My đang phát triển ngày càng mạnh mẽ; đ ời sống người dân đã dần ổn định. Nhiều hộ nghèo đã vươn lên trở thành hộ khá, hộ giàu và bộ mặt nông thôn miền núi ngày càng khởi sắc nhờ phát triển sâm Ngọc Linh.

Ông Nguyễn Hoàng Thọ, trú xã Trà Mai, huyện Nam Trà My là người tham gia trồng sâm Ngọc Linh cho biết, trước đây, bà con cứ mạnh ai nấy chặt cây, phá rừng hay trồng sâm tự phát, không theo quy hoạch; nay nhận thức của người dân đã thay đổi với quan niệm “muốn trồng sâm thì phải giữ rừng”. Từ đó, nạn chặt phá rừng cũng giảm thiểu đáng kể.

Nhìn chung, bộ mặt kinh tế - xã hội của huyện Nam Trà My cũng như đời sống người dân ngày càng đổi khác. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 giảm 4,66% so với năm 2015. Hy vọng rằng, với những bước đi đúng đắn, cây sâm Ngọc Linh sẽ là cây thoát nghèo bền vững, giúp cho nhân dân vùng núi cao – vùng căn cứ cách mạng vươn lên làm giàu từ chính trên mảnh đất quê hương mình./.

Nguyễn Sơn/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực