Sẵn sàng đón khách quốc tế trở lại

Thứ sáu, 05/06/2020 22:01
(ĐCSVN) – Nhờ kiểm soát tốt dịch COVID-19, Việt Nam được dự báo sẽ là một trong những điểm đến hấp dẫn sau dịch. Chính bởi vậy, bên cạnh việc dốc toàn lực khôi phục thị trường nội địa, ngành Du lịch đang chuẩn bị những điều kiện thiết yếu để sẵn sàng đón khách quốc tế trở lại.

Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn

Việt Nam đang có nhiều lợi thế khi là một quốc gia kiểm soát thành công dịch COVID-19 sớm nhất, được các nước trên thế giới đánh giá rất cao. Và đây chính là yếu tố để Việt Nam ghi thêm nhiều điểm cộng đối với du khách quốc tế. Trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, nước nào khống chế được dịch sớm và có thể phục hồi nhanh sau dịch sẽ chứng minh là quốc gia có Chính phủ đặt sức khỏe và phúc lợi của người dân lên trên hết. Và đó sẽ là những điểm đến an toàn hàng đầu được du khách quốc tế quan tâm lựa chọn sau khi cả thế giới vừa phải đương đầu với trận đại dịch với quá nhiều tổn thất cả về kinh tế và con người.

Việc Việt Nam đang trở thành tấm gương điển hình về phòng, chống dịch trên thế giới sẽ tạo ra lợi thế so sánh tương đối lớn với những nước được đánh giá là khá tương đồng về tài nguyên trong khu vực, mang đến sức mạnh cạnh tranh cho thương hiệu du lịch Việt Nam để trở thành điểm đến thu hút khách khi dịch bệnh được đẩy lùi. Bên cạnh đó, việc những du khách nước ngoài chia sẻ cảm giác yên tâm khi ở lại Việt Nam ngay trong mùa dịch cũng là kênh lan tỏa, khẳng định Việt Nam luôn là điểm đến an toàn, thân thiện, mến khách.

Phó chủ tịch Công ty đầu tư Lodgis Hospitality Holdings Craig Douglas cho rằng, Việt Nam đang ở vị thế tốt vì thành công trong việc kiểm soát COVID-19. "Thế giới cần biết thông điệp này, cần định vị Việt Nam như một thiên đường an toàn. Việc chúng ta hành động tức thì là quan trọng. Khởi động các chiến dịch marketting càng nhanh càng tốt", ông Craig Douglas khẳng định.

Theo ông Craig Douglas, Việt Nam cần có những chính sách rõ ràng, cần làm sao để hỗ trợ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, các lĩnh vực liên quan..., để kích thích tăng trưởng kinh tế. "Thị trường trong nước, khu vực châu Á không thể phục hồi nhanh, nhưng có thể từng bước mở cửa để bảo đảm Việt Nam là điểm đến an toàn", ông nói.

 
 Việt Nam là điểm đến của đông đảo du khách quốc tế. (Ảnh: HL)

Đánh giá cao tiêu chí an toàn, ông Kenneth Atkinson, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) cho rằng, các du khách quốc tế có thể quay trở lại Việt Nam chỉ với điều kiện chúng ta tiếp đón họ an toàn. Điều này cũng giúp người dân loại bỏ rủi ro lây nhiễm qua cộng đồng. Hiện tại, nhiều quốc gia ở châu Âu tạo bong bóng du lịch bằng cách liên kết với nhau để thúc đẩy du lịch quốc tế. Vì vậy, Việt Nam cũng có thể thu hút du khách quốc tế nhanh và đơn giản bằng cách tạo ra "bong bóng du lịch" cho riêng mình. "Bong bóng du lịch" có thể hiểu là những tuyến du lịch đến những địa điểm gần, dễ dàng truy dấu hoặc phong tỏa trong trường hợp có người lây nhiễm. Khái niệm này tương đương với du lịch khoanh vùng, đối tác du lịch chiến lược trong khu vực. Chúng ta phải tạo ra điểm đến an toàn, miễn thị thực với một số quốc gia nhất định...

Với tư cách là một người nước ngoài, ông Christophe Lajus - Giám đốc khối kinh doanh khách sạn và du lịch, Tập đoàn BRG cho biết, ông rất vui khi Việt Nam là điểm đến an toàn. Đây cũng là thông điệp chính để giới thiệu Việt Nam với khách quốc tế. Ngành Du lịch Việt Nam nên truyền tải thông điệp này tới các du khách trong nước và nước ngoài. Bên cạnh đó, Chính phủ có thể đưa ra gói hỗ trợ truyền thông mạnh mẽ hơn như hàng ngày, du khách đều có thể tới thăm các điểm đến lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội... Để quảng bá thành công, Chính phủ phải gia tăng mục tiêu an toàn, giải pháp tại chỗ để du khách yên tâm khi tới Việt Nam.

Lên kế hoạch sẵn sàng đón khách quốc tế

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Trùng Khánh, dịch COVID-19 ở nước ta đã cơ bản được khống chế nhưng ngành Du lịch vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đẩy mạnh du lịch nội địa và mở cửa du lịch quốc tế khi đảm bảo điều kiện cho phép. Trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ chủ trì, xây dựng kế hoạch, thời điểm mở lại thị trường quốc tế. Để làm được điều đó, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, cần chuẩn bị lộ trình, cách thức tiếp cận các thị trường quốc tế đảm bảo hiệu quả cao nhất. Trước hết có thể chuẩn bị đón khách quốc tế từ các thị trường có khả năng tăng trưởng cao như Trung Quốc, Hàn Quốc... cũng như một số thị trường có đủ điều kiện như Australia, New Zealand...

Tổng cục Du lịch cũng đã chuẩn bị các kịch bản đón khách quốc tế. Theo đó, nếu đến thời điểm tháng 9/2020 dịch bệnh được khống chế ở một số thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam, thì ngành Du lịch sẽ xem xét kiến nghị Chính phủ nới lỏng các hạn chế. Đồng thời, du lịch Việt Nam tái khởi động hoạt động quảng bá, xúc tiến thu hút khách quốc tế đến… Những thị trường gần trong khu vực ASEAN và Đông Bắc Á sẽ là những thị trường khách quốc tế đến đầu tiên. Dự báo, trong quý IV sẽ bước đầu có khách quốc tế đến Việt Nam. Nếu dịch bệnh kéo dài hơn, đến cuối năm sẽ tính đến phương án khác bởi thực tế là đến thời điểm này dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp…

Tổng cục Du lịch cũng đang thực hiện kế hoạch truyền thông về những điểm đến đảm bảo cho du khách, kêu gọi các công ty, doanh nghiệp du lịch, lữ hành... cùng hỗ trợ truyền thông, đưa ra các tiêu chí, điểm đến an toàn; vận chuyển an toàn trên các phương tiện vận tải để người dân giảm bớt cảm giác lo lắng, sợ hãi; đồng thời yêu cầu Sở quản lý du lịch các địa phương, các doanh nghiệp du lịch tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại các khu, điểm du lịch, dịch vụ du lịch và đối tượng tham gia hoạt động du lịch. Trong đó, thực hiện tốt việc đảm bảo an toàn cho khách du lịch, điểm đến và lao động ngành Du lịch, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, không để dịch bệnh lây lan qua đường du lịch.

Trong buổi làm việc với lãnh đạo một số bộ ngành, hiệp hội, các doanh nghiệp du lịch trong bối cảnh ngành du lịch chịu ảnh hưởng rất nặng nề do đại dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh, đối với khách du lịch quốc tế, ngành Du lịch cần theo dõi sát tình hình kiểm soát dịch ở các thị trường lớn, chuẩn bị kế hoạch để sẵn sàng đón khách, nhưng chỉ triển khai khi đã thật sự an toàn. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các hình thức quảng bá trực tuyến, phối hợp xây dựng chương trình quảng bá du lịch Việt Nam gắn với công tác phòng, chống dịch bệnh, chuyển tải đến bạn bè quốc tế thông điệp về một "Việt Nam an toàn".

H.Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực