Sản xuất công nghiệp năm 2010: Nỗ lực ngay từ đầu năm

Thứ ba, 05/01/2010 17:07

  
Dây chuyền chế biến thức ăn gia súc của Công ty Sữa cho tương lai. 
Năm 2010, năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006 - 2010, tỉnh Tuyên Quang đề ra mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP trên 15%, trong đó phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 2.262 tỷ đồng, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 27 triệu USD.

Tại Công ty cổ phần xi măng Tuyên Quang, không khí lao động ngay ngày đầu năm diễn ra sôi động và khẩn trương từ các khâu khai thác vận chuyển đá, đến bộ phận nghiền, lò nung, đóng bao. Tại mỗi bộ phận sản xuất đều có hàng trăm lao động có trang phục bảo hộ, các thao tác của họ đều tập trung bắt nhịp theo guồng quay của dây chuyền. Trên dây chuyền sản xuất, những bao xi măng nối đuôi nhau chạy dài không ngừng nghỉ.

Anh Phạm Hồng Phong, Giám đốc Công ty cho biết, từ đầu tư đổi mới thiết bị dây chuyền sản xuất, công ty chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, tỉnh có cơ chế chính sách khuyến khích nội tiêu sản phẩm xi măng, đã tạo đà cho sản xuất của doanh nghiệp phát triển. Kết quả năm 2009, công ty đã sản xuất trên 280.000 tấn xi măng, đạt 109% kế hoạch, doanh thu đạt 268 tỷ đồng. Bước sang năm 2010, doanh nghiệp tận dụng tối đa công suất thiết bị và nguồn điện năng tập trung vào sản xuất.

Để hoàn thành sản lượng trên 300.000 tấn xi măng trong năm, công ty không chỉ đảm bảo việc làm cho người lao động, mà trọng trách lớn hơn là đáp ứng đủ sản phẩm cung cấp cho thị trường. Cùng với công tác tiếp thị, tiêu thụ sản phẩm, công ty huy động mọi nguồn lực khai thác, dự trữ nguyên liệu, duy tu bảo dưỡng thiết bị dự phòng và cải tiến kỹ thuật để hạ giá thành sản phẩm. Ngay trong ngày đầu tháng 1 này, công ty ước tính mỗi ngày sản xuất và bán ra thị trường 1.200 tấn xi măng, tạo việc làm cho 1.117 lao động tại doanh nghiệp.


Tại Công ty Chế biến thức ăn gia súc thuộc Công ty Sữa cho tương lai - doanh nghiệp duy nhất trong tỉnh sản xuất chế biến thức ăn phục vụ chăn nuôi bò sữa và chăn nuôi lợn. Là doanh nghiệp mới đi vào hoạt động hơn 2 tháng, sản phẩm chế biến thức ăn gia súc theo công nghệ Úc, được đánh giá đạt chất lượng cao và tiêu thụ trên toàn miền Bắc. Anh Nguyễn Thiện Hoàng, quyền giám đốc Công ty cho biết, nhiệm vụ của công ty, mỗi tháng sản xuất trên 300 tấn sản phẩm phục vụ chăn nuôi bò sữa; ngoài ra còn sản xuất theo nhu cầu hộ chăn nuôi, bình quân mỗi ngày chế biến trên 40 tấn sản phẩm.

Điều đáng quan tâm trong sản phẩm phục vụ chăn nuôi cho đàn bò sữa (657 con) thuộc huyện Sơn Dương, công ty còn cung cấp sản phẩm cho gần 1.000 hộ dân chăn nuôi bò sữa ở các tỉnh miền bắc. Cuối tháng 12 - 2009 và đầu tháng 1-2010, công ty đã sản xuất, chế biến 10 loại cám đậm đặc phục vụ chăn nuôi lợn. Tuy công ty chưa tổ chức tiếp thị sản phẩm trên địa bàn tỉnh, nhưng hầu hết nguồn nguyên liệu (sắn khô, ngô, đậu tương) đưa vào chế biến đều thu mua trên địa bàn tỉnh. Theo kế hoạch, trong quý I - 2010, công ty sản xuất chế biến trên 700 tấn sản phẩm, trong đó có 300 tấn cám đậm đặc phục vụ chăn nuôi lợn.

Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 100 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Trong đó có 21 doanh nghiệp nhà nước Trung ương và địa phương, 14 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, 29 công ty TNHH, còn lại là doanh nghiệp tư nhân, HTX công nghiệp. Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tập trung đầu tư sản xuất, Sở Công thương đã triển khai các giải pháp chủ yếu: Đặc biệt ưu tiên đảm bảo cung cấp điện liên tục phục vụ sản xuất. Phối hợp chặt chẽ với các ngành, các đơn vị điều tiết, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, tránh cắt điện làm ảnh hưởng đến sản xuất.

Áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh sản phẩm, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất. Từng bộ phận phòng, ban của Sở Công thương thường xuyên về các doanh nghiệp, nắm bắt kịp thời khó khăn trong sản xuất công nghiệp và tham mưu với UBND tỉnh để có biện pháp tháo gỡ kịp thời cho các doanh nghiệp hoạt động.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực