Số xã đạt nông thôn mới vùng đồng bằng sông Hồng cao nhất cả nước

Thứ bảy, 17/08/2019 16:35
(ĐCSVN) - Sau 9 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến giữa năm 2019, tất cả các mục tiêu bao quát của Chương trình về cơ bản đã đạt được. Với 52,26% số xã đạt chuẩn, Chương trình đã vượt mục tiêu đặt ra vào năm 2020 (50%).

 

Hình ảnh tại hội nghị (Ảnh: Đ.H)


Đó là thông tin được đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2010 - 2020 cho biết tại hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ được tổ chức tại Nghệ An ngày 17/8.

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Vương Đình Huệ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2010 - 2020; Nguyễn Đắc Vinh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An; đại diện các ban, bộ, ngành ở Trung ương, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức quốc tế; cộng đồng doanh nghiệp và đông đảo phóng viên báo chí.

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Cường, hiện nay đã có 84 huyện của 37 tỉnh, thành phố đã đạt chuẩn nông thôn mới. Mục tiêu bao trùm, quan trọng nhất, đó là các thiết chế hạ tầng cơ bản phục vụ cho sản xuất, đời sống - xã hội đã vượt mục tiêu đề ra. Thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn đã đạt 35,8 triệu đồng/người/năm, vượt xa mục tiêu đặt ra đến năm 2020 là 9,7 triệu đồng/người/năm. Do đó, Chính phủ đã quyết định tổ chức tổng kết Chương trình xây dựng nông thôn mới vào cuối năm 2019 để đề ra mục tiêu cho giai đoạn tiếp theo 2021 - 2025.

Đánh giá về kết quả 9 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tại vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ, đồng chí Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ viên thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2010 - 2020 cho biết với sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của cấp ủy, chính quyền các cấp, các lực lượng xã hội, nhất là phát huy sức sáng tạo, tinh thần cộng đồng của nhân dân, nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ đã có những chuyển biến tích cực.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới luôn biến động, nền kinh tế đất nước còn gặp nhiều khó khăn, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, diễn biến khó lường, những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới của vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ là nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị. Hệ thống cơ sở hạ tầng ở nông thôn của khu vực ngày càng hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân, trong đó hệ thống giao thông nông thôn cơ bản đồng bộ, đảm bảo kết nối thông suốt từ đường thôn, xã đến các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ, đường cao tốc, đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển nông sản trong điều kiện sản xuất hàng hóa. Hệ thống trường học các cấp được đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, là nền tảng quan trọng để chất lượng giáo dục của các địa phương ngày càng được nâng cao. Hệ thống các cơ sở y tế ngày càng được cải thiện, trong đó, hệ thống bệnh viện chất lượng cao được đầu tư nhiều, đã và đang đáp ứng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân; hệ thống các công trình xử lý rác thải, nước thải của khu vực đang ở vị trí dẫn đầu cả nước.

Kinh tế nông thôn trong khu vực phát triển đa dạng, các vùng sản xuất chuyên canh ngày càng hình thành nhiều, tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất, tạo lợi nhuận ngày càng lớn cho người dân. Đời sống vật chất của người dân ngày càng cao, đời sống văn hóa tinh thần ngày càng đa dạng, trong đó, các giá trị văn hóa truyền thống không ngừng được gìn giữ, bảo tồn và phát huy. Hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng ngày càng được củng cố. Đặc biệt, trong cụ thể hóa Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, nhiều tỉnh, thành đã đưa ra một số yêu cầu cao hơn quy định của Trung ương, trong đó có việc đưa ra tiêu chí thứ 20 (ngoài 19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới) khi xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, đó là không còn nợ đọng xây dựng cơ bản.

Cũng theo đồng chí Trần Thanh Nam, về tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới, đến hết tháng 7/2019, vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ đã có 2.402/3.474 xã (chiếm 69,1%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 48% so với cuối năm 2015, là mức tăng trưởng cao nhất trong cả nước), cao hơn nhiều so với mức đạt chuẩn của cả nước (50,26%). Trong đó, vùng đồng bằng sông Hồng đạt 83,59%, cao nhất trong cả nước, vượt mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao cho toàn vùng là 80%; có 08/11 tỉnh, thành phố đã đạt và vượt mục tiêu phấn đấu đến 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao, gồm: Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình. Vùng Bắc Trung bộ đạt 51,92% - chưa đạt được mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ giao cho toàn vùng là 59%; đến nay có 2 tỉnh đã đạt và vượt mục tiêu phấn đấu đến 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao, gồm Hà Tĩnh và Quảng Trị. Bình quân số tiêu chí/xã của cả vùng đạt 17,4 tiêu chí (tăng 11,5 tiêu chí so với năm 2011 và tăng 2,4 tiêu chí so với năm 2015), cao hơn mức trung bình cả nước là 15,26 tiêu chí/xã. Từ đầu năm 2018, cả vùng không còn xã dưới 5 tiêu chí. Cả vùng đã có 41 đơn vị cấp huyện (thuộc 13 tỉnh/thành phố) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, chiếm 48,8% số đơn vị cấp huyện của các nước đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Về xây dựng nông thôn mới nâng cao, trong vùng đã có 12/17 tỉnh, thành phố ban hành tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hiện nay, có 5 xã đang hoàn thiện các thủ tục để được công nhận (Hà Tĩnh). Phấn đấu đến hết năm 2020, toàn vùng sẽ có 88 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, trong vùng đã có 9/17 tỉnh, thành phố ban hành tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện nay, đã có 1 xã được công nhận đạt nông thôn mới kiểu mẫu (xã Việt Dân, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh); phấn đấu đến hết năm 2020, toàn vùng sẽ có 49 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Nhiều tỉnh, thành phố trong vùng đã ban hành tiêu chí khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, đã có 510 khu được công nhận đạt chuẩn, phấn đấu đến hết năm 2020, toàn vùng có 939 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu…

Nhìn chung, diện mạo nông thôn, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Hồng sau 9 năm triển khai xây dựng nông thôn mới đã được đổi mới, khang trang, sạch, đẹp hơn. Các công trình hạ tầng cơ sở được các địa phương tập trung đầu tư, nâng cấp, đã và đang hỗ trợ tốt cho việc tổ chức sản xuất và sinh hoạt cho người dân ở nông thôn. Kinh tế nông thôn của vùng có bước chuyển dịch mạnh mẽ trên nền tảng sự kết nối giữa sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, dịch vụ nông thôn. Các địa phương đã tiến hành cơ cấu lại sản xuất theo hướng khai thác tối đa thế mạnh nổi trội và đi sâu vào chất lượng, từng bước hình thành, khẳng định và phát huy giá trị các thương hiệu nông sản. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn của các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ có sự chuyển biến rõ nét. Đến hết năm 2018, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ở vùng đồng bằng sông Hồng ước đạt 43,3 triệu đồng/người/năm, cao thứ hai trong cả nước (sau vùng Đông Nam Bộ)…

Tuy đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng xây dựng nông thôn mới của vùng cũng còn nhiều khó khăn, tồn tại, như: Do mật độ dân số cao, kinh tế phát triển nóng, vùng đồng bằng sông Hồng chịu sức ép lớn của ô nhiễm môi trường. Bên cạnh lượng chất thải từ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của cư dân nông thôn, đây còn là địa bàn tập trung nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp và nhiều làng nghề với lượng chất thải lớn, nhiều nơi đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống người dân. Quá trình phát triển kinh tế, đô thị hóa mạnh mẽ đã làm nhiều vùng nông thôn thay đổi theo chiều hướng bê tông hóa, không giữ được bản sắc và các giá trị truyền thống, đặc trưng của vùng thôn quê đồng bằng Bắc Bộ…

Kết quả xây dựng nông thôn mới trong vùng Bắc Trung bộ có sự chênh lệch khá lớn, đặc biệt là ở khu vực duyên hải, ven biển ở phía Đông và khu vực miền núi ở phía Tây; kết quả xây dựng nông thôn mới ở một số vùng khó khăn chưa thật sự bền vững. Vẫn còn địa phương nặng về hình thức, mới quan tâm đến việc đạt được các mục tiêu, chưa quan tâm đến chất lượng của việc đạt chuẩn; nhiều tiêu chí, kết quả thực hiện còn kém bền vững (môi trường, an ninh trật tự,…). Nhìn chung, việc chuyển đổi và nâng cao hiệu quả sản xuất của vùng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa có nhiều mô hình sản xuất quy mô lớn, giá trị kinh tế cao, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất, vì thế nhiều địa phương, tỷ lệ hộ nghèo còn cao và mức thu nhập bình quân còn hạn chế, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững và vẫn còn để xảy ra tình trạng tái nghèo…

Cũng tại hội nghị, nhiều đại biểu đã thảo luận về những biện pháp để khắc phục những vấn đề còn tồn tại, khó khăn và đưa ra những giải pháp để đến năm 2025 vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ có ít nhất 08/17 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có ít nhất 60% đơn vị cấp huyện vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung bộ có ít nhất 30% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; toàn vùng có ít nhất 9 huyện nông thôn mới kiểu mẫu; 85% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 85% số thôn, bản ở vùng đặc biệt khó khăn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo các tiêu chí nông thôn mới áp dụng đối với cấp thôn, do các địa phương quy định. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn trong vùng đến năm 2025 tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020…/.

 

Đặng Hiếu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực