Sóc Trăng có 32 nghìn ha cây ăn trái

Thứ năm, 09/04/2020 19:49
(ĐCSVN) - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, hiện diện tích cây ăn trái toàn tỉnh này là khoảng 32.000 ha, bao gồm các loại cây chính như bưởi, vú sữa, cam, quýt, xoài, nhãn, măng cụt, chôm chôm, sầu riêng… ,diện tích cây ăn trái tập trung nhiều tại các huyện như Cù Lao Dung, Long Phú, Kế Sách… Trong đó Kế Sách có diện tích cây ăn trái hơn 16.000 ha.

Nhiều loại cây ăn trái của tỉnh Sóc Trăng đã đạt

chứng nhận VietGAP và được cấp mã số vùng trồng. (Ảnh: K.V) 

Để phát triển vườn cây ăn trái đặc sản, ngành chuyên môn của tỉnh Sóc Trăng đã thường xuyên hướng dẫn bà con nông dân cải tạo vườn kém hiệu quả chuyển sang trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao; đồng thời hướng dẫn kỹ thuật canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn. Nhờ vậy mà nhiều nhà vườn đã thay đổi tập quán canh tác, ứng dụng kỹ thuật mới để cải tạo đất, chọn cây giống sạch bệnh, phát triển vườn cây ăn trái theo hướng hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật... Đây được xem là cây ăn trái đặc sản phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Vì vậy, nhiều loại cây ăn trái trên của Sóc Trăng đã đạt chứng nhận VietGAP và được cấp mã số vùng trồng. Đây cũng là hướng phát triển an toàn, bền vững để tạo ra sản phẩm trái cây đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu.

Chính vì vậy, những năm qua, tại các huyện có nghề trồng cây ăn trái ở Sóc Trăng như Kế Sách, Cù Lao Dung, Mỹ Tú…, bà con nông dân đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững các mô hình trồng cây ăn trái, hiện nay, nhiều nhà vườn ở huyện Kế Sách đã thay đổi tập quán canh tác theo hướng tiên tiến, sử dụng phân bón hữu cơ để tạo ra sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và thị trường xuất khẩu.

Ông Nguyễn Thành Phước, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng cho biết, đối với huyện Kế Sách, cây ăn trái đã được quy hoạch vùng trồng cụ thể như ở các xã Kế Thành, An Lạc Tây, được khuyến khích trồng các loại cây có múi, riêng với sầu riêng, măng cụt, chôm chôm là loại cây trồng rất mẫn cảm được quy hoạch trồng tại một số xã khác trên địa bàn huyện này. Huyện Mỹ Tú nằm trong vùng dự án cây ăn trái của tỉnh Sóc Trăng.

Thời gian qua tỉnh Sóc Trăng đã triển khai khôi phục lại vùng cây ăn trái hiện có trên địa bàn, trong đó tập trung nhiều nhất tại xã Hưng Phú. Với hiệu quả bước đầu mang lại, ngành Nông nghiệp huyện Mỹ Tú cũng đang tiến hành khảo sát nhằm mở rộng diện tích trồng cây ăn trái theo hướng hữu cơ. Sản xuất theo hướng hữu cơ là xu thế phát triển nông nghiệp trong giai đoạn hội nhập, đáp ứng nhu cầu về sản xuất nông sản thực phẩm an toàn cho thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Việc sử dụng phân bón, thuốc kích thích một cách thiếu kiểm soát đã dẫn đến những thiệt hại không nhỏ trên các vườn cây ăn trái… Do tình hình hạn, mặn đã và đang diễn ra ngày càng gay gắt tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, có nguy cơ gây ảnh hưởng đến diện tích cây trồng, đặc biệt là trên các loại cây ăn trái, ngành nông nghiệp tỉnh này đã hướng dẫn bà con nông dân những giải pháp hữu hiệu bảo vệ cây trồng như hướng dẫn tưới tiết kiệm nước và triển khai thử nghiệm mô hình cây ăn trái chống chịu mặn…

Rút kinh nghiệm từ đợt hạn, mặn năm 2016 đã làm thiệt hại lớn đến vườn cây ăn trái đặc sản của các địa phương, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã xây dựng các kịch bản ứng phó trên cây trồng cho mùa hạn cũng như đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ nhà vườn, bằng việc hỗ trợ hợp tác xã hệ thống tưới phun tự động cho vườn cây ăn trái hay phối hợp Viện Cây ăn quả miền Nam triển khai mô hình gốc ghép bưởi da xanh chịu mặn, bước đầu đã đem lại kết quả khả quan.

Để chủ động ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn trên cây trồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng Lương Minh Quyết cho biết, ngành nông nghiệp đã chỉ các đạo đơn vị liên quan tiến hành đo độ mặn nước để mở cống lấy nước ngọt vào cho bà con vận chuyển hàng hóa bằng ghe, tàu và lấy nước tích trữ phục vụ tưới tiêu cho cây màu, cây ăn trái. Đồng thời, để kịp thời thông tin nhanh đến người dân khi có nước ngọt về, ngành đã chỉ đạo đơn vị liên quan thông báo số liệu mặn hàng ngày qua email, hộp thư điện tử, hệ thống tin nhắn SMS và trên các phương tiện thông tin đại chúng để địa phương và người dân biết, cũng như đề nghị bố trí các điểm đo mặn trên các tuyến kênh, rạch chính phục vụ sản xuất của địa phương, thông báo tình hình mặn hàng ngày qua Zalo cho cán bộ phụ trách thông báo rộng rãi cho người dân biết chủ động lấy nước khi có nước ngọt về...

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng cũng khuyến cáo, nhà vườn bảo vệ cây trồng trong mùa hạn, mặn cần chủ động tối đa nguồn vật liệu hữu cơ như rơm rạ, cỏ khô, lá khô, lục bình… hoặc màn phủ nông nghiệp để phủ hốc giữ ẩm cho cây, cắt tỉa cành, tạo tán gọn, tỉa bớt nụ hoa để hạn chế thất thoát hơi nước; củng cố hệ thống đê bao và đê chung quanh vườn ngăn ngừa nước mặn xâm nhập; trong thời gian nhiễm mặn chỉ tưới nước tối thiểu, giúp cho cây không bị héo và mặt đất không bị khô nứt./..

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực