Sóc Trăng người nuôi tôm trúng mùa

Chủ nhật, 19/01/2020 10:51
(ĐCSVN) - Hơn mười năm qua, tỉnh Sóc Trăng xác định thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó đi đầu là nghề nuôi tôm xuất khẩu. Nghề này từ quảng canh cải tiến đến công nghiệp và bán công nghiệp tạo nguồn nguyên liệu tại chỗ cho các nhà máy chế biến thủy sản, đã làm thay đổi bộ mặt của hàng chục xã ven biển.
leftcenterrightdel
 Những cánh đồng tôm ở Sóc Trăng hứa hẹn người nuôi tôm trúng mùa

Vụ nuôi tôm sú năm 2019, tỉnh  Sóc Trăng đánh giá là ổn định và thuận lợi nhất, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại rất thấp. Theo ông Dương Tấn Trường, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng: Năm 2019 người nuôi tôm Sóc Trăng gặp bất lợi, giá bán thấp trong giai đoạn đầu năm. Đến những những tháng cuối năm dịch bệnh tôm: bệnh hoại tử gan tụy cấp, đốm trắng và bệnh phân trắng, chủ yếu do yếu tố môi trường. Dù vậy, nhờ áp dụng nhiều biện pháp phòng ngừa, giảm tối đa tỷ lệ tôm mắc bệnh nên kết thúc các vụ nuôi tôm trong năm phần lớn người nuôi tôm trúng mùa.

“Năm 2019, tỉnh Sóc Trăng thả nuôi tôm nước lợ 57.500 ha, vượt hơn 15% kế hoạch, tăng 2,4% so cùng kỳ (trong đó tôm sú 19.100 ha, tôm thẻ 38.400 ha). Tổng mức thiệt hại rất thấp, chỉ 5.077 ha (chiếm 8,8% diện tích thả nuôi, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2018). Đây là mức thiệt hại thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt trên 211.000 tấn, trong đó sản lượng tôm nước lợ đạt trên 150.350 tấn (tăng 11% so với cùng kỳ). Năng suất tôm thẻ bình quân đạt 4,4 tấn/ha, tôm sú đạt 1,5 tấn/ha” – ông Trường nói.

Vĩnh Châu là thị xã miệt biển có diện tích thả nuôi tôm lớn của tỉnh Sóc Trăng. Ông Lê Minh Trường, Trưởng Phòng Kinh tế TX. Vĩnh Châu cho biết: “Vụ nuôi tôm năm 2019, Vĩnh Châu đã thắng lớn, với diện tích nuôi tôm là 29.143ha, trong đó tôm thẻ 18.335ha, tôm sú 9.531ha, cao hơn cùng kỳ 442ha và diện tích tôm nuôi bị thiệt hại dưới 10% diện tích thả nuôi (năm 2018 là 37% diện tích thả nuôi), nguyên nhân ít thiệt hại là người nuôi tôm ở Vĩnh Châu kiểm soát tốt được các dịch bệnh trên tôm cũng như ngành chuyên môn đã triển khai tuyên truyền, vận động đến hộ nuôi, cơ sở nuôi áp dụng các quy trình nuôi tôm 2 giai đoạn, nuôi tôm 3 giai đoạn, nuôi tôm bằng ao lót bạt và nuôi tôm sinh học trong ao đất…phần đông hộ dân nuôi tôm hầu hết đều thu lợi nhuận khá”.

leftcenterrightdel
 Người nuôi tôm Sóc Trăng trúng mùa tôm.

Mô hình nuôi tôm công nghiệp ở Vĩnh Châu đang khẳng định ưu thế, vì nó đáp ứng được tập quán canh tác của nông dân miệt biển. Anh Trần Văn Khởi, ở ấp Prey Chóp B, xã Lai Hòa (TX. Vĩnh Châu) là hộ vừa thu hoạch xong vụ mùa tôm 2019, với diện tích nuôi 4ha chia thành 11 ao đất để nuôi, nhưng anh lại chọn cách thức nuôi tôm ao đất 3 giai đoạn. Đây cũng là một trong những quy trình nuôi tôm được ngành nông nghiệp khuyến cáo đến hộ dân. Anh Khởi cho biết: Suốt 5 năm qua, tôi nuôi tôm ao đất 3 giai đoạn đều thành công. Để nuôi tôm ao đất thu về lợi nhuận tốt và giảm chi phí, giá thành đầu tư, cần phải áp dụng quy trình nuôi tôm 3 giai đoạn và trước khi thả tôm nên nuôi nước trong một thời gian nhất định mới lấy nước vào nuôi tôm và tôm đạt kích cỡ chuyển sang ao nuôi mới, cứ chuyển tôm nuôi trong 3 lần nuôi, hạn chế rủi ro về dịch bệnh trên tôm nuôi, tôm lớn nhanh. Tôm thả nuôi thời gian tầm 3 – 3,5 tháng là thu hoạch, thả nuôi tôm 2 đợt/năm, sản lượng thu về hơn 41 tấn tôm, trừ hết chi phí lợi nhuận gần 2,5 tỉ đồng/năm/4ha. “Bí quyết để nuôi tôm đạt kết quả tốt của tôi là nuôi theo hướng an toàn sinh học, trước khi thả tôm nuôi phải nuôi nước, sang con tôm nuôi qua các ao mới trong cùng vụ nuôi, quanh ao nuôi tôm cần trồng cỏ nhằm ngăn chặn nước mưa trên bờ chảy xuống làm ao nước nuôi tôm bị đục sẽ ảnh hưởng đến con tôm trong ao, không sử dụng các chất bổ sung cho tôm nuôi không rõ nguồn gốc xuất xứ…” – anh Khởi nói.

leftcenterrightdel
Anh Trần Văn Khởi, ở ấp Prey Chóp B, xã Lai Hòa (TX. Vĩnh Châu) thu hoạch vụ tôm thẻ. 

Những ngày qua, không khí rộn ràng lại diễn ra trên những cánh đồng tôm ở xã Lịch Hội Thượng, Liêu Tú, Trung Bình (huyện Trần Đề – Sóc Trăng). Ông Nguyễn Văn Đầy ở ấp Mỹ Chánh, xã Lịch Hội Thượng (huyện Trần Đề) thả 420.000 post vào ao đất diện tích 2.200m2, sau 70 ngày thu hoạch tôm cỡ 60 con/kg, lãi 200 triệu đồng, nuôi tôm thắng lợi nhờ áp dụng công nghệ vi sinh đột phá. Đây là phương pháp nuôi tôm “nói không với kháng sinh” mà sử dụng những chế phẩm bổ sung là vi sinh, khoáng chất, vitamin, dinh dưỡng... Ông Đầy chia sẻ: “Trước đây, người nuôi tôm rất bị động, lúng túng khi ao nuôi xảy ra sự cố. Xử lý thường được bà con áp dụng: Khi tôm bị bệnh gan, ruột, rớt lai rai, bỏ ăn thì dùng kháng sinh diệt khuẩn, dùng hóa chất cắt tảo và hạn chế khí độc. Không chủ động khống chế nên lúng túng và xử lý theo sự vụ, không nắm vững được kiến thức cơ bản, bản chất vấn đề về phòng và trị; gây lãng phí, không hiệu quả đặc biệt là lạm dụng kháng sinh, hóa chất. Dù mới nuôi trong năm 2019 nhưng hiệu quả thật bất ngờ, năng suất tôm vượt trội và bệnh trên tôm hầu như không thấy”. Bên cạnh giảm chi phí sản xuất như sử dụng nhân công hiệu quả, thiết kế mô hình tối ưu, chọn thức ăn, chọn nguồn tôm giống, quản lý thức ăn để giảm giá thành sản xuất...

Các mô hình nuôi tôm mang lại hiệu quả đã và đang được nhân rộng, góp phần đáng kể vào việc nâng cao năng suất tôm nuôi, để giúp người dân đổi đời, giúp địa phương phát triển kinh tế. Thành công này mở ra triển vọng mới cho nghề nuôi tôm không chỉ ở Sóc Trăng mà còn cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi có tiềm năng, thế mạnh nuôi trồng thủy sản./.

Bài, ảnh: Phương Nghi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực