Sơn La: Gian nan thúc đẩy phát triển thương mại vùng biên

Thứ tư, 12/07/2017 15:57
Tỉnh Sơn La có 250 km đường biên giới, giáp hai tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Băng của nước bạn Lào, có quan hệ gắn bó mật thiết và hợp tác với 8 tỉnh Bắc Lào.

Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+

Do vậy, việc thúc đẩy thương mại biên giới giữa Sơn La và các tỉnh Bắc Lào sẽ góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh Sơn La, đặc biệt là các huyện giáp biên. Tuy nhiên, đây là vấn đề không đơn giản.

Đến cửa khẩu Chiềng Khương, huyện Sông Mã (tỉnh Sơn La) vào những ngày giữa tháng 6/2017, không khí giao thương nơi đây khá ảm đạm, chỉ có vài ba chiếc xe máy chở rau, mì tôm và một số mặt hàng bách hóa tiêu dùng khác, đang chờ làm thủ tục qua cửa khẩu để sang nước bạn Lào.

Chị Đoàn Thị Đào, ở xã Chiếng Khương, huyện Sông Mã cho biết, mỗi ngày chị đều mang rau quả, kẹo bánh, mì tôm,… để bán sang biên giới. “Ai dặn gì mang đấy và thu nhập được từ 100.000 - 200.000 đồng/ngày. Cuộc sống cũng vất vả, vì đoạn đường từ cửa khẩu Chiềng Khương vào trung tâm huyện Mường Ét, tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào gần 10 km.”, chị Đào cho hay.

Ông Phạm Minh Hùng, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Hải quan cửa khẩu Chiềng Khương cho biết, Hải quan Cửa khẩu Chiềng Khương luôn tạo điều kiện để bà con giao thương, buôn bán. Tuy nhiên, cư dân ở hai bên biên giới Việt Nam - Lào chủ yếu là người dân tộc thiểu số; sống rải rác khắp vùng đồi núi, nên hoạt động xuất nhập khẩu tại đây cơ bản là không phát triển.

Theo báo cáo của Chi cục Hải quan cửa khẩu Chiềng Khương, kim ngạch xuất, nhập khẩu hai chiều tại cửa khẩu Chiềng Khương năm 2016 đạt trên 1 triệu USD. Chủ yếu là các mặt hàng bách hóa tiêu dùng, vật liệu xây dựng, hàng tạm nhập tái xuất thiết bị máy móc công trình xây dựng và hàng nông sản thông qua giao thương giữa cư dân biên giới hai nước.

Đại úy Trịnh Văn Dương, Trạm trưởng, Trạm kiểm soát xuất nhập khẩu cửa khẩu Chiềng Khương cho biết, với chức năng là lực lượng nòng cốt trong quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, kiểm soát xuất nhập khẩu, trong 6 tháng năm 2017, cùng với các lực lượng chức năng, cửa khẩu Chiềng Khương đã tổ chức xuất cảnh cho gần 6.000 lượt người và cũng nhập cảnh cho gần 6.000 lượt người. Xuất cảnh vùng biên giới cho 16.266 lượt người, nhập cảnh vùng biên giới cho 16.262 lượt người, đảm bảo theo đúng quy trình và thỏa thuận hợp tác giữa biên giới Việt Nam và Lào.

Cặp cửa khẩu Chiềng Khương – Mường Ét, thông quan giữa huyện Sông Mã (tỉnh Sơn La) và huyện Mường Ét (tỉnh Hủa Phăn), nước bạn Lào. Đây là một trong hai cặp cửa khẩu chính thông quan giữa tỉnh Sơn La với nước bạn Lào. Ngoài ra, Sơn La còn có hai cửa khẩu phụ là Nậm Lạnh (huyện Sốp Cộp) và Nà Cài (huyện Yên Châu), cùng với 7 lối mở biên giới.

Về cơ sở hạ tầng, Sơn La hiện có 17 xã giáp biên; trong đó, có 5 xã với 6 chợ, gồm 4 chợ xây dựng kiên cố và 2 chợ tạm. Cùng với lực lượng bộ đội biên phòng, hải quan, hệ thống cửa khẩu và chợ biên giới đã phần nào nâng cao đời sống của cư dân vùng biên giới.

Theo đánh giá của Sở Công Thương tỉnh Sơn La, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong 5 năm qua tuy có tăng, song do điều kiện kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển thị trường và thương mại biên giới của địa phương còn trong tình trạng manh mún nên khó có bước phát triển lớn trong những năm tới.

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sơn La Nguyễn Duy Nhượng cho biết, một trong những nguyên nhân lớn nhất hiện nay là do địa hình phức tạp, hạ tầng giao thông, thông tin liên lạc còn thiếu thốn, chi phí vận tải lớn. Các công trình thương mại như cửa hàng, siêu thị, trạm, chợ, kho tại các vùng cửa khẩu còn rất lạc lậu, thiếu thốn, nhiều cửa khẩu chưa được hình thành, cho dù có nhu cầu.

Mặt khác, các chợ biên giới của Sơn La chưa được đầu tư, địa điểm xa các bản giáp biên với bạn Lào, đường xá giao thông đi lại khó khăn không thuận tiện cho việc trao đổi hàng hóa nên chưa thu hút được sự quan tâm của cư dân hai bên biên giới.

Mặc dù Sơn La và 8 tỉnh Bắc Lào luôn có quan hệ hữu nghị đặc biệt, nhưng do đều là những tỉnh nghèo, dù được quan tâm nhưng quan hệ thương mại vẫn khó có thể bứt phá lên trong thời gian ngắn, cũng như khó khăn trong việc chiếm lĩnh thị trường của nhau. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng thấp kém, chi phí vận chuyển cao, hàng hóa Sơn La không có sức cạnh tranh với hàng hóa Thái Lan và Trung Quốc, hoạt động buôn lậu trốn thuế lách luật còn phổ biến,… là những nguyên nhân cản trở con đường phát triển thương mại biên giới của Sơn La./.

Nguyễn Chiến/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực