Sơn La: Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp để thu hút đầu tư

Thứ bảy, 22/07/2017 10:06
(ĐCSVN) – Bên cạnh thế mạnh nổi trội do thiên nhiên ban tặng, trong đó có cao nguyên Mộc Châu, được ví như “máy điều hòa khổng lồ”, cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ và bản sắc địa phương độc đáo, tỉnh Sơn La đã chủ động phát huy các lợi thế thu hút mạnh mẽ về đầu tư.

Thành phố Sơn La hôm nay 

Nhiều tiềm năng, lợi thế

Giới thiệu tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Sơn La năm 2017, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Văn Chất cho biết: Sơn La là một tỉnh miền núi thuộc vùng cao phía Tây Bắc Việt Nam, nằm ở khu trung tâm của vùng, có diện tích 14.174 km2, đứng thứ 3 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của cả nước (sau Nghệ An và Gia Lai), bằng 4,28% diện tích tự nhiên toàn quốc và bằng 37,88% tổng diện tích tự nhiên vùng Tây Bắc; có 250 km giáp tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Bang - nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào với cửa khẩu quốc gia Lóng Sập, cửa khẩu Chiềng Khương; dân số trên 1,2 triệu người với 12 dân tộc. Tỉnh có 11 huyện, 01 thành phố.

Với tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động và khí hậu, hiện nay Sơn La có trên 927.000 ha đất nông nghiệp, với 2 cao nguyên rộng lớn là cao nguyên Mộc Châu và cao nguyên Nà Sản; khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi cho việc phát triển các loại cây công nghiệp, cây ăn quả chất lượng cao và đầu tư sản xuất các vùng chuyên canh nông nghiệp tập trung có quy mô lớn... Có 02 con sông lớn là sông Đà và sông Mã; 02 lòng hồ thuỷ điện Hoà Bình và thủy điện Sơn La với diện tích trên 400 km2; trên 500 hồ đập công trình thuỷ lợi, 35 dòng suối lớn nhỏ và trên 2.500 ha ao hồ thuận lợi để đầu tư phát triển thuỷ sản, nhất là loại thuỷ sản có giá trị kinh tế và tiềm năng xuất khẩu cao (cá tầm, cá lăng, cá chiên, cá anh vũ...)

Ngoài ra, Sơn La là tỉnh nằm ở vị trí thượng nguồn của sông Đà và sông Mã, địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn nơi, là điệu kiện thuận lợi để phát triển thủy điện. Ngoài ra, tỉnh có tiềm năng phát triển điện mặt trời, điện gió và khoáng sản để sản xuất vật liệu xây dựng.

Được ví là Sa Pa của vùng Tây Bắc, Sơn La hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Các di tích lịch sử và thắng cảnh thiên nhiên đặc sắc của tỉnh như: Hang Chi Đảy (ở huyện Yên Châu); di tích Nhà tù Sơn La, công trình thủy điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á. Hiện nay Sơn La đã phát huy những lợi thế sẵn có tập trung phát triển thành các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, điều dưỡng chữa bệnh, du lịch tham quan sinh thái gắn với nông nghiệp, du lịch cộng đồng.

Đặc biệt, Sơn La có cao nguyên Mộc Châu nơi tập trung nhiều tài nguyên du lịch của địa phương, với địa hình và khí hậu đặc trưng. Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch quốc gia Mộc Châu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển Mộc Châu nói riêng, Sơn La nói chung trở thành một vùng trung tâm du lịch lớn trong vùng và cả nước.

Sơn La cũng là tỉnh có lực lượng lao động trẻ được đánh giá là khéo léo, chăm chỉ, được tỉnh chú trọng đào tạo, về cơ bản có thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến, nông, lâm, ngư nghiệp. Dân số trong độ tuổi lao động của Sơn La năm 2015 là khoảng 827,68 nghìn người, chiếm 62,2% tổng dân số. Số lao động đã qua đào tạo là 477,73 nghìn, số lao động phổ thông là 321,63 nghìn lao động.

Tạo cơ chế “mở” đón nhà đầu tư

Theo Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Văn Chất, Sơn La luôn mở rộng cánh cửa cho các nhà đầu tư, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thân thiện, hướng đến doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm hiểu, triển khai các dự án trên các lĩnh vực nhằm tận dụng các lợi thế sẵn có của địa phương.

Trong những năm qua, tỉnh Sơn La đã chú trọng việc quảng bá, giới thiệu tới các nhà đầu tư, trong đó đặc biệt chú trọng các chủ trương, chính sách thu hút đầu tư đã ban hành thời gian gần đây. Trong đó, tỉnh chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển khu du lịch, khai thác tiềm năng các lòng hồ thủy điện; tập trung giải quyết kịp thời những vướng mắc về thủ tục hành chính... Đến nay, các doanh nghiệp đầu tư tại tỉnh Sơn La hoạt động sản xuất kinh doanh luôn ổn định, bảo đảm đúng quy định của Pháp luật, lương và chế độ cho người lao động được cấp theo đúng quy định.

Các doanh nghiệp FDI tích cực thực hiện dự án theo đúng cam kết chứng nhận đầu tư, phối hợp chặt chẽ với chính quyền thực hiện các chương trình an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, tuyển dụng lao động địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng dự án.

Song song với đó, chính quyền các cấp tỉnh Sơn La đã và đang tích cực, chủ động lựa chọn, tiếp nhận nguồn vốn đầu tư; phối hợp chặt chẽ với Trung ương trong quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch, tổ chức xúc tiến đầu tư, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi.

Sơn La cũng đang đẩy mạnh hình thành các khu, cụm công nghiệp, hoàn thiện đường giao thông, hệ thống điện nước để tăng sức hấp dẫn các nhà đầu tư. Nhiều khu, cụm công nghiệp được hình thành như: Khu công nghiệp Mai Sơn, cụm công nghiệp Mộc Châu, Phù Yên… Bên cạnh đó, Sơn La tập trung xây dựng vùng tam giác kinh tế Mường La, Mai Sơn và TP Sơn La để trở thành trung tâm phát triển kinh tế hành chính, đô thị của tỉnh, thúc đẩy các địa phương khác trong tỉnh cùng phát triển…

Ngoài ra để thu hút các nhà đầu tư, tỉnh Sơn La đã thành lập Quỹ phát triển đất để hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng; và đưa ra những cơ chế phối hợp giúp giải quyết nhanh gọn các thủ tục hành chính; chính sách hỗ trợ đào tạo lao động…

Đồng chí Hoàng Văn Chất cho biết: theo thống kê từ năm 2003 đến nay, tỉnh Sơn La thu hút được 373 dự án đầu tư, với số vốn đăng ký gần 26.540 tỷ đồng, trong đó có 09 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài; riêng năm 2016 thu hút được 95 dự án mới, với tổng vốn đầu tư là 3.886 tỷ đồng (tăng 3,6 lần so với năm 2015); 6 tháng đầu năm 2017 thu hút được 57 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư 4.432 tỷ đồng. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 2.000 doanh nghiệp, 346 hợp tác xã đang hoạt động (từ năm 2016 đến hết tháng 6. 2017 thành lập mới 250 doanh nghiệp, 93 hợp tác xã).

Nhờ quảng bá, xúc tiến, một làn sóng đầu tư mới của các nhà đầu tư Việt Nam và nước ngoài đã đến tỉnh, trong đó có các tập đoàn lớn trong nước và quốc tế đã thành công ở Sơn La như TH Truemilk. VinGroup, Viettel, tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam...

Năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 9,2%; thu ngân sách trên địa bàn đạt 4.006 tỷ đồng, (tăng 706 tỷ đồng so với năm 2015). Tỉnh Sơn La đang tích cực triển khai và quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV với mục tiêu “xây dựng Sơn La sớm trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng trung du và miền núi phía Bắc”.

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Sơn La năm 2017 diễn ra vào ngày 17/7 vừa qua, tỉnh Sơn La đã trao Quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 22 dự án, với tổng mức đầu tư 27.619 tỷ đồng; ký biên bản ghi nhớ đầu tư với nhà đầu tư 11 dự án, tổng mức đầu tư 13.139 tỷ đồng./.

Bài, ảnh: Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực