Tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp để vụ Đông Xuân 2018 - 2019 thắng lợi

Thứ năm, 14/03/2019 15:50
(ĐCSVN) - Theo nhận định của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), vụ lúa Đông Xuân ở miền Bắc là vụ quan trọng và quyết định tăng trưởng của ngành, vì vậy, Cục Trồng trọt đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phía Bắc tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp để vụ Đông Xuân 2018 - 2019 thắng lợi.
Ảnh minh họa (Ảnh: BT)

Theo báo cáo nhanh của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) các tỉnh, thành phía Bắc, đến hết tháng 2/2019, toàn miền Bắc đã cơ bản hoàn thành việc gieo cấy lúa Đông Xuân 2018 - 2019, còn một phần nhỏ diện tích gieo cấy muộn ở Lạng Sơn, Cao Bằng và một số vùng khó khăn về nước.

Do nền nhiệt trung bình vụ Đông Xuân 2018 - 2019 khá cao và cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 1,5-2 độ C, cây lúa sinh trưởng khá thuận lợi, bén rễ hồi xanh và đẻ nhánh nhanh. Một số diện tích lúa vụ Đông Xuân gieo cấy sớm trước Tết Nguyên đán đã đẻ nhánh rộ và kín đất.

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, nhiệt độ trung bình từ tháng 3-8/2019 trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức cao hơn TBNN cùng thời kỳ khoảng 0,5-1 độ C. Riêng tháng 3/2019 tại khu vực Bắc Bộ có khả năng cao hơn từ 1-2 độ C. Tổng lượng mưa từ tháng 3 đến tháng 8/2019 phổ biến ở mức xấp xỉ so với TBNN, riêng tháng 3 có khả năng ở mức cao hơn từ 15 - 30%, khả năng xảy ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, bất thường.

Nhận định của Cục Trồng trọt cho thấy, vụ lúa Đông Xuân ở miền Bắc là vụ quan trọng và quyết định tăng trưởng của ngành, vì vậy, Cục Trồng trọt đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phía Bắc tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp để vụ Đông Xuân 2018 - 2019 thắng lợi.

Trong đó, đối với các tỉnh Bắc Trung bộ, hiện lúa vụ Đông Xuân đã đẻ nhánh tối đa, một số vùng gieo cấy sớm đã bắt đầu chuyển giai đoạn, hình thành lóng và vươn đốt. Đề nghị các tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn nông dân tập trung chăm sóc, bón thúc kali hoặc NPK chuyên dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Sau bón 5 - 7 ngày để nước cạn, phơi ruộng tạo điều kiện cho rễ lúa ăn sâu.

Tháng 3 là giai đoạn mẫn cảm của cây lúa khi diện tích lá đã đạt tối đa, đồng thời theo dự báo sẽ mưa nhiều, ẩm độ cao vì vậy sâu bệnh hại sẽ phát sinh phức tạp, Cục Trồng trọt đề nghị Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị chuyên môn bám sát đồng ruộng phát hiện và phòng trừ kịp thời các ổ sâu bệnh, nhất là đạo ôn lá, rầy các loại, sâu cuốn lá, đục thân và chuột.

Bên cạnh đó, tích nước sẵn sàng trong hệ thống, đảm bảo đủ nước cho giai đoạn lúa trỗ cuối tháng 4 nhằm hạn chế tác động của nắng nóng.

Đối với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc, cần giữ nước đều mặt ruộng, tích nước trong hệ thống để đảm bảo tưới dưỡng cho cây lúa trong cả vụ. Tập trung bón thúc sớm, bón hết lượng phân bón chuyên thúc với chân lúa gieo sạ, cấy sau Tết Nguyên đán, kết hợp tỉa, dặm những nơi lúa chết do ngập, do ốc bươu vàng hoặc chuột phá hại.

Với một số diện tích gieo cấy giống Đông Xuân sớm như: Xi23, VN10,.. cấy trước Tết Nguyên đán, hiện lúa đã đẻ nhánh tối đa, do nền nhiệt cao, dự báo trà này sẽ rút ngắn thời gian sinh trưởng và trổ bông sớm vào nửa cuối tháng 4/2019. Để đảm bảo an toàn, cần khuyến cáo nông dân bón thúc mỗi sào Bắc bộ 1,5 - 2 kg đạm urê, giữ nước nông mặt ruộng để lúa tiếp tục đẻ nhánh, kéo dài thời gian sinh trưởng, điều khiển thời điểm trỗ giáp ngưỡng an toàn cuối tháng 4/2019, tránh tác động của rét nàng bân.

Tháng 3/2019 dự báo có các đợt không khí lạnh yếu lệch Đông, mưa và ẩm độ cao, nền nhiệt phù hợp tạo điều kiện cho sâu bệnh phát sinh gây hại trên diện rộng. Vì vậy, cần tập trung cao độ cho công tác theo dõi, dự tính, dự báo và phòng trừ, dập các ổ sâu bệnh ngay từ khi mới phát sinh. Đặc biệt chú ý các chân ruộng trũng, gieo cấy sớm các giống dài ngày, các giống mẫn cảm với bệnh đạo ôn, rầy các loại, theo dõi chặt bệnh lùn sọc đen phương Nam.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác thanh kiểm tra thị trường đối với việc kinh doanh cây giống, hạt giống và vật tư nông nghiệp. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm như: chất lượng không đảm bảo theo tiêu chuẩn đã được công bố, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa mập mờ, quá hạn sử dụng,… Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan truyền thông, các doanh nghiệp tập huấn, hướng dẫn và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật cho nông dân./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực