Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước ngành nông nghiệp cần công khai, minh bạch

Thứ hai, 13/03/2017 15:25
(ĐCSVN) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có Thông báo số 1843/TB-BNN-VP về Kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tại Hội nghị triển khai công tác tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước năm 2017.

Thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa đã giúp nhiều doanh nghiệp nhà nước ngành nông nghiệp đi vào hoạt động nề nếp
 (Ảnh: BT)

Ngày 14/2, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì Hội nghị triển khai kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) năm 2017. Sau khi nghe Vụ Quản lý doanh nghiệp nông nghiệp trình bày báo cáo kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đến năm 2016, ý kiến phát biểu của các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nhiều doanh nghiệp thuộc Bộ có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, quản lý và sử dụng diện tích lớn về đất đai, rừng…Vì vậy, công tác tái cơ cấu DNNN là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp.

Tuy nhiên, thời gian qua, công tác tái cơ cấu DNNN thuộc Bộ đã có nhiều cố gắng và đạt được nhiều kết quả tích cực. Nổi bật là công tác sắp xếp, đổi mới DNNN, trọng tâm là cổ phần hóa DNNN đã thực hiện khá nhanh, vượt kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; công tác tham mưu, xây dựng chủ trương và tổ chức thực hiện sắp xếp đổi mới nông, lâm trường quốc doanh đã có những kết quả bước đầu.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, cần xác định mục tiêu thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN để nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh năng động và hiệu quả hơn.

Bộ trưởng yêu cầu quá trình tái cơ cấu DNNN phải thực hiện đúng pháp luật, quyết liệt, công khai, minh bạch; tăng cường kiểm tra, theo dõi, giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện (bao gồm công tác sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp) theo Nghị quyết số 30/NQ-TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị và các phương án đã được phê duyệt.

Từng bước xây dựng kế hoạch, tiến độ và có giải pháp cụ thể để thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp; báo cáo Bộ để kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện. Các cá nhân, tập thể được phân công phải thực hiện nghiêm túc nội dung công việc được giao. Thực hiện đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán đối với các doanh nghiệp đã chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần theo đúng quy định của pháp luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT.

Về công tác thoái vốn, các doanh nghiệp, người đại diện vốn tích cực, chủ động thực hiện thoái vốn theo Đề án tái cơ cấu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; trên cơ sở Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020, xây dựng kế hoạch thoái vốn giai đoạn 2016-2020 báo cáo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ. Lưu ý khi thoái vốn phải quan tâm đến hiệu quả thu hồi một cách tốt nhất, không thoái vốn bằng mọi giá để thất thoát hoặc kém hiệu quả.

Bộ trưởng yêu cầu, đối với công tác cổ phần hóa ở Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Tổng Công ty lương thực miền Nam, Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp cần hết sức khẩn trương, thực hiện đúng tiến độ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ, không chậm trễ, kéo dài quá thời hạn quy định.

Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc cần có kế hoạch, lộ trình triển khai thực hiện phương án tổng thể sắp xếp đổi mới các công ty nông nghiệp và tái cơ cấu Tổng công ty. Đối với 3 đơn vị thực hiện nhiệm vụ công ích gồm: Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ Khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà, Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải; Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ khai thác công trình thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa, cần khẩn trương rà soát phương án quản lý, quản trị của doanh nghiệp để tái cơ cấu theo hướng hiệu quả hơn.

Giao Vụ Quản lý doanh nghiệp nông nghiệp của Bộ thường xuyên phối hợp lực lượng với các đơn vị liên quan, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác tái cơ cấu DNNN; nhất là trong đánh giá trách nhiệm quản lý vốn và tài sản nhà nước của các tổ đại diện vốn nhà nước, kiểm soát viên tại các doanh nghiệp trực thuộc Bộ và kịp thời báo cáo Bộ để chấn chỉnh, xử lý những vi phạm theo quy chế quản lý người đại diện và các quy định của pháp luật hiện hành. Đồng thời, rà soát lại toàn bộ quy chế quản lý người đại diện vốn Nhà nước, kiểm soát viên và hệ thống người đại diện, kịp thời đề xuất, bổ sung, sửa đổi nhằm đảm bảo công tác quản lý vốn, tài sản nhà nước thông qua hệ thống người đại diện vốn, kiểm soát viên chặt chẽ và đúng với quy định hiện hành./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực