Tăng cường điều hành tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất

Thứ tư, 15/05/2019 11:01
(ĐCSVN) – Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung phân bổ tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn của doanh nghiệp.

Nhiều chính sách tín dụng được triển khai

Trong bối cảnh ngày càng nhiều yếu tố gây áp lực tăng lãi suất, NHNN chủ động điều tiết tiền tệ, hỗ trợ thanh khoản, lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp tạo điều kiện ổn định lãi suất của các TCTD.

Ông Nguyễn Việt Bắc, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, NHNN đã chỉ đạo các TCTD cân đối vốn hợp lý, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Từ đầu năm 2019 đến nay, để tiếp tục góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, NHNN tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ, nhờ đó, mặt bằng lãi suất thị trường cơ bản ổn định.

Đặc biệt, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2019, hưởng ứng lời kêu gọi của Thống đốc NHNN, 4 ngân hàng thương mại: Vietcombank, Agribank, Vietinbank và BIDV đã giảm 0,5% lãi suất cho vay để hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên. NHNN cũng thực hiện điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp diễn biến thị trường, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trong môi trường ổn định, chủ động trong xây dựng và triển khai kế hoạch kinh doanh, phòng ngừa rủi ro tỷ giá.

Đáng chú ý, NHNN đã điều hành chính sách tín dụng một cách linh hoạt nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn.


Ngành ngân hàng triển khai nhiều chính sách tín dụng
hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh (Ảnh: M.P)


Cụ thể, NHNN chỉ đạo TCTD nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung phân bổ tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán…; tăng cường quản lý rủi ro đối với các dự án BOT, BT giao thông.

Bên cạnh đó, rà soát, kịp thời đề xuất hoàn thiện các chính sách tín dụng đối với ngành, lĩnh vực để phù hợp hơn với nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp như: Trình Chính phủ ban hành Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn với nhiều điểm mới đột phá, ban hành văn bản hướng dẫn các TCTD cho vay có bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nhằm triển khai Luật DNNVV...; chỉ đạo các TCTD tích cực triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù như: cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, cho vay công nghiệp hỗ trợ, cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp, cho vay đối với ngành lúa gạo, chăn nuôi,...

Đặc biệt, quyết liệt triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân và doanh nghiệp. Theo đó, chỉ đạo các TCTD đổi mới quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay theo hướng bãi bỏ các thủ tục hành chính không phù hợp, nâng cao khả năng thẩm định, giải quyết nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp nhanh, gọn song vẫn đảm bảo an toàn vốn vay; đồng thời, cắt giảm các khoản phí, chi phí không cần thiết, góp phần hạ lãi suất cho vay.

Cùng với đó, chỉ đạo các TCTD xây dựng quy trình thu thập, khai thác thông tin về đánh giá tín nhiệm của khách hàng, nâng cao hiệu quả thẩm định, qua đó tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản nhằm giải quyết khó khăn, thúc đẩy hoạt động kinh doanh và phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đại diện NHNN cho biết, thời gian qua ngành ngân hàng đã phối hợp với các cấp chính quyền địa phương đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên toàn quốc, gắn với nhiệm vụ trọng tâm và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Thông qua việc triển khai các hội nghị kết nối đối thoại trực tiếp để nhận diện khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó có giải pháp tháo gỡ phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng với ngân hàng.

Đồng thời, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các chương trình, chính sách tín dụng nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Theo báo cáo của NHNN, nhờ triển khai đồng bộ các chính sách nêu trên, tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế trong những năm gần đây được duy trì ở mức khá cao (giai đoạn 2015- 2017 đạt 18-19%, 2018 đạt gần 14%, 3 tháng đầu năm 2019 tiếp tục tăng 3,19%). Tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh là động lực của tăng trưởng kinh tế và các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ như: tín dụng nông nghiệp, nông thôn tăng 21,41%; tín dụng công nghiệp và xây dựng tăng 9,91%; tín dụng thương mại và dịch vụ tăng 16,57%; tín dụng đối với DNNVV tăng 15,57%; tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 14,58%. Tăng trưởng tín dụng đã góp phần hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế, đặc biệt năm 2018 tăng trưởng kinh tế đạt 7,08% - cao nhất trong 11 năm trở lại đây.

Từ năm 2014 đến nay, ngành Ngân hàng cũng đã tổ chức trên 1.500 buổi gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp trên toàn quốc, qua đó đã tháo gỡ khó khăn cho gần 195.000 doanh nghiệp, với tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay mới đạt gần 2,5 triệu tỷ đồng với lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, 9-11%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn.

Ngoài ra, các TCTD thực hiện các hình thức hỗ trợ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh như gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, nâng hạn mức tín dụng, giảm lãi suất cho các khoản vay cũ,… với dư nợ trên 150.000 tỷ đồng. Riêng trong năm 2018, trên 420 buổi gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp đã được tổ chức trên toàn quốc, giải ngân gần 900.000 tỷ đồng cho trên 50.000 doanh nghiệp và một số đối tượng khác; thực hiện gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, giảm lãi suất cho gần 60.000 tỷ đồng đối với các khoản vay cũ cho gần 3.300 doanh nghiệp và một số khách hàng khác.

Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn 

Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai các chương trình, chính sách cho vay đối với doanh nghiệp còn một số khó khăn.

Xuất phát từ những khó khăn chung của kinh tế trong nước cũng như nền kinh tế toàn cầu, thị trường đầu ra thiếu ổn định trong khi các vấn đề biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt tác động tiêu cực đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh và thu nhập của doanh nghiệp, đã hạn chế khả năng tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp và ảnh hưởng đến hiệu quả cho vay của các TCTD.

Theo đánh giá của NHNN, công tác cải cách thủ tục hành chính và các hoạt động hỗ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh tại một số địa phương chưa đạt được hiệu quả cao, phần nào ảnh hưởng đến việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng của doanh nghiệp. Đặc biệt, công tác xử lý tài sản đảm bảo tiền vay khi khách hàng không trả được nợ vay ngân hàng gặp nhiều khó khăn do trình tự, thủ tục liên quan đến khởi kiện, thi hành án để xử lý tài sản đảm bảo còn bất cập dẫn đến tâm lý thận trọng hơn trong cho vay của các TCTD.

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt DNNVV chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn. Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, nguyên nhân do năng lực tài chính còn hạn chế, thiếu vốn đối ứng; dự án, phương án sản xuất, kinh doanh thiếu khả thi, sản xuất tự phát, khả năng hoàn vốn thấp, công tác hạch toán kế toán thiếu chuyên nghiệp, thông tin tài chính thiếu minh bạch, trong khi đó lại thiếu tài sản đảm bảo, hạn chế khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Cùng với đó, các cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn cho DNNVV thông qua bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương, hỗ trợ vốn của Quỹ phát triển DNNVV thời gian qua chưa thực sự phát huy hiệu quả.


Vẫn nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn (Ảnh: V.A)


Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả của các chương trình tín dụng đặc thù nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn và đáp ứng nhu cầu vốn vay cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ngành ngân hàng sẽ tập trung vào một số giải pháp.

Theo đó, tiếp tục chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát ở mức độ hợp lý, bảo đảm lãi suất và tỉ giá hối đoái ổn định, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp. Tập trung thực hiện và triển khai đồng bộ các giải pháp tại Đề án tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) và xử lý nợ xấu, góp phần khơi thông nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế. Rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế được mở rộng vay vốn theo năng lực kinh doanh và thực lực tài chính, đa dạng các kênh, hình thức tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp tại kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết 35/NQ-CP, Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, thực hiện các giải pháp hỗ trợ TCTD mở rộng tín dụng có hiệu quả, chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên. Tăng cường kiểm soát rủi ro đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng hành lang pháp lý phát triển các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng mới nhằm tạo thêm kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp phục vụ sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Cùng với đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để cùng với chính quyền các địa phương trực tiếp tháo gỡ đồng bộ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng với ngân hàng.

Ngoài ra, chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ. NHNN tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn, góp phần hạn chế tín dụng đen, đồng thời cân đối khả năng tài chính, thường xuyên tiết giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý, góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp, với mục đích phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp cũng như các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, các sản phẩm phòng ngừa rủi ro lãi suất và tỷ giá nhằm giúp doanh nghiệp chủ động về vốn, tăng cường khả năng phòng ngừa rủi ro…/.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực