Tăng hiệu quả cho hoạt động tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu

Thứ ba, 08/05/2018 17:31
(ĐCSVN) - Dòng vốn vào tiếp tục gia tăng theo động thái thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước cũng như việc gọi vốn của khối doanh nghiệp tư nhân, một mặt giúp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng dự trữ ngoại hối nhưng mặt khác, áp lực trong việc trung hòa và điều tiết tiền tệ.
Hình ảnh tại diễn đàn (Ảnh: M.P)

Đó là một trong những thách thức, rủi ro trong điều hành chính sách tiền tệ được Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh nêu ra tại Diễn đàn toàn cảnh Ngân hàng: “Ngân hàng 2018: Hướng tới phát triển bền vững” do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức sáng 8/5, tại Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Kim Anh, trong những năm qua, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN đã đạt được những thành công nhất định trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền và thị trường tiền tệ, tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, đã thiết lập nền tảng vững chắc của hệ thống và ổn định kinh tế vĩ mô. Nhờ đó, kinh tế tăng trưởng ổn định, các cân đối kinh tế vĩ mô được giữ vững, vị thế Việt Nam dần được nâng cao thời gian qua.

Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao sự ổn định của hệ thống ngân hàng Việt Nam, trong đó Tổ chức Moody đã nâng triển vọng xếp hạng tín nhiệm của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ ổn định lên tích cực. Bloomberg đánh giá đồng Việt Nam là một trong những đồng tiền ổn định nhất châu Á.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Kim Anh cho rằng vẫn còn những rủi ro thách thức, ổn định lạm phát theo mục tiêu khoảng 4%, trong điều kiện giá cả hàng hóa thế giới có nhiều biến động; dòng vốn vào tiếp tục gia tăng theo động thái thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước cũng như việc gọi vốn của khối doanh nghiệp tư nhân, một mặt giúp NHNN tăng dự trữ ngoại hối nhưng mặt khác, áp lực trong việc trung hòa và điều tiết tiền tệ. Thị trường tài chính toàn cầu biến động khó lường, xu hướng bảo hộ mậu dịch gia tăng, xung đột thương mại giữa những nền kinh tế phát triển...

Các nhân tố tác động tới điều hành chính sách tiền tệ của NHNN đòi hỏi ngân hàng phải theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước, phối hợp chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác để kiên trì mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

NHNN xác định một số công nghệ hiện đại hỗ trợ cho ngành ngân hàng thích ứng phát triển trong bối cảnh công nghiệp 4.0 như: Điện toán đám mây, kết nối vạn vật, tự động hóa chương trình bằng robot… Cùng với việc nghiên cứu, tham mưu, đề xuất Chính phủ tạo lập hành lang pháp lý minh bạch và hệ sinh thái lành mạnh theo thông lệ quốc tế thời gian qua, NHNN đã cố gắng chỉ đạo cụ thể các tổ chức tín dụng chủ động nắm bắt cơ hội hợp tác phát triển dịch vụ, sản phẩm để đem lại trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ mới cho khách hàng nhưng vẫn đảm bảo an toàn, bảo mật hệ thống, công nghệ thông tin ngân hàng và thông tin khách hàng.

Nói cụ thể về những kết quả đạt được, tại Diễn đàn, ông Phạm Thanh Hà, Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cũng cho biết, định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16%, tín dụng tăng khoảng 17%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Theo ông Phạm Thanh Hà, trong 4 tháng đầu năm vừa qua thì tín dụng tăng trưởng ở mức độ hợp lý, trên 5% tương đối đồng đều với tốc độ tăng trưởng huy động vốn để đảm bảo cho thanh khoản của hệ thống luôn luôn được ổn định và giữ vững, mặt bằng lãi suất ổn định. Bên cạnh đó, ông Phạm Thanh Hà cũng chỉ ra thêm điểm mới của 2 năm trở lại đây 2017, 2018 tín dụng tăng trưởng khá đều ngay từ đầu năm và điều này phản ánh được tính ổn định của nền kinh tế đã tốt hơn rất nhiều so với các năm trước đây, vì tín dụng ngân hàng phản ánh vào diễn biến của nền kinh tế. Trước đây, những tháng đầu năm tín dụng tăng trưởng thường thấp do hoạt động của nền kinh tế thường chậm lại đầu năm nhưng hai năm trở lại đây 2017, 2018 thì 4 tháng đầu năm tín dụng tăng trên 5% và tăng hơn mức khá cao so với các năm trước đây thường chỉ khoảng 3-3,5% thời gian đầu năm.

“Điều này chứng tỏ tín dụng tăng đều ngay từ đầu năm và cơ cấu tín dụng cũng khá hợp lý, hướng các dòng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh tạo động lực cho phát triển kinh tế. Các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro thì Ngân hàng Nhà nước liên tục cảnh báo các tổ chức tín dụng luôn luôn phải quan tâm để đảm bảo chất lượng tín dụng”, ông Phạm Thanh Hà chia sẻ.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Thanh Hà, vẫn còn nhiều gian nan trong điều hành chính sách tiền tệ, do đó cần tiếp tục kiên trì bám sát thị trường, chống đỡ tốt hơn đối với những cú sốc, diễn biến khó lường để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng bền vững.

Để tăng hiệu quả cho hoạt động tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu, tại Diễn đàn, chuyên gia tài chính – ngân hàng TS. Cấn Văn Lực kiến nghị, việc xử lý tài sản đảm bảo còn vướng ở khâu thuế chuyển nhượng tài sản đảm bảo. Nên vị này cho rằng, Bộ Tài chính cần phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường gỡ vướng, hiện có tình trạng tài sản đảm bảo bán xong rồi nhưng người mua không sử dụng được do thuế chưa chuyển về. Ngoài ra, vị chuyên gia này còn cho rằng, các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp, để có sự triển khai đồng bộ nhằm phát triển thị trường mua bán nợ đúng nghĩa, cũng như tạo sự bền vững cho các ngân hàng.

Mặt khác, theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, Trường Đại học Fullbright Việt Nam, nới lỏng chính sách tiền tệ không nên là ưu tiên chính sách trong giai đoạn hiện nay, nó sẽ tạo thành gánh nặng cho NHNN và ngành ngân hàng. Đặc biệt, ngành ngân hàng đã có sức tăng trưởng tốt nhưng phải thận trọng vấn đề từ tăng trưởng tốt sang quá nóng, đặc biệt là thị trường tài sản.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực lưu ý, NHNN không nên “ôm đồm” đa mục tiêu, vừa giữ ổn định chính sách tiền tệ, vừa phải đảm bảo kiểm soát lạm phát, tăng trưởng GDP… mà NHNN nên chú trọng vào chiến lược dài hạn để hệ thống tăng trưởng bền vững./.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực