Tăng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp thương mại điện tử

Thứ ba, 02/06/2020 19:28
(ĐCSVN) - Trong cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng nền tảng tín nhiệm không chỉ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn góp phần giúp doanh nghiệp mở cửa thi trường thương mại điện tử.
 Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: K.D)

Xây dựng nền tảng tín nhiệm là chìa khóa mở cửa thị trường thương mại điện tử - đây là nhận định của nhiều chuyên gia tại hội thảo “Phát triển thương mại điện tử: Tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam” do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 2/6.

Đánh giá vai trò của phát triển thương mại điện tử, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Lê Xuân Sang khẳng định, thương mại điện tử giúp doanh nghiệp nâng cao được sức cạnh tranh, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc tiết kiệm chi phí trong thuê mặt bằng, nhân công, quảng cáo cũng như dịch vụ bán hàng.

Dẫn báo cáo gần đây của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, dịch COVID-19 đã giúp doanh số bán hàng của doanh nghiệp cho khách hàng cá nhân tăng lên đỉnh điểm, đặc biệt làm tăng doanh số bán hàng giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp. Kết quả khảo sát của tạp chí Nikkei mới đây với 4.273 doanh nghiệp, khách hàng trong thời gian từ 19/3 – 19/4/2020 đối với vùng châu Á - Thái Bình Dương cho thấy, có đến 52% ý kiến được hỏi sẽ tăng mua hàng online; 32% ý kiến khẳng định là không thay đổi phương pháp mua sắm và chỉ có khoảng 10 % ý kiến không tin tưởng vào thương mại điện tử.

Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Lê Xuân Sang khẳng định, cùng với xu hướng chuyển dịch thị trường, thương mại điện tử trở thành phần không thể thiếu trong hoạt động của doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thương mại điện tử giúp tiết kiệm chi phí trong thuê mặt bằng, nhân công và quảng cáo, tiếp cận tới khách hàng; tăng tiếp cận thị trường đầu vào và đầu ra, mở rộng khả năng quảng bá, tiếp thị khách hàng mà không cần tăng chi phí tương ứng, đặc biệt là thời gian thực hiện giao dịch thương mại điện tử không giới hạn đối với tất cả khách hàng...

Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Đức Anh - Giám đốc Trung tâm Tin học và công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương) cho biết, trong khi thương mại điện tử được hiểu là các giao dịch tài chính và thương mại bằng phương tiện điện tử thông qua trao đổi dữ liệu điện tử, chuyển tiền điện tử hoặc các hoạt động gửi rút tiền bằng thẻ điện tử thì tại Việt Nam, hình thức giao hàng thu tiền vẫn đang chiếm tới 90% thanh toán giao dịch thương mại điện tử hiện nay. Điều này cho thấy, người mua chưa thực sự đặt niềm tin vào người bán, về chất lượng sản phẩm, dịch vụ khách hàng, giá cả hàng hóa...

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, để nâng cao lợi thế cạnh tranh, theo ông Lê Đức Anh, các doanh nghiệp này phải xây dựng được nền tảng tín nhiệm trong thương mại điện tử. Nền tảng này dựa trên vòng tròn đánh giá tín nhiệm cá nhân (người mua) và đánh giá uy tín website, doanh nghiệp (người bán). Theo đó, dựa trên việc sử dụng các nền tảng hỗ trợ giao dịch bảo đảm uy tín, từ xác thực thông tin, xử lý tranh chấp, khiếu nại, chất lượng dịch vụ giao hàng, phát triển sản xuất trong nước, giải pháp thúc đẩy thị trường, phát triển thanh toán bảo đảm.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, nhà nước cần sớm hoàn thiện khung pháp lý và chính sách cho thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt; tăng cường hệ thống bảo mật, an toàn thông tin cho thương mại điện tử; có chính sách khuyến khích liên kết, hợp tác chủ thẻ và nhà cung ứng hàng hóa, dịch vụ... nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tham gia có hiệu quả vào thương mại điện tử; từ đó nâng cao cạnh tranh cho doanh nghiệp./.

Kim Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực