Tăng mức độ tiếp cận của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Thứ năm, 28/02/2019 18:55
(ĐCSVN) – Phần lớn các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đang có mức độ tiếp cận thấp với cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, trong đó những trụ cột có mức độ tiếp cận thấp nhất là Chiến lược tổ chức và sản phẩm thông minh.

Đó là thông tin được công bố tại Hội thảo "Khả năng sẵn sàng của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong tiếp cận với cách mạng công nghiệp 4.0", diễn ra sáng ngày 28/2, tại Hà Nội. Hội thảo do Bộ Công Thương phối hợp cùng Tổ chức phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) và Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức.

Ông Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo,
Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam công bố báo cáo

Thông tin dựa trên cuộc khảo sát của Bộ Công Thương nhằm cung cấp những luận cứ khoa học, thực tiễn rõ ràng cho việc đề xuất định hướng, chính sách cụ thể gắn với từng ngành, lĩnh vực và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm chủ động tham gia vào cuộc CMCN 4.0 từ cuối năm 2017, đầu năm 2018.

Đánh giá này sử dụng cách tiếp cận và phương pháp đánh giá của Hiệp hội Kỹ thuật Cơ khí của Đức, đánh giá mức độ sẵn sàng tiếp cận CMCN 4.0 theo 6 trụ cột và xếp hạng theo 6 mức độ: Chiến lược và tổ chức; nhà máy thông minh; vận hành thông minh; sản phẩm thông minh; dịch vụ dựa trên dữ liệu và người lao động. Với sự tham gia tích cực của các đơn vị nghiên cứu trong Bộ và sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Bộ Công Thương đã hoàn thành nhiệm vụ này vào giữa năm 2018.

Ông Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam cho biết thêm, cuộc khảo sát thực hiện trên 2.659 doanh nghiệp, với số lượng phiếu gửi đi là 14.666, chia 18 nhóm ngành công nghiệp - thương mại. Kết quả khảo sát cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đang có mức độ tiếp cận thấp với cuộc CMCN 4.0, trong đó những trụ cột có mức độ tiếp cận thấp nhất là Chiến lược tổ chức và sản phẩm thông minh.

Báo cáo cuộc khảo sát cũng chỉ rõ, các doanh nghiệp Nhà nước vượt trội hơn so với doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhờ quy mô lớn hơn, tập trung theo ngành và sản xuất dựa trên ứng dụng công nghệ cao. Đáng lưu ý, tình hình khá hơn ở các ngành dầu khí, điện, hóa chất, sản xuất xe có động cơ và điện - khí đốt - nước, trong khi một số ngành khác như dệt may, da giầy, cơ khí … đang có mức độ sẵn sàng thấp hơn.

Bà Caithin Wisen - Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho rằng, cuộc điều tra đánh giá trên là một trong những cố gắng, nỗ lực lớn để làm sao đưa ra được những bằng chứng cho các bên liên quan biết được định hướng, hiện trạng như thế nào để đưa ra những chính sách để điều tiết, phát triển nền kinh tế. Nghiên cứu này có thể nói là nghiên cứu đầu tiên của Việt Nam, cũng như trong khu vực.

Bà Caithin Wisen - Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam

Các tham luận tại hội thảo cũng chỉ ra mức độ phù hợp của phương pháp đã được lựa chọn; các thách thức doanh nghiệp phải đối diện khi muốn nâng cao năng lực của mình từ đó có khuyến nghị chính sách và giải pháp phù hợp. Các đại biểu đều thống nhất cao về tính phù hợp của phương pháp đã được lựa chọn, tuy nhiên, trong từng ngành, lĩnh vực cần có sự tùy chỉnh để kết quả đánh giá phản ánh gần nhất với hiện trạng phát triển của doanh nghiệp trước yêu cầu của một nền sản xuất hiện đại trong tương lai.

Nhiều khuyến nghị liên quan tới việc đẩy mạnh cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, nhất là cấp lãnh đạo; thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình xây dựng nhà máy số; đào tạo kỹ năng cho người lao động; hoàn thiện khung pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới... được cho là những ưu tiên cần được triển khai trong thời gian tới.

Về vấn đề này, ông Trần Việt Hòa cho rằng, để có được những định hướng, chính sách phát triển phù hợp, giải pháp cụ thể hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp tiếp cận, tham gia vào cuộc CMCN lần thứ 4, chúng ta cần phải hiểu các doanh nghiệp của mình đang đứng ở đâu so với các yêu cầu của một nền sản xuất hiện đại thông minh trong tương lai.  

Ghi nhận những ý kiến tại hội thảo, đại diện Bộ Công Thương cho rằng đây là những trao đổi, thảo luận hết sức có ý nghĩa, giúp Bộ Công Thương nhanh chóng có những bổ sung, điều chỉnh trong quá trình triển khai với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện những mặt còn hạn chế, phát huy thế mạnh từ đó nhanh chóng nắm bắt, tận dụng các cơ hội mà cuộc CMCN 4.0 mang lại để phát triển một cách bền vững./.

Tin, ảnh: K.D

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực