Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp: Từ thay đổi tư duy đến quyết tâm hành động

Thứ năm, 16/03/2017 13:08
(ĐCSVN) – Trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh thông điệp xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Tọa đàm mong muốn mang đến một góc nhìn đa chiều về tính nhất quán trong tạo thuận lợi
 cho môi trường kinh doanh (Ảnh: HNV)

Quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ đã tạo ra nhiều thay đổi mạnh mẽ trong hoạt động của cả bộ máy hành chính với mục tiêu coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ. Tuy nhiên, vẫn còn đó không ít lo lắng khi “trên thì cởi trói, nhưng dưới vẫn vướng rào” đang gây ra nhiều khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Xuất phát từ tinh thần đó, mới đây, Cổng TTĐT Chính phủ đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến "Bảo đảm tính nhất quán trong tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp". TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cùng lãnh đạo một số doanh nghiệp đã tham dự Tọa đàm với nhiều chia sẻ thẳng thắn và khách quan.

Đại diện của hai doanh nghiệp tham gia Tọa đàm là ông Nguyễn Công Đốc, đại diện cho nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) cùng ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng giám đốc Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) đều bày tỏ lo ngại trước hiện tượng còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức đang là những trở ngại khá lớn trong cải thiện thủ tục, thời gian, cũng như vẫn tồn đọng những khoản phí không chính thức khiến cho doanh nghiệp gặp nhiều thách thức trong quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh. 

Thêm nữa, theo phân tích của ông Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng giám đốc VIDIFI thì việc thiếu tính minh bạch của chính sách, thiếu định lượng trong điều tiết chính sách, khó nhận biết các thay đổi chính sách và thiếu nhất quán trong các cam kết khiến cho những nhà đầu tư nước ngoài bài bản, chuyên nghiệp e ngại đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng. 

Những câu chuyện chia sẻ từ chính thực tế của doanh nghiệp đã cho thấy, mặc dù Chính phủ có quyết tâm và bước đầu hành động nhưng hành trình cải thiện môi trường kinh doanh là không dễ dàng, với rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Đơn cử như trường hợp Thông tư 35 năm 2014 của Bộ Công Thương về xuất nhập khẩu phân bón, là trái với tinh thần Quyết định 46 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ. Trong khi Quyết định 46 bãi bỏ giấy phép hạn ngạch nhập khẩu phân bón, tạo thông thoáng cho doanh nghiệp, thì Thông tư 35 lại đặt doanh nghiệp vào một quy trình ngược khi phải hoàn tất thủ tục nhập khẩu đối với đối tác nước ngoài rồi mới được xin phép nhập khẩu và doanh nghiệp đứng trước rủi ro rất lớn nếu bị từ chối cấp phép...

Đánh giá về mong muốn, quyết tâm phải tập trung cải cách thể chế, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, kể từ hội nghị gặp gỡ với cộng đồng doanh nghiệp hồi đầu năm 2016, sau 1 năm, đã có những thay đổi theo chiều hướng tích cực, trong đó đáng chú ý nhất là những thay đổi về tư duy, bước đầu tạo lập và lấy lại niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp khiến họ tin tưởng cũng như sẵn sàng phản ánh những khó khăn, thách thức của mình đến cơ quan chức năng để giải quyết những vướng mắc. “Tất nhiên, kết quả đạt được còn khiêm tốn, chưa được như mong muốn” – TS. Nguyễn Đình Cung bày tỏ.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nhiều công chức nói riêng và bộ máy quản lý nhà nước nhìn chung vẫn còn thụ động, trì trệ, rất ít đổi mới, sáng tạo. Câu trả lời thường nghe nhất về vướng mắc của doanh nghiệp là “chúng tôi làm đúng theo quy định”; ít quan tâm đến các vấn đề, khó khăn đối với doanh nghiệp do chính các quy định tạo ra. Tuy nhiên, TS Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng, “vấn đề chính vẫn là quyết tâm của người đứng đầu từng cấp, ngành, cơ quan, đơn vị. Muốn làm được một cách thực sự, phải vượt lên trên chính mình, phải tạo ra những áp lực tích cực từ trên xuống và từ ngoài vào đối với đội ngũ công chức cùng các bộ quy tắc, chuẩn mực, ứng xử nghề nghiệp cũng như giám sát, kiểm tra. Thêm nữa, là sự thay đổi từ chính cách thức tổ chức bộ máy với việc tăng cường áp dụng các công cụ hỗ trợ như: Điện tử hóa, áp dụng công nghệ thông tin, bãi bỏ các thủ tục quy định không cần thiết, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tăng tối đa trách nhiệm của doanh nghiệp và giảm bớt can thiệp chi tiết của nhà nước. Nhà nước chỉ giữ vai trò định hướng, giám sát và kiểm tra các doanh nghiệp mà thôi”.

TS. Cung cũng thẳng thắn thừa nhận, 10 năm trước, ông từng tổng kết “8 không với môi trường kinh doanh Việt Nam gồm: Không rõ ràng, không cụ thể, không minh bạch, không hợp lý, không ổn định, không hiệu quả, không chuyên nghiệp, không có tính tiên lượng”. Và cho đến nay, theo TS Cung có vẻ như “8 không” đó vẫn chưa thay đổi nhiều lắm???

Tọa đàm mong muốn mang đến một góc nhìn đa chiều về tính nhất quán trong tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh; đồng thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm biến quyết tâm cải cách không chỉ dừng lại ở Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ, mà còn phải tạo được sự chuyển động thực chất, mạnh mẽ của cả hệ thống cơ quan hành chính nhà nước./.

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực