Tập trung nguồn vốn hỗ trợ đồng bào dân tộc Khmer

Thứ sáu, 03/07/2020 17:02
(ĐCSVN) - Trà Vinh là tỉnh có đồng bào dân tộc Khmer cao nhất cả nước (chiếm gần 32% dân số toàn tỉnh với hơn 320 nghìn người). Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Trà Vinh đã dồn sức chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào Khmer, qua đó đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong công tác giảm nghèo.

Hiện Trà Vinh còn 1 huyện nghèo và 23 xã, 10 ấp thuộc diện đầu tư của Chương trình 135. Thực hiện Chương trình 135, năm 2019, từ nguồn vốn được Trung ương phân bổ hơn 52,5 tỷ đồng, tỉnh Trà Vinh đã đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng 105 công trình hạ tầng tại các xã, ấp đặc biệt khó khăn theo Chương trình 135; hỗ trợ gần 700 hộ nghèo, phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo.

 Bên cạnh đó, đồng bào Khmer ở Trà Vinh còn được thụ hưởng các chính sách khác như hỗ trợ đất ở cho hộ nghèo, cho hộ nghèo vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất, chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; cấp phát báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Nhờ vậy, đến cuối năm 2019, Trà Vinh còn 9.214 hộ nghèo (chiếm 3,22%, giảm 2,73% so với năm 2018); trong đó, hộ nghèo dân tộc Khmer còn 5.394 hộ (chiếm 5,22% số hộ dân tộc Khmer).

Nhờ triển khai đồng bộ, hiệu quả nguồn vốn phát triển sản xuất,
đời sống người dân đồng bào dân tộc Khmer tại Trà Vinh ngày một đổi thay, phát triển.

Để có được kết quả này, thời gian qua, Trà Vinh tập trung nguồn vốn đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo. Tỉnh cũng hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, giúp hộ nghèo tăng thu nhập để cải thiện cuộc sống.

 Chứng minh cho sự chuyển biến ý thức của đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh là xã Nhị Trường (huyện Cầu Ngang) với 2.089 hộ dân tộc Khmer tập trung sinh sống tại 8 ấp, từng được các chương trình 134, 135 hỗ trợ tiền vốn, vật tư để ổn định cuộc sống và xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, điện, đường, trạm. Nhưng kể từ khi có NHCSXH ưu tiên đầu tư vốn ưu đãi, nên nhiều gia đình đã chủ động đầu tư phát triển sản xuất, thoát cảnh nghèo túng, cuộc sống khấm khá.

 Chị Thạch Thị Sắc, ở ấp Ba So, xã  Nhị Trường duy nhất chỉ có chưa đầy 2 công đất cha mẹ cho khi đi lấy chồng, đủ dựng một túp lều tranh. Vợ chồng chị đau đáu nghĩ làm cách nào đây thoát được cảnh túng thiếu và để con cái không phải bỏ học. May mắn đến với gia đình chị Sắc khi được tiếp cận liền 3 chương trình tín dụng của NHCSXH huyện Cầu Ngang, đó là vay vốn hộ nghèo và vốn xây dựng công trình cung cấp NS&VSMTNT, tổng cộng đến trên 60 triệu đồng. Theo đó, chị cũng được sự tư vấn của cán bộ tín dụng chính sách và cán bộ khuyến nông huyện, để đầu tư nuôi bò, trồng rau màu. Mới sau 3 năm chăm lo tốt việc chăn nuôi trồng trọt, gia đình chị đã có đàn bò 6 con béo khỏe, 6 vụ rau xanh sạch bội thu, trị giá khoảng 150 – 200 triệu đồng/năm. “Nằm mơ tôi cũng không nghĩ mình làm ra số tiền lớn lao như vậy. Tất cả nhờ vay vốn từ NHCSXH. Nay gia đình tôi ai cũng phấn khởi tích cực lao động, gửi tiền tiết kiệm tại NHCSXH, trả nợ, lãi cho ngân hàng đúng hạn” – chị Sắc chia sẻ.

 Chúng tôi về xã Phước Hưng, huyện Trà Cú là xã có hơn 63% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Thực hiện chỉ tiêu nghị quyết  Đảng bộ xã, cuối năm 2019, Phước Hưng phấn đấu giảm 146 hộ nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 10,03% xuống còn 3,6%. Để có thể giúp các hộ nghèo thoát nghèo bền vững, xã vừa thực hiện hỗ trợ cho hộ nghèo từ chính sách Nhà nước, vừa thực hiện tuyên truyền, giáo dục, động viên hộ nghèo khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Đảng ủy xã có chủ trương rà soát, nắm bắt hoàn cảnh, nguyên nhân nghèo và nhu cầu của từng hộ dân, từ đó đề ra các biện pháp xóa đói giảm nghèo phù hợp với điều kiện thực tế của từng gia đình và từng ấp. Phân công mỗi đảng viên hướng dẫn, kèm cặp 5 hộ nghèo để hướng dẫn phương án sản xuất, làm ăn có hiệu quả để vươn lên thoát nghèo bền vững. Củng cố, duy trì hoạt động của 10 tổ tự quản giảm nghèo với 183 thành viên, tổ chức sinh hoạt định kỳ hằng tháng theo quy định. Chị Hồ Thị Mai, ấp Chòm Chuối, xã Phước Hưng, cho biết: “Gia đình tôi có hai vợ chồng và 4 đứa con, do không có việc làm ổn định, không có đất sản xuất nên nhiều năm liền gia đình tôi không thể thoát nổi cái nghèo, con thiếu ăn, thiếu mặc. Năm 2019, gia đình tôi được hỗ trợ 1 con bò sinh sản và được đảng viên chỉ dẫn hướng chăm sóc, chia sẻ cách làm ăn có hiệu quả. Được hỗ trợ con bò tôi mừng lắm, nó như một động lực để vợ chồng tôi càng chí thú làm ăn, cố gắng vươn lên sớm thoát nghèo hiệu quả”.

 Ông Thạch Ngọc Loan, Bí thư Chi bộ ấp Chòm Chuối xã Phước Hưng, chia sẻ, ấp Chòm Chuối hiện có 71 hộ nghèo, thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, năm 2019, ấp chọn bước đột phá là phấn đấu cho 30 hộ thoát nghèo, trong đó có 6 hộ đã được hỗ trợ nhà ở, 16 hộ được hỗ trợ bò sinh sản. Qua việc phân công đảng viên hỗ trợ hộ nghèo, các hộ nghèo được giúp đỡ bằng nhiều cách: cung cấp con giống, đối với các hộ có mướn đất sản xuất hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hoặc mua bán nhỏ… “Đồng thời, khi đã nhận hỗ trợ hộ nghèo thì các đảng viên thường xuyên xuống dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như khó khăn của từng hộ để có cách hỗ trợ thiết thực nhất. Hằng tháng họp tổ tự quản giảm nghèo, đảng viên sẽ phản ánh những vướng mắc, các thành viên trong tổ cùng tháo gỡ, giải quyết. Qua việc hỗ trợ, hướng dẫn của đảng viên và sự hỗ trợ của Nhà nước, hiện 30 hộ cơ bản đã có bước chuyển tích cực về phương thức sản xuất, tư liệu sản xuất, nhà ở và có 28 hộ vươn lên thoát nghèo vào cuối năm 2019” – ông Loan nói. 

 Năm 2020, tỉnh Trà Vinh đặt mục tiêu giảm tối thiểu 1,5% số hộ nghèo, hộ cận nghèo, riêng hộ dân tộc Khmer nghèo giảm 2- 3%. Trong đó, tăng cường hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả, nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các địa phương. Bên cạnh đó, Trà Vinh sẽ tiếp tục triển khai nhanh, rộng thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất, đa dạng nguồn vốn tín dụng, tạo điều kiện để hộ nghèo, tiếp cận các chương trình, dự án phát triển sản xuất. Nhờ vậy, nhiều hộ nghèo người DTTS đã tiếp cận được nguồn vốn, thúc đẩy phát triển sản xuất./.

Tin, ảnh: Phương Nghi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực