Tháo gỡ khó khăn cho công nghiệp chế biến nông sản

Thứ sáu, 21/02/2020 21:44
(ĐCSVN) - Công nghiệp chế biến nông sản Việt Nam hiện nay nhìn chung vẫn còn gặp nhiều khó khăn về trình độ công nghệ, khả năng chế biến đối với một số ngành hàng còn yếu. Vì vậy, để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam đòi hỏi cần có sự vào cuộc quyết liệt của Nhà nước, doanh nghiệp, người nông dân.
 Chế biến các sản phẩm từ cá tra (Ảnh: TTXVN)

Bước đầu hình thành hệ thống công nghiệp chế biến nông sản

Hiện nay, ở nước ta đã bước đầu hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản với khoảng 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu. Ngoài ra còn có hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, lẻ, hộ gia đình rải khắp các địa bàn làm nhiệm vụ sơ chế và chế biến phục vụ tiêu dùng nội địa.

Tổng hợp số liệu thu thập sơ bộ của 63 tỉnh, thành phố cho thấy, tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước đều có doanh nghiệp chế biến đối với các ngành hàng nông lâm thủy sản chính. Tỉnh, thành phố ít nhất cũng có 2 ngành hàng chế biến (Lạng Sơn, Bắc Kạn, Phú Thọ, Đà Nẵng); có 4 tỉnh, thành phố gồm TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An, Đồng Nai, Bình Dương có tới 10-11 ngành hàng chế biến.

Riêng trong hai năm 2018 và 2019 đã có 30 dự án lớn về chế biến nông, lâm, thủy sản với số vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD đã khởi công xây dựng và một số cơ sở đã hoàn thành bước vào sản xuất.

Nhìn chung, trình độ công nghệ chế biến nông sản Việt Nam đạt mức độ trung bình đến trung bình khá, một số ngành hàng hoặc một số sản phẩm có công nghệ và thiết bị chế biến tương đối hiện đại mang tầm của khu vực và thế giới như: chế biến công nghiệp hạt điều, chế biến lúa gạo, tôm, cá tra. Bước đầu một số ngành hàng, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đã đầu tư đổi mới công nghệ, chú trọng áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tiên tiến đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm đối với các thị trường yêu cầu cao (Mỹ, EU, Nhật Bản).

Nhiều ngành hàng trong lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản đã hội nhập tốt với kinh tế thế giới. Sản phẩm chế biến nông sản Việt Nam đã xuất khẩu hầu khắp các nước trên thế giới với trên 180 nước và vùng lãnh thổ. Trong đó, thị trường Trung quốc với các sản phẩm cà phê, cao su, chè, gạo, gỗ và sản phẩm từ gỗ, rau quả; thủy sản, hạt điều; sắn và sản phẩm từ sắn; thị trường Hoa Kỳ với các sản phẩm cà phê, cao su, chè, gạo, gỗ và sản phẩm gỗ; hàng mây, tre, cói, thảm; rau quả; thủy sản và hạt điều; thị trường Nhật Bản với các sản phẩm cà phê, cao su, gỗ và sản phẩm từ gỗ,...

Giá trị gia tăng hàng nông sản qua chế biến còn thấp

Bên cạnh những kết quả đạt được, tuy nhiên, hiện, công nghiệp chế biến nông sản nước ta vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó, chưa đáp ứng được yêu cầu đầu ra cho khâu sản xuất nguyên liệu; việc gia tăng giá trị hàng nông sản qua chế biến còn thấp; chất lượng sản phẩm chưa ổn định, còn tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cụ thể, khả năng chế biến đối với một số ngành hàng còn yếu, thiếu cơ sở và công suất chế biến, chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là cao điểm của mùa vụ. Trong đó, các mặt hàng rau quả, thịt, khối lượng đưa vào chế biến chỉ chiếm 5-10% sản lượng hằng năm. Với mặt hàng mía đường, lúa gạo, cà phê, rau quả, thủy sản… không đủ công suất chế biến khi vào chính vụ nên gây ra tổn thất sau thu hoạch còn lớn.

Hiện nay, tuy một số lĩnh vực, công nghệ chế biến ở mức độ tiên tiến, hiện đại nhưng chưa nhiều, chỉ tập trung vào các cơ sở chế biến quy mô lớn mới được xây dựng trong những năm gần đây. Số cơ sở chế biến nông lâm thủy sản có quy mô vừa và nhỏ, hộ gia đình chiếm khoảng 95%. Hệ số đổi mới thiết bị chỉ ở mức 7%/năm (bằng 1/2 đến 1/3 của các nước khác). Một số cơ sở chế biến của một số ngành hàng có tuổi đời trên 15 năm, thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu, tốn nhiều nguyên liệu, năng lượng, năng suất thấp.

Cùng với đó, sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là sản phẩm sơ chế có giá trị gia tăng thấp, chiếm 70 - 85%. Sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao chiếm khoảng 15 - 30%, vì vậy, việc nâng cao giá trị hàng nông sản Việt Nam thông qua chế biến chưa cao.

Đặc biệt, việc tiếp cận tín dụng và tín dụng ưu đãi theo các chính sách hỗ trợ của Chính phủ (các Quyết định 62/2013/QĐ-TTg; 68/2013/QĐ-TTg…) còn gặp nhiều trở ngại về thủ tục và đối tượng cho vay. Mức độ giải ngân nguồn vốn cho vay còn rất thấp so với yêu cầu, vì vậy, chính sách tín dụng chưa đến được với doanh nghiệp chế biến cũng như với nông dân sản xuất nguyên liệu. Gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để tăng cường liên kết, được kỳ vọng sẽ giải quyết một phần hạn chế này.

Cùng với khó khăn về tiếp cận tín dụng, việc tích tụ đất đai, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung đang là điểm nghẽn lớn nhất trong thu hút đầu tư doanh nghiệp vào sản xuất và chế biến. 

Phát triển các cụm liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản

Hiện nay, Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới, nhất là các hiệp định thương mại tự do (FTAs) thế hệ mới, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được thị trường khu vực và thị trường toàn cầu cũng như tiếp cận thị trường dịch vụ của các nước thuận lợi hơn. Xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu của Việt Nam sẽ được gia tăng nhờ phần lớn các rào cản và điều kiện trong buôn bán đã được cam kết dỡ bỏ, chủ yếu là các hàng rào thuế quan.

Cùng với lợi thế trên, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp thu khoa học công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến từ các nước phát triển, tranh thủ được vốn đầu tư nước ngoài và các nguồn lực quan trọng khác. Lợi thế này không chỉ nhìn từ góc độ hiện tại mà còn là tiềm năng phát triển trong tương lai.

Theo Bộ NN&PTNT, đến năm 2030, phấn đấu công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản Việt Nam đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới, đủ năng lực chế biến, đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp.

Trình độ công nghệ chế biến, bảo quản chung đạt từ trung bình trở lên, trong đó các ngành hàng nông sản chủ lực đạt trình độ tiên tiến, hiện đại. Sản phẩm chế biến đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường tiêu thụ, có khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm; góp phần nâng cao giá trị gia tăng và kim ngạch xuất khẩu cho nông sản Việt Nam.

Để đạt được mục tiêu trên, Bộ NN&PTNT định hướng cần tổ chức liên kết sản xuất trong chuỗi giá trị sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản để nâng cao khả năng cung cấp nguyên liệu cho chế biến, đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng, giá cả hợp lý và ổn định đối với tất cả mặt hàng.

Cùng với đó, đầu tư mới và mở rộng cơ sở chế biến đối với những ngành hàng chưa có hoặc còn thiếu công suất chế biến để đáp ứng được nhu cầu của thị trường tiêu thụ và khả năng sản xuất nguyên liệu, đặc biệt về chế biến rau quả, giết mổ và chế biến thịt. Song song với đó, đổi mới công nghệ, hiện đại hóa trang thiết bị chế biến để sản xuất ra sản phẩm phong phú về chủng loại, hạ giá thành và có sức cạnh tranh trên thị trường.

Đáng chú ý, Bộ NN&PTNT định hướng phát triển các cụm liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản tại các địa phương, các vùng có sản lượng nông sản lớn, thuận lợi giao thông, lao động, logistics, có tiềm năng trở thành cực động lực tăng trưởng cho cả khu vực. Lựa chọn các doanh nghiệp “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị, vận hành một cách thông suốt, hiệu quả.  Trong đó, hình thành: Cụm liên kết vùng trồng lúa gắn với cơ sở xay xát, bảo quản tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng; cụm liên kết vùng nuôi tôm nước lợ và cá tra gắn với cơ sở chế biến đông lạnh xuất khẩu tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; cụm liên kết vùng trồng rau và cây ăn quả gắn với cơ sở bảo quản, chế biến rau quả xuất khẩu tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ, Tây Nguyên,…

Đặc biệt, việc đổi mới và hoàn thiện cơ chế chính sách để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi được xem là một trong những giải pháp trọng tâm. Trong đó, nghiên cứu, xây dựng chính sách phát triển riêng có tính đột phá, sáng tạo. Phát triển các công ty, tập đoàn tư nhân lớn về chế biến - kinh doanh các ngành hàng nông, lâm, thủy sản có thương hiệu nổi tiếng mang tầm cỡ quốc tế. Đồng thời, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp chế biến nông sản quy mô nhỏ và vừa để tiêu thụ sản phẩm nông sản tại chỗ cho người nông dân.

Hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư đối với từng địa bàn có tính đặc thù của các vùng, miền, ngành hàng. Mặt khác, xem xét bãi bỏ các rào cản, các thủ tục hành chính, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh./.

 

 

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực