Tháo gỡ khó khăn về hạ tầng điện cho ngành nuôi tôm

Thứ ba, 21/03/2017 22:37
(ĐCSVN) - Ngày 21/3, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã có buổi làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về một số vấn đề liên quan đến ngành nông nghiệp như: Cấp điện cho ngành tôm, thống nhất việc xả nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và an toàn đập, trồng rừng thay thế.

Quang cảnh buổi làm việc (Ảnh: KL)

Theo EVN, tính đến hết 31/12/2016, EVN cung cấp điện trực tiếp cho 48.315 khách hàng nuôi tôm với sản lượng điện hơn 953 triệu kWh, chiếm 46% điện thương phẩm nông lâm thủy sản. Tuy nhiên, lưới điện miền Bắc, miền Trung đều là lưới 3 pha 4 dây nên việc cung cấp điện cho nuôi tôm khá thuận lợi. Riêng lưới điện của miền Nam, nhiều khu vực lưới điện 1 pha cấp điện phục vụ ánh sáng sinh hoạt, nhưng các hộ dân nuôi tôm tự phát nên khó khăn hơn trong việc cung cấp điện cho khách hàng, dẫn đến tình trạng lưới điện bị quá tải, chất lượng điện áp không đảm bảo.

Để tháo gỡ vấn đề này, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã sử dụng nguồn vốn vay, vốn của Tổng công ty, vốn ứng trước của các địa phương để thực hiện đầu tư các công trình lưới điện trung, hạ áp đáp ứng cơ bản các vùng nuôi tôm phát triển nóng. Tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng kịp thời các hộ nuôi nhỏ lẻ, không tập trung, phát triển tự phát theo thị trường nguyên liệu tôm.

Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, diện tích nuôi tôm cả nước hiện vào khoảng 700.000ha, trong đó có 130.000-135.000ha nuôi tôm công nghiệp. Trong kế hoạch trình Thủ tướng Chính phủ về phát triển ngành tôm, diện tích nuôi tôm công nghiệp tăng lên 200-250 nghìn ha, chủ yếu tập trung ở miền Trung và miền Nam.

“Chi phí về điện hiện đang chiếm tới 11-14% giá thành tôm (khoảng 8-10 nghìn đồng/kg). Nếu không có điện mà dùng máy nổ để phát điện thì chi phí này có thể tăng lên gấp đôi” – ông Luân cho biết.

Để phục vụ chiến lược phát triển ngành tôm, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo Tổng cục Thủy sản cần sớm hoàn thiện thiết kế hạ tầng cho ngành nuôi tôm, trong đó có giải pháp về hạ tầng điện. Bộ trưởng đề nghị Tổng cục Thủy sản phối hợp với EVN và các địa phương nuôi tôm trọng điểm thống nhất quy hoạch tập trung; quy hoạch vùng thửa nuôi tôm quy mô công nghiệp. Bộ trưởng cũng gợi ý các đơn vị liên quan nghiên cứu triển khai mô hình xã hội hóa đầu tư hạ tầng cung cấp nguồn điện; triển khai chùm đề tài khoa học về tiết giảm điện năng cho nuôi trồng thủy sản.

Tại cuộc làm việc, hai bên cũng bàn thảo về công tác điều tiết nước phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp. Theo EVN, hàng năm để đảm bảo cung cấp đủ nước phục vụ làm đất gieo cấy vụ Đông Xuân cho khoảng 620.748ha lúa và hoa màu, EVN đã phối hợp với Bộ và các địa phương thống nhất kế hoạch điều tiết bổ sung nước từ các hồ chứa thủy điện cho hạ du hệ thống sông Hồng 3 đợt với tổng lượng xả từ 3 đến 5 tỷ m3. Tuy nhiên, do thời gian xả nước vụ Đông Xuân khá dài và tốn nhiều nước, thời gian còn lại trong năm (nhất là mùa khô) cần điều tiết nước. Do vậy, EVN đề nghị Bộ ủng hộ Tập đoàn có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép vận hành linh hoạt, cụ thể là trong ngày do đáp ứng biến động phụ tải điện giữa giờ cao và giờ thấp điểm.

Lãnh đạo EVN cũng kiến nghị Bộ sớm trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2007/NĐ-CP về quản lý an toàn đập cũng như các vấn đề về chuyển đổi mục đích rừng và đất rừng, trồng rừng thay thế,...

Với tinh thần cởi mở, chia sẻ và coi đây là nhiệm vụ mà hai bên cần tập trung giải quyết, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường giao cho các đơn vị liên quan phối hợp, tập trung cùng với EVN tháo gỡ khó khăn, thực hiện những nhiệm vụ được giao nhanh chóng và hiệu quả nhất./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực