Thấy gì từ thành công của thương vụ bán Sabeco

Thứ bảy, 06/01/2018 10:48
(ĐCSVN) - Thương vụ thoái vốn Sabeco đã thành công với việc Bộ Công Thương bán được toàn bộ số cổ phần tương đương 53,59% vốn điều lệ của doanh nghiệp này với giá 109.972 tỷ đồng, tương đương khoảng 4,8 tỷ USD, gần bằng 1/3 dự toán tổng mức vay của Ngân sách Nhà nước năm 2018 theo Nghị quyết 49/2017/QH14 ngày 13/11/2017 của Quốc hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn hội nhập kinh tế quốc tế 2017 (Ảnh: MH)

Một điều mà ít người nhớ đến là kết quả đấu giá cổ phần Nhà nước tại Sabeco là nỗ lực rất lớn của Chính phủ nhằm hoàn thành mục tiêu hoàn thành 60 nghìn tỷ đồng thu ngân sách từ thoái vốn và cổ phần hóa theo Nghị quyết của Quốc hội giao.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, trong 11 tháng năm 2017, các bộ, ngành, địa phương đã cổ phần hóa 21 doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trong đó có 4 Tổng công ty: Sông Đà, IDICO, Becamex Bình Dương, Thanh Lễ Bình Dương. Tổng số tiền thu từ cổ phần hóa là 2.214 tỷ đồng, bao gồm cả giá trị bán cổ phần lần đầu của IDCO là 1.324 tỷ đồng và Thanh Lễ Bình Dương là 175,4 tỷ đồng. Tổng công ty Sông Đà sẽ IPO vào ngày 25/12 còn Becamex Bình Dương sẽ IPO vào ngày 1/12. Về kết quả thoái vốn Nhà nước, lũy kế 11 tháng năm 2017, các đơn vị đã thoái được 5.209 tỷ đồng, thu về hơn 25.000 tỷ đồng, trong đó có số thu hơn 20.000 tỷ đồng sau 2 lần SCIC thoái vốn tại Vinamilk.

Tổng hợp các con số trên, tính đến hết tháng 11/2017 nguồn thu từ thoái vốn, cổ phần hóa phải nộp về ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội đã đạt hơn 22.709 tỷ đồng, đạt 37,84% kế hoạch.

Như vậy, nguồn thu từ thương vụ thoái vốn Sabeco, trước hết để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ thu từ thoái vốn, cổ phần hóa phải nộp về ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội.

Chia sẻ tại Diễn đàn hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra vào sáng ngày 20/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, thành công của thương vụ bán Sabeco là do nhà đầu tư có niềm tin thị trường, niềm tin xã hội vào Chính phủ và kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Trên thực tế, dõi theo hành trình gần một thập niên từ đợt IPO năm 2008 của Sabeco đến nay, đằng sau thành quả này là rất nhiều nỗ lực và công sức của tập thể Chính phủ. Mà một trong các căn nguyên mang tính then chốt là sự cương quyết và chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng cũng như sự đồng tâm hiệp lực của nhiều bộ, ngành liên quan nhằm đạt được mục tiêu minh bạch, công khai, chống lợi ích nhóm.

Quá trình bán vốn nhà nước tại Sabeco đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, chỉ đạo hết sức chặt chẽ từ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ngày 29/8/2016, chỉ vài tháng sau khi nhậm chức, Thủ tướng đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về chủ trương tiếp tục bán vốn nhà nước tại Sabeco và nhiều doanh nghiệp lớn khác. Kết luận tại cuộc họp, Thủ tướng đã nhấn mạnh các nguyên tắc, quan điểm trong quá trình bán vốn nhà nước nói chung và trong quá trình cổ phần hóa DNNN nói riêng. Thủ tướng yêu cầu phải thực hiện theo các quy luật, thông lệ thị trường, đấu giá cạnh tranh, bảo đảm công khai, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lợi ích nhóm, bảo toàn tối đa tài sản nhà nước, bảo đảm lợi ích cao nhất của đất nước. Đây cũng là “kim chỉ nam” cho việc thoái vốn Sabeco. Vào thời điểm Sabeco chưa niêm yết, Thủ tướng đã định hướng rõ, để bảo đảm công khai, minh bạch, bảo đảm có lợi nhất cho nhà nước, phải tiến hành niêm yết trên thị trường chứng khoán trước khi bán vốn nhà nước. Tránh trường hợp định giá cổ phần không sát, không đúng, làm thất thoát phần vốn nhà nước, việc định giá cụ thể dựa trên các quy định pháp luật, nguyên tắc thị trường và ý kiến đơn vị tư vấn. Việc thoái vốn Sabeco được “ưu ái” có hẳn một nghị quyết của Chính phủ (Nghị quyết 118/NQ-CP ngày 9/11/2017).

Đặc biệt, Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu “cái gì mà tư nhân làm được thì để tư nhân làm” bởi “chìa khóa cho sự tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam nằm rất nhiều ở khu vực kinh tế tư nhân”. Có thể nói rằng, kể từ khi nhậm chức đến nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kiên trì, quyết liệt thúc đẩy triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Với tinh thần là những gì thị trường làm tốt hơn thì để thị trường làm, thay vì Nhà nước làm, coi khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của tăng trưởng, quy mô của các DNNN ngày càng nhỏ đi nhưng lại hiệu quả hơn. Chỉ khi bán vốn nhà nước, giảm được vai trò nhà đầu tư, nhà kinh doanh, Nhà nước mới có thể tập trung các nguồn lực cho việc kiến tạo sự phát triển của mình.

“Tăng trưởng xét đến cùng là công việc của người dân và doanh nghiệp, nhiệm vụ của Chính phủ và địa phương là tạo tiền đề để người dân, doanh nghiệp tạo ra tăng trưởng. Đây chính là bản chất của Chính phủ kiến tạo”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh như vậy trong các bài phát biểu của mình. Việc Chính phủ dứt khoát rút vốn nhà nước khỏi những lĩnh vực mà khu vực tư nhân có thể làm tốt hơn sẽ gửi đi một thông điệp nhất quán cùng với những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, quá trình bán vốn nhà nước tại Sabeco đã được triển khai hết sức bài bản. Cuối năm 2016, Sabeco chính thức niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh và đây chính là cơ sở để cổ phiếu Sabeco được định giá rất cao. Để cuộc thoái vốn thành công, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan đã ngày đêm nỗ lực theo sát và thúc đẩy việc thoái vốn. Đặc biệt, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Bộ Công an, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh thực hiện giám sát và theo dõi chặt chẽ tình hình giao dịch mã cổ phiếu Sabeco trên thị trường chứng khoán để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các giao dịch bất thường, đảm bảo minh bạch ổn định đến hết ngày 31/12/2017.

Không dừng lại ở đó, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các đơn vị khác cũng kịp thời đăng đàn định hướng cho dư luận, giải thích quy định pháp luật và làm an lòng các nhà đầu tư trước phiên thoái vốn. Có thể nói rằng thành công của phiên thoái vốn Sabeco không đến từ may mắn mà từ nỗ lực và sự cố gắng của tập thể Chính phủ đã được đền đáp xứng đáng. Thương vụ thoái vốn Sabeco sẽ đi vào lịch sử và là động lực cho sự thành công của các phiên thoái vốn doanh nghiệp nhà nước tiếp theo.

Nhìn vào mức giá mà nhà đầu tư chi ra là 320.000 đồng/cổ phiếu Sabeco, cao gấp 3 lần mức giá khi cổ phiếu Sabeco lên sàn cách đây một năm, ngay các nhà kinh tế cũng dùng từ “đắt đỏ” để nói về giá này. Việc sẵn sàng trả giá cao cho thấy nhà đầu tư rất hiểu thị trường Việt Nam ưa chuộng sản phẩm của Sabeco như thế nào; hiểu từng nhãn hiệu bia Sabeco đã được định vị ra sao; và hiểu nhu cầu của thị trường gần 100 triệu dân có thể mang lại lợi nhuận cho họ trong tương lai. Đó là những lợi thế rất lớn mà nhà đầu tư không “dại gì” sớm nghĩ tới việc thay đổi hoặc bỏ đi thương hiệu của Sabeco, một doanh nghiệp tồn tại 140 năm. Do đó, chuyện lo mất thương hiệu quốc gia chưa phải là vấn đề đặt ra ngay lúc này.

Đánh giá cao thành công của thương vụ thoái vốn Nhà nước tại Sabeco, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh đến những nỗ lực mạnh mẽ của thường trực Chính phủ, các cơ quan liên quan. Ông cho rằng, việc quan trọng tiếp theo là sử dụng nguồn tiền này như thế nào cho minh bạch, hiệu quả. Qua đó, cũng là cách để khẳng định chủ trương thoái vốn từ Sabeco là đúng đắn, tạo điều kiện thuận lợi cho các thương vụ thoái vốn Nhà nước tiếp theo. 

Nhìn từ việc thoái vốn Nhà nước thành công tại Sabeco, đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, cho rằng, Chính phủ đã thể hiện sự nhất quán trong việc triển khai chính sách thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước. Bước đi tiếp theo là cần tăng tính minh bạch trong việc sử dụng nguồn thu này. Trong đó, cần ưu tiên vốn cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng và các chương trình cấp bách khác của Chính phủ.

Khẳng định lại vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh đến quyết tâm của Chính phủ trong quá trình thoái vốn Sabeco. Chính việc tiến hành chào bán công khai, minh bạch, chống lợi ích nhóm, đã tạo lòng tin của nhà đầu tư, mang lại nguồn thu hiệu quả từ thương vụ này. Nguồn thu này góp phần quan trọng thực hiện chỉ tiêu thu về 60 ngàn tỷ đồng từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội giao./.

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực