Thị trường nào cho ngành hàng cá tra An Giang?

Thứ hai, 25/05/2020 17:56
(ĐCSVN) - Dự báo nhu cầu thị trường tiêu thụ là một trong những giải pháp mà tỉnh An Giang đang cần hỗ trợ để đảm bảo cho các định hướng phát triển sản xuất, xuất khẩu sản phẩm cá tra các tháng cuối năm 2020.
 Thu hoạch cá tra tại An Giang. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Sản xuất chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh

Trước tác động của tình hình dịch bệnh COVID-19, diện tích thả nuôi cá tra của An Giang bị ảnh hưởng. Trong 4 tháng đầu năm 2020, diện tích thu hoạch phần lớn tập trung ở doanh nghiệp và các hộ nuôi cá tra có liên kết tiêu thụ. Đồng thời, do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh COVID- 19 nên giá thu mua cá tra giảm sâu và kéo dài ở các tháng đầu năm.

Về thị trường xuất khẩu thủy sản của tỉnh trong quý I/2020, chiếm tỷ trọng cao nhất vẫn là thị trường Châu Á, chiếm 51,6% trong tổng lượng xuất khẩu trực tiếp. Kế đến là châu Mỹ (chiếm 31,47%). Tỷ trọng còn lại xuất khẩu qua các nước châu Âu, châu Đại Dương và châu Phi.

Trong đó, thị trường Trung Quốc là thị trường quan trọng đối với thủy sản xuất khẩu An Giang. Do tình hình dịch bệnh COVID-19 nên sản lượng xuất khẩu thủy sản vào thị trường này giảm mạnh. Tuy nhiên, tính trên phương diện tổng thể về sản lượng thủy sản xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2020 của An Giang đạt khoảng 39,12 nghìn tấn, kim ngạch 94,32 triệu USD, tăng 0,19 % về lượng và  0,64 % về kim ngạch.

Bên cạnh đó, triển khai Đề án “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, địa phương đã xây dựng được các chuỗi liên kết cá tra 3 cấp. Cụ thể, với cấp 1, đến nay đã cung cấp được 12.320 con cá tra bố mẹ để thay thế khoảng 30% tổng đàn cá tra bố mẹ trong tỉnh.

Cấp 2 - với nòng cốt là Trung tâm giống thủy sản An Giang và một số cơ sở sản xuất liên kết, tổng số số lượng cá bố mẹ đạt 26.300 con (chiếm 64% số lượng cá tra bố mẹ toàn tỉnh), năng lực cung cấp 6,8 tỷ bột/năm. Với cấp 3, tổng diện tích mặt nước ương đạt 251 ha, năng lực sản xuất giống 700-800 triệu con/năm.

Tiếp cận thông tin còn nhiều khó khăn

Trong 4 tháng đầu năm 2020, tình hình dịch COVID-19 lan rộng toàn cầu tác động tiêu cực đến hoạt động nuôi thương phẩm và xuất khẩu cá tra của Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và An Giang nói riêng. Nguyên nhân do các thị trường truyền thống như: EU, Trung Quốc, Hàn Quốc giảm đơn hàng nhập khẩu sản phẩm cá tra từ 20- 40% sản lượng. Việc này gây thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành cá tra thời gian qua.

Do ảnh hưởng tình hình dịch COVID-19, hoạt động thu mua của doanh nghiệp giảm, các hộ nuôi không ký hợp đồng được với doanh nghiệp dẫn đến mùa vụ nuôi kéo dài và tồn đọng lượng cá quá kích thước thu hoạch.

Việc tiếp cận thông tin dự báo chính thức về thị trường xuất khẩu sản phẩm cá tra, giá xuất khẩu, yêu cầu chất lượng sản phẩm cá tra chưa có. Điều này là thách thức thực sự từ trước đến nay đối với ngành sản xuất và xuất khẩu cá tra trong việc hoạch định các kế hoạch trung và dài hạn.

Bên cạnh đó, tình hình liên kết giữa sản xuất (hộ nuôi cá tra) và tiêu thụ (doanh nghiệp thu mua cá tra) chưa gắn kết, còn mang tính thời vụ. Việc chia sẻ lợi nhuận và rủi ro không hài hòa giữa các bên tham gia chuỗi liên kết, thiếu tính bền vững. Vì vậy, sự tác động thấy rõ nhất khi có biến động thị trường cung - cầu sản phẩm cá tra xuất khẩu.

Việc triển khai thực hiện quy hoạch nuôi cá tra tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chưa đồng bộ, xảy ra tình trạng phát triển “nóng” trong nuôi cá tra thương phẩm dẫn đến tình trạng “cung vượt cầu” nguyên liệu cá tra, hệ lụy là giá bán cá tra giảm thấp. Điều này gây thiệt hại kinh tế cho các hộ đầu tư nuôi cá tra xuất khẩu của Đồng bằng sông Cửu Long và của tỉnh An Giang thời gian qua. Cùng với đó, việc gia tăng hàng rào thuế quan và phi thuế quan của các nước nhập khẩu cá tra, tỷ giá hối đoái bất ổn định, chính sách bảo hộ mậu dịch nền kinh tế quốc nội của Mỹ, các nước EU là thách thức thực sự của ngành sản xuất, xuất khẩu cá tra trong thời gian tới.

Cần có dự báo nhu cầu thị trường tiêu thụ

Để hỗ trợ khắc phục khó khăn, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất ngành hàng cá tra trong thời gian tới, UBND tỉnh An Giang kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét, phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu, điều tra, dự báo nhu cầu thị trường tiêu thụ sản phẩm cá tra nội địa và xuất khẩu trong tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 để làm cơ sở cho các tỉnh định hướng phát triển sản xuất, xuất khẩu sản phẩm cá tra cho các tháng cuối năm 2020.

Đối với Đề án “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, cần có chính sách bổ sung thay thế dần đàn cá tra bố mẹ của tỉnh được cải thiện di truyền về tốc độ tăng trưởng và kháng bệnh, để phân bổ cho các cơ sở sản xuất cá tra bột tham gia chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp của tỉnh, giai đoạn 2021- 2025.

Đồng thời, cần ban hành hướng dẫn thực hành an toàn sinh học trong sản xuất, ương dưỡng giống cá tra; ban hành quy chuẩn kỹ thuật về giống cá tra. Cùng với đó, có chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống đầu tư đồng bộ, hoàn thiện cơ sở hạ tầng xây dựng trại ương đảm bảo các điều kiện an toàn sinh học.

Có giải pháp tổng thể chung cho quy hoạch và phát triển ngành cá tra cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, có biện pháp xử lý việc phát sinh đào ao nuôi cá ngoài quy hoạch.

Ngoài ra, cần tạo điều kiện hỗ trợ mở rộng phát triển mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết trong hoạt động sản xuất giống và nuôi cá tra thương phẩm, trong đó, thành phần liên quan tham gia chuỗi liên kết được chia sẻ “quyền lợi và trách nhiệm”, doanh nghiệp tiêu thụ là hạt nhân của liên kết chuỗi.  Tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, thực hành nuôi tốt theo các tiêu chuẩn chất lượng ngày càng được mở rộng. Hiện nay diện tích nuôi cá tra theo các tiêu chuẩn xuất khẩu như: ASC, VietGAP…đạt 477 ha (chiếm khoảng 39% diện tích nuôi cá tra), sản lượng thu hoạch khoảng 148.000 tấn/năm./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực