Thừa Thiên Huế: Cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao hiệu quả “Năm Doanh nghiệp”

Thứ ba, 11/07/2017 12:52
(ĐCSVN) – 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế- xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục phát triển ổn định và có nhiều khởi sắc. Đây là tín hiệu tích cực để địa phương tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống nhân dân, phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2017.

Kinh tế tiếp tục tăng trưởng

Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số 3333/QĐ-UBND ngày 23/12/2016 chỉ đạo cụ thể các cấp, các ngành triển khai thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017. 6 tháng đầu năm, Tỉnh đã bám sát Nghị quyết 01 để triển khai thực hiện nhiệm vụ của địa phương. Tập trung thực hiện chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; bảo đảm an sinh xã hội. Nhờ đó, kinh tế - xã hội có những chuyển biến tích cực. Lĩnh vực du lịch đã hình thành nhiều sản phẩm mới đặc biệt là việc mở cửa Đại Nội về đêm đã góp phần tăng lượng khách tham quan di tích cũng như đến Thừa Thiên Huế. 6 tháng đầu năm 2017, lượng khách du lịch ước đạt 1.750 nghìn lượt, tăng 1,9% so với cùng kỳ. Doanh thu các cơ sở lưu trú ước đạt 734,6 tỷ đồng, tăng 1,61%.

Du lịch Thừa Thiên Huế tiếp tục khởi sắc trong 6 tháng đầu năm

Công nghiệp – xây dựng đạt mức tăng cao nhất trong ba khu vực kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 13,45% so với cùng kỳ, đây là mức tăng cao so với mức tăng 4,8% của 6 tháng đầu năm 2016. Công nghiệp tăng chủ yếu nhờ mức tăng rất cao của ngành sản xuất điện (điện sản xuất 645,9 triệu kwh, tăng gấp 2,24 lần) và năng lực tăng thêm của nhà máy sản xuất vỏ nhôm mới đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, một số mặt hàng chủ lực của tỉnh như: xi măng, dệt may, vật liệu xây dựng cũng đạt mức tăng khá cao.

Về nông nghiệp, vụ lúa Đông Xuân được mùa nhất từ trước tới nay với năng suất ước đạt 62,4 tạ/ha. Sản xuất thủy sản dần phục hồi. Sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 18.962 tấn, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng hải sản khai thác biển có xu hướng tăng trở lại sau sự cố môi trường biển, đạt 17.023 tấn, tăng 29,2%.

Nhìn chung, kinh tế Thừa Thiên Huế tiếp tục tăng trưởng với tốc độ thuộc nhóm tốt trong khu vực miền Trung, 6 tháng đầu năm 2017 đạt 7,44%, cao hơn nhiều mức tăng 5,8% của 6 tháng đầu năm 2016. Tổng thu ngân sách ước đạt 3.308 tỷ đồng, bằng 48,3% dự toán (DT) năm. Chi ngân sách địa phương ước đạt 3.872 tỷ đồng, bằng 42,4% DT. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 8.538 tỷ đồng, đạt 44,9% kế hoạch. Nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách đạt khá... Bên cạnh đó, lĩnh vực văn hóa xã hội cơ bản thực hiện các nhiệm vụ theo tiến độ. Kết thúc năm học 2016 – 2017, tỷ lệ học sinh khá, giỏi duy trì khá tốt. Thành phố Huế đã phố hợp với các ngành liên quan tổ chức thành công Festival nghề truyền thống. Công tác giáo dục đào tạo và đào tạo nghề đạt kế hoạch; công tác chăm sóc sức khỏe được tăng cường. An sinh xã hội được chăm lo và đảm bảo. Quốc phòng, an ninh cơ bản đảm bảo; trật tự an toàn xã hội tiếp tục ổn định.

Năm 2017 tỉnh Thừa Thiên Huế xác định chủ đề của năm là “Năm Doanh nghiệp; năm kỷ cương, kỷ luật hành chính” với mục tiêu phát triển: Tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng nhằm huy động cao nhất các nguồn lực xã hội. Tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế; đảm bảo mức tăng trưởng kinh tế cao gắn với bảo vệ môi trường và bảo đảm an sinh xã hội; tập trung khắc phục hậu quả sự cố ô nhiễm môi trường biển. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Theo đó, một số chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được là: Tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 8-8,5%; Tổng sản phẩm trong tỉnh bình quân đầu người (GDP) 2.100 USD; Tổng đầu tư toàn xã hội 19.000 tỷ đồng; Thu ngân sách nhà nước 6.856 tỷ đồng; Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,1% so với năm 2016; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 57%.

Cải thiện môi trường đầu tư và chăm lo cho doanh nghiệp

Trong 6 tháng đầu năm 2017, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đẩy mạnh thực hiện xúc tiến đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ. Tăng cường triển khai các công cụ hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh. Tiếp tục triển khai các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sinh viên, doanh nhân. Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã phê duyệt Đề án thành lập Trung tâm hành chính công tỉnh; đồng thời khai trương, vận hành Trung tâm hành chính công cấp huyện, tập trung một đầu mối giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh. Xây dựng hoàn thiện Đề án kiện toàn Trung tâm xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh. Tỉnh cũng đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng Cổng dịch vụ công trực tuyến; cấp mới 600 Thẻ điện tử doanh nghiệp, nâng số doanh nghiệp được cấp Thẻ điện tử lên 1.000.

Nhờ thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, tình hình phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư vào Thừa Thiên Huế chuyển biến khá. Từ đầu năm đến tháng 6/2017 đã có 324 doanh nghiệp (DN) thành lập mới, với số vốn đăng ký 3.772,4 tỷ đồng, tăng 17,8% về lượng và gấp 3,65 lần về vốn. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã thu hút 21 dự án trong nước với tổng mức đầu tư 2.200,2 tỷ đồng (riêng trong Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh có 03 dự án với tổng mức đầu tư 1.239,7 tỷ đồng), 02 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 64.850 USD. Có 02 Hợp tác xã (HTX) được thành lập mới, nâng tổng số HTX đang hoạt động phù hợp với Luật HTX năm 2012 lên 224; có 193 HTX đã đăng ký, chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, đạt tỷ lệ 86,16%.

Theo nhìn nhận của các chuyên gia, môi trường đầu tư của tỉnh Thừa Thiên Huế đang có nhiều sự thay đổi tích cực, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn. Đặc biệt hiện nay nhiều nhà đầu tư lớn có tên tuổi đã nhìn thấy tiền năng phát triển to lớn của Thừa Thiên Huế và đang quan tâm nghiên cứu nhiều dự án trên địa bàn. Trong đó tình hình nghiên cứu các dự án đầu tư lớn của Tập đoàn Vingroup (tại Lộc Bình, khu vực nhà văn hóa Trung tâm), BRG (tại Vinh Thanh), PSH Tây Ban Nha... có nhiều tiến triển, đang tạo ra những hiệu ứng tốt trong xúc tiến đầu tư.

Dệt may là mặt hàng đạt mức tăng khá cao trong 6 tháng đầu năm 2017

Tiếp tục triển khai chủ đề “Năm Doanh nghiệp”

Trong 6 tháng cuối năm 2017, tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm phấn đấu đạt mức cao nhất của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Tỉnh tiếp tục triển khai chủ đề “Năm Doanh nghiệp”, quyết liệt thực hiện Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35, Chỉ thị 26 đồng hành cùng doanh nghiệp; Chỉ thị 24 thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017.

Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được tỉnh Thừa Thiên Huế xác định trong 6 tháng cuối năm 2017 đó là hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và mở rộng thị trường. Xây dựng và ban hành các Đề án khởi nghiệp; Đề án phát triển doanh nghiệp; Đề án phát triển kinh tế tư nhân, doanh nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hoàn thành xây dựng không gian làm việc chung và hỗ trợ văn phòng làm việc cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Tạo điều kiện tối đa cho các làng nghề, hợp tác xã, tổ hợp tác phát huy năng lực sản xuất kinh doanh. Bám sát tiến độ các dự án chậm trễ nhằm kịp thời có giải pháp đôn đốc, xử lý. Phối hợp tổ chức hiệu quả Chương trình “Đối thoại chính sách cao cấp về phụ nữ và kinh tế” và các hoạt động trong khuôn khổ năm APEC 2017 tại Việt Nam diễn ra từ 22-26/9/2017. Đối với phát triển du lịch, Tỉnh sẽ tiếp tục phát huy Chương trình tham quan Đại Nội về đêm; chỉnh trang không gian du lịch ở thành phố Huế, hình thành không gian văn hóa du lịch ở trục đường Lê Lợi, các phố đêm, phố đi bộ; xây dựng các bãi đỗ xe; tiếp tục chấn chỉnh môi trường du lịch;... Rà soát chính sách, các điều kiện để duy trì các chuyến bay nội địa mới mở; đẩy nhanh kế hoạch mở mới đường bay trong nước và quốc tế. Hỗ trợ tích cực để thực hiện Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng nhà ga, sân đỗ hiện có của Cảng hàng không quốc tế Phú Bài; đẩy nhanh tiến độ xúc tiến đầu tư Dự án đầu tư, xây dựng mới nhà ga và sân đỗ Cảng hàng không quốc tế Phú Bài theo hình thức đối tác công tư (PPP). Về phát triển công nghiệp, Tỉnh sẽ đôn đốc và hỗ trợ các nhà đầu tư khởi công xây dựng dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại các khu công nghiệp. Khuyến khích đầu tư các nhà máy chế biến sâu cát trắng; hình thành một số nhà máy may xuất khẩu ở các huyện miền núi, ven biển, đầm phá; xây dựng khu công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may tại Phong Điền... Về nông nghiệp, Thừa Thiên Huế chú trọng phát triển ổn định nông nghiệp; thực hiện tốt Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới; phấn đấu năm 2017 có thêm 7-10 xã đạt chuẩn nông thôn mới./.

Bài, ảnh: Hoàng Thế Phong

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực