Thừa Thiên - Huế đầu tư gần 1.780 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới năm 2018

Thứ tư, 17/01/2018 16:59
Năm 2018, tỉnh Thừa Thiên - Huế dự kiến đầu tư khoảng 1.778,9 tỷ đồng thực hiện chương trình nông thôn mới; trong đó, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 123,9 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương 350 tỷ đồng; vốn lồng ghép 200 tỷ đồng; vốn nhân dân đóng góp 75 tỷ đồng; còn lại là vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế phấn đầu 41 xã đạt chuẩn NTM năm 2018. Ảnh: VTV

Tỉnh phấn đấu trong năm 2018 có thêm ít nhất 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh lên 41 xã (tương đương 39,42% số xã trong chương trình).

Để thực hiện mục tiêu nêu trên, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ưu tiên bố trí ngân sách và huy động lồng ghép các nguồn lực thực hiện chương trình, tập trung vào các tiêu chí như tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập, môi trường và an toàn thực phẩm; đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực xây dựng nông thôn mới; phát huy vai trò chủ thể của người dân; làm tốt công tác vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và những người con của quê hương sống, công tác ở xa đóng góp, cùng chung tay xây dựng nông thôn mới, nhất là đối với các xã phấn đấu về đích năm nay. Việc huy động phải bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, phù hợp với khả năng của người dân.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh thực hiện cơ chế đặc thù trong xây dựng nông thôn mới; theo dõi, đánh giá việc triển khai các chính sách để điều chỉnh bổ sung, bảo đảm cho chính sách phù hợp với thực tiễn, đi vào cuộc sống, có hiệu quả, nhất là chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, giảm nghèo, phát triển hợp tác xã, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn.

Thực hiện chương trình xây dựng mới, từ năm 2011 đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã huy động các nguồn vốn đầu tư cho chương trình 5.119 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư từ ngân sách 977,5 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác 922 tỷ đồng, vốn tín dụng 2.174 tỷ đồng; vốn huy động từ doanh nghiệp 296 tỷ đồng; vốn huy động đóng góp của cộng đồng dân cư và huy động khác 750 tỷ đồng.

Toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 104 xã thực hiện xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; trong đó, đến cuối năm 2017 tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới là 22,1%; có 26 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 50 xã đạt 10-14 tiêu chí và 5 xã đạt 8-9 tiêu chí về xã nông thôn mới.

Tuy nhiên, theo số liệu mới nhất của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế, cách tính hộ nghèo theo chuẩn mới làm cho tiêu chí hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới khó đạt được. Cụ thể, tính theo chuẩn nghèo mới được áp dụng từ năm 2016, (theo đó, riêng về thu nhập 700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn), tỉ lệ hộ nghèo bình quân của vùng nông thôn toàn tỉnh đã tăng lên mức 12,05%, tăng gần gấp hai lần so trước đây.

Nếu chiếu theo quy định về tỉ lệ hộ nghèo mới theo cách tính mới này, nhiều xã đã đạt tiêu chí số 11 (Tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo) trước đây có khả năng quay về hiện trạng "chưa đạt", hoặc một số đã xã đạt danh hiệu nông thôn mới trong giai đoạn 2011-2016 không còn đáp ứng được tiêu chí này như Lộc Điền, Vinh Hưng (huyện Phú Lộc) hay Hương Lộc (huyện Nam Đông),..

Xã Thượng Nhật (huyện Nam Đông) dù được chọn xã điểm xây dựng nông thôn mới, nhưng sau gần 7 năm triển khai đến nay địa phương vẫn chưa thể đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay, xã Thượng Nhật mới chỉ đạt 13/19 tiêu chí nông thôn mới; các tiêu chí còn lại được xác định rất khó hoàn thành, nhất là tiêu chí thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo. Số nhà tạm ở Thượng Nhật cũng còn đến 53 nhà, thu nhập đầu người chỉ hơn 20 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao, đang là những thách thức trong xây dựng nông thôn mới ở đây.../.

Quốc Việt/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực