Thuận lợi và khó khăn trong phát triển cao su ở Thừa Thiên - Huế

Thứ ba, 03/10/2017 16:12
Cao su đã trở thành cây làm giàu ở huyện Nam Đông (Thừa Thiên - Huế), tạo nên kỳ tích trong việc xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Ảnh minh họa. Nguồn: VOV.

Thành tựu lớn nhất mà Nam Đông đạt được là toàn bộ các địa phương trong huyện miền núi Nam Đông xin thôi hưởng chương trình 135 từ cách đây mấy năm trước. Điều đó đồng nghĩa với việc, mỗi địa phương sẽ mất đi khoản đầu tư, hưởng lợi từ Nhà nước.

Từ 0,5 ha cây cao su được đưa vào trồng thử trên đất Nam Đông vào năm 1993, đến nay, huyện miền núi Nam Đông đã trồng được hơn 4.500 ha cây cao su; trong đó, có khoảng 1.100 ha diện tích cây trồng đã cho mủ; với sản lượng cao su chế biến thành mủ cốm đạt khoảng 1.000 tấn; doanh thu đạt từ 40 tỷ đến 50 tỷ đồng/năm. Theo đó, xã Hương Phú có 562 hộ đã trồng được 600 ha cao su; trong đó, đã có hơn 200 ha trong thời kỳ khai thác; sản lượng thu được từ 150 đến 200 tấn mủ tươi/năm; doanh thu đạt từ 600 triệu đến 800 triệu đồng. Xã Hương Sơn có 214 hộ với 100% đồng bào dân tộc Catu, đã trồng được 261 ha; trong đó, diện tích khai thác khoảng 100 ha. Nhiều hộ trồng cao su ở Nam Đông xem đây là nguồn "vàng trắng" cho thu nhập cao. Cá biệt có hộ thu từ 20 triệu đến 30 triệu đồng/năm.

Cao su Nam Đông không chỉ cho năng suất và sản lượng cao, mà sản phẩm được đánh giá đạt chất lượng cao. Hiện, giá mỗi kg mủ tươi có thể từ 3.500 - 4.000 đồng. Hiện, nhiều hộ trồng cao su ở Nam Đông cho biết, bà con trồng cao su không phải lo đầu ra, bởi sản phẩm thu hoạch đã có Công ty cao su Thừa Thiên - Huế về tận nơi thu mua, bao tiêu cho bà con. Đối với người dân Nam Đông, cây cao su thật sự là cây làm giàu. Tuy nhiên, một vấn đề đáng quan tâm là có khoảng 30% hộ gia đình khai thác và chăm sóc không đúng quy trình kỹ thuật, nên cây trồng có nguy cơ suy dinh dưỡng và có thể xảy ra một số bệnh khó điều trị, như loét sọc miệng cạo, thối miệng cạo...

Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm Nam Đông đã tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc và khai thác cho người dân, nhờ vậy, cây trồng phát triển tốt, hiệu quả khai thác được tăng lên hàng năm. Nhiều hộ có diện tích khai thác từ 4 ha đến 5 ha có thể cho thu nhập từ 300.000 đồng - 400.000 đồng/ngày. Tính ra, có hộ đạt thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Công ty cao su Thừa Thiên - Huế còn phối hợp với chính quyền các địa phương hướng đến việc quản lý chất lượng vườn cây để kiểm tra và giám sát quy trình chăm sóc, khai thác và thu mua sản phẩm... Cách làm này nhằm nâng cao chất lượng mủ khai thác, để sản phẩm từ cây cao su ở đây mang lại cơ hội làm giàu cho người dân địa phương.

Tuy nhiên, người trồng cao su ở Nam Đông vẫn phải đối mặt với sự rình rập của thiên tai bão lũ; thời tiết biến đổi và dịch bệnh ngày càng nhiều. Lại thêm những khó khăn khác như thiếu vốn để đầu tư thâm canh; giá cả cao su lên xuống thất thường, nhưng quan trọng nhất là ý thức của người sản xuất trong việc đầu tư thâm canh, khai thác hợp lý để bảo vệ vườn cây lâu dài và có hiệu quả.

Còn nhớ, cơn bão số 6 (năm 2006) khiến 1.050 ha cây cao su ở Nam Đông bị gãy đổ; trong đó, nhiều diện tích đang trong thời kỳ thu hoạch có khả năng mất trắng. Nhiều hộ dân thuộc các xã trong chương trình 135 thoát nghèo nhờ cây cao su giờ đứng trước nguy cơ bị đe dọa nguồn sống. Nhiều người tỏ ra nghi ngờ chủ trương của huyện, vì Nam Đông thường xuyên ở vào mùa mưa bão, khó tránh khỏi thiệt hại. Nhờ nhìn xa trông rộng, lãnh đạo huyện vẫn quyết tâm khôi phục và trồng mới, phát triển để có diện tích cao su như hiện nay. Nhờ đó, từ một vùng căn cứ địa cách mạng trong kháng chiến, nghèo khó, Nam Đông đã phấn đấu trở thành Huyện Anh hùng trong thời kỳ đổi mới.

Một thời, Thừa Thiên - Huế nóng vội trong việc phát triển cây cao su, với mong muốn nâng diện tích trồng cây cao su của cả tỉnh lên 10.000 ha. Huyện A Lưới trong quy hoạch phát triển trồng cao su tiểu điền giai đoạn 2014 - 2020, bình quân mỗi năm phấn đấu trồng mới 272,3 ha cao su; đến năm 2020 có khoảng 2.000 ha cây cao su. Để thực hiện mục tiêu này, A Lưới dự kiến sẽ đầu tư hơn 197 tỷ đồng phát triển cây cao su, từ nguồn vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh, ngân sách huyện và Chương trình 135, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vốn vay ngân hàng và vốn tự có của dân.

Tuy nhiên, do vùng cao A Lưới có độ dốc lớn, thường xuyên xảy ra lốc xoáy nên tiến độ dự án triển khai đến nay vẫn còn ì ạch. Một số địa phương khác như xã Bình Thành, Hương Bình và một số địa phương khác ở thị xã Hương Trà đã nỗ lực trồng cao su với diện tích đạt trên 2.000 ha. Thế nhưng, vì lý do trồng phân tán, đầu ra khó khăn, giá mủ thu mua bấp bênh nên đến nay, người dân đã chặt bỏ gần 50 ha cao su để bán gỗ, số diện tích còn lại đang được trồng cây mới để tái sinh.

Hiện tại, ở Thừa Thiên - Huế chỉ có cao su trồng trên đất Nam Đông là cho hiệu quả kinh tế cao. Ở vùng đất miền Trung, nhất là Thừa Thiên - Huế lại là nơi thiên tai khắc nghiệt, năm nào cũng hứng chịu từ ba đến bốn cơn bão, kèm theo là mưa lũ lớn, ở nhiều vùng thường xuyên xảy ra lốc xoáy, sạt lở.

Theo ông Nguyễn Thanh Kiếm, nguyên Chủ tịch UBND huyện Nam Đông - người có công phát triển cây cao su thì có ba vấn đề bảo đảm phát triển an toàn cây cao su ở Nam Đông. Đó là, chỉ trồng cao su ở những vùng đồi, sâu trong đất liền, tránh vùng ven biển là nơi dễ bị gió bão gây hại; khuyến cáo các doanh nghiệp và người dân chọn vùng đất tương đối bằng phẳng, sườn dốc không quá 13 độ; sau cùng là vấn đề kỹ thuật chọn giống, trồng và chăm sóc. Theo khuyến cáo, nên chọn giống cao su tán thấp, thân to và rễ sâu, khi trồng phải hướng mắt ghép về hướng đông hoặc đông bắc để tránh gió gây tổn thương cây con, mật độ cây chỉ ở mức 550 cây/ha.

Đồng quan điểm trên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên, ông Huế Hồ Sỹ Nguyên cho biết, diện tích trồng cao su cần tạo vành đai rừng phòng hộ chắn gió, thông thường là rừng tự nhiên, hoặc các loại cây chống chịu gió như phi lao, tre, keo lá tràm... Chu kỳ bão cấp 12 trở lên, thông thường khoảng 20 năm xảy ra một lần (như cơn bão số 6 năm 2006 tàn phá nhiều diện tích cao su, nay chưa có cơn bão nào như thế). Nếu không bị bão, người trồng cao su chỉ sau năm đến bảy năm cao su cho mủ là thu hồi vốn. Với thời điểm hiện tại, không có cây gì hiệu quả hơn cao su ở vùng gò đồi, cho nên người dân vẫn tiếp tục trồng. Các ngành nông nghiệp, tài chính, ngân hàng cần xem xét hỗ trợ vốn vay bằng lãi suất ưu đãi cho dân để có điều kiện chăm sóc, tra dặm và trồng mới cao su.

Nếu được sự quan tâm đúng mức, thành quả từ cây cao su mang lại sẽ tạo thêm động lực mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp, góp phần tích cực trong xoá đói giảm nghèo cho đồng bào vùng sâu, vùng xa của tỉnh Thừa Thiên - Huế.../.

Quốc Việt/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực