Thúc đẩy đầu tư có trách nhiệm của các công ty Việt Nam tại Lào

Thứ sáu, 09/03/2018 18:50
(ĐCSVN) - Trong 10 năm trở lại đây, đầu tư trực tiếp sang Lào của doanh nghiệp Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Việt Nam trở thành nước đứng thứ 2 với số vốn đầu tư hơn 5 tỷ USD tại Lào, chủ yếu trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp.
Hội thảo khẳng định bên cạnh thuận lợi cũng còn khó khăn trong đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào (Ảnh: HNV)

Đây là thông tin được nêu lên tại Hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu đầu tư có trách nhiệm của các công ty Việt Nam trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp tại Lào diễn ra ngày 9/3, tại Hà Nội. Hội thảo do Trung tâm Phát triển cộng đồng bền vững (SCODE), Hội Khoa học Đông Nam Á tổ chức.

Hội thảo là kết quả của 2 chuyến khảo sát thực địa tại Lào vào tháng 6/2017 và tháng 1/2018 về hoạt động đầu tư có trách nhiệm của các công ty Việt Nam trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp. Với sự hỗ trợ của Lãnh sự quán Việt Nam tại Pakse, Nhóm đã tiến hành khảo sát tại các công ty Cao su Việt – Lào, Công ty Cổ phần Cà phê Tín – Nghĩa tại tỉnh Champasak; công ty Thanh Bình huyện Sopbao; công ty Thongvixay, công ty Lê Minh Châu tại huyện Viengxai… Ngoài ra, nhóm cũng đã tiếp cận với người lao động tại các doanh nghiệp cũng như người dân bản địa về vấn đề đầu tư và đầu tư có trách nhiệm.

Từ kết quả khảo sát, nhóm đã đưa ra các khuyến nghị dành cho các nhà đầu tư cũng như chính quyền địa phương. Trong đó, nhóm đã đưa ra việc chia sẻ lợi ích trong bối cảnh xem xét trách nhiệm và tính bền vững của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Theo đó, việc chia sẻ lợi ích là việc các nhà đầu tư mang lại các lợi ích vật chất, văn hóa, tinh thần một cách hài hòa với cộng đồng nơi đang đầu tư, tạo việc làm, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cơ sở hạ tầng, đóng góp vào ngân sách địa phương và có hoạt động bảo vệ môi trường. Đặc biệt, khi tiếp cận các doanh nghiệp có mô hình đa dạng (lớn, trung bình, nhỏ) với định hướng đầu tư khác nhau (dài hạn, trung hạn và ngắn hạn) nhóm đã phát hiện, không chỉ các doanh nghiệp lớn mới có thể chia sẻ lợi ích, mà các doanh nghiệp nhỏ cũng có thể chia sẻ lợi ích tốt trong phạm vi nguồn lực có hạn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có định hướng đầu tư dài hạn thường có được tầm nhìn và chiến lược chia sẻ một cách rõ ràng, ổn định và hài hòa hơn.

Các đại biểu quốc tế và trong nước tham dự Hội thảo (Ảnh: HNV)

Tại Hội thảo, Ban tổ chức cũng giới thiệu về Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào (AVIL) – tổ chức được thành lập vào ngày 9/9/2011 theo Quyết định số 1643/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ. AVIL hiện có 61 thành viên nòng cốt là các Tập đoàn, Tổng Công ty, doanh nghiệp lớn của Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực ngân hàng, năng lượng, khai khoáng, nông nghiệp, thương mại…, do Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) làm Chủ tịch Hiệp hội. Từ khi thành lập, AVIL đã tích cực trong hoạt động thúc đẩy đầu tư của Việt Nam sang Lào cùng với sự đóng góp tích cực của các hội viên.

Dịp này, các đại biểu cũng được chia sẻ về Bộ Hướng dẫn tự nguyện cho các nhà đầu tư Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp và lắng nghe các chia sẻ về kinh nghiệm thực tiễn của một số doanh nghiệp Việt Nam và Lào…/.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực